Dự thảo Luật Báo chí: Cân nhắc quy định về quyền tự do ngôn luận
Các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý về dự thảo Luật Báo chí, trong đó có quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Điểm mới của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) so với Luật hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.
Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Trong phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý cho dự thảo này, nhiều đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ nguyên tắc về tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cần xác định rõ lại nội hàm để quy định cho đúng với tinh thần Hiến pháp cũng như công ước quốc tế.
Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Trong đó, quy định, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.
Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động…Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay cho thấy: việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng nên đã dẫn đến còn những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Do vậy, Dự thảo Luật báo chí lần này bổ sung một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là cần thiết.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, điểm mới của dự luật là bổ sung một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, dự thảo luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Đây là bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. |
“Quyền tự do báo chí và quyền từ do ngôn luận trên báo chí nếu hiểu theo 2 phạm trù khác thì không đúng. Công ước của LHQ nói là quyền tự do báo chí được hiểu là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của con người thông qua báo chí, trên báo chí. Tôi đề nghị chỗ này phải làm rất kỹ, xác định lại nội hàm của quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lập luận.
Đồng quan điểm này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Dự thảo luật này mới chỉ đi sâu vào nghề làm báo và đưa ra các cách để quản lý báo chí, còn vấn đề làm sao để cho công dân thực hiện quyền tự do báo chí thì chưa thể hiện rõ.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nêu ý kiến: Luật báo chí không phải là luật quản lý báo chí. Do đó phải thể hiện quyền tự do báo chí của người dân thế nào để tạo điều kiện cho công dân tham gia hoạt động báo chí.
"Tôi nghĩ rằng đây là luật báo chí. Không phải luật quản lý báo chí. Cho nên quyền tự do báo chí của công dân được thể hiện chỗ nào. Tôi nghĩ rằng rất đơn giản. Rõ ràng cuộc sống hàng ngày của người dân là phản ánh chân thực nhất vào báo chí, làm nên những tác phẩm có gái trị. Vì thế, công dân có quyền cung cấp thông tin, có quyền viết bài, có quyền làm tất cả những công việc liên quan đến báo chí”, ông Nguyễn Đức Hiền nói.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách. |
Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tự do báo chí không phải là vô hạn. Quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.
“Công dân được quyền tự do ngôn luận tự do báo chí. Nhưng theo tôi, vấn đề tự do và quyền ở đây phải được cân nhắc kỹ. Quyền lớn nhất của công dân chính là quyền được luật pháp bảo hộ. Cho nên phải chăng tự do báo chí của công dân cũng phải trong khuân khổ pháp luật. Chúng ta xây dựng luật đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”, ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.
Liên quan đến quyền tự do báo chí, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt ra câu hỏi về đạo đức của nhà báo. Theo bà Trương Thị Mai, thời gian gần đây, nhiều tờ báo đưa tin quá chi tiết, cụ thể, dày đặc về các vụ án mạng, thảm sát, ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Điều này đặt ra vấn đề về đạo đức của người làm báo. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại không quy định cụ thể về vấn đề này.
“Vừa rồi Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục đưa ra các quan điểm các ý kiến của mình để điều chỉnh khi mà báo chí đưa tin những tội ác quá dày đặc. Tôi đề nghị tiếp tục nghiên cứu trả lời câu đạo đức nhà báo đặt ở đâu trong luật này. Và như vậy tôi nghĩ rằng cần nâng cao vai trò của Hội nhà báo Việt Nam trong vấn đề đạo đức của nhà báo”, bà Trương Thị Mai nói.
Trong quá trình lấy ý kiến, góp ý xây dựng dự luật báo chí, nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tự do báo chí phải cho phép tư nhân hóa báo chí. Tuy nhiên, khi giải trình về dự án luật tại phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: việc tư nhân hóa báo chí không được đưa vào dự luật phù hợp quan điểm của Đảng, Đó là: báo chí là báo chí cách mạng, không thương mại hóa báo chí, tự do báo chí nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật./.
Theo VOV.vn