Du Xuân cùng lễ hội
(Baonghean) - Năm 2013, trên địa bàn tỉnh ta sẽ diễn ra 25 lễ hội, tập trung nhiều nhất từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch (gồm 17 lễ hội từ miền ngược tới miền xuôi). Mỗi lễ hội mang một màu sắc riêng đặc trưng cho từng vùng miền rõ rệt.
Sau những ngày nghỉ Tết đầm ấm, sum họp của mỗi gia đình, đúng mùng 5 Tết, ngược đường đến mảnh đất Châu Cường – Quỳ Hợp chúng ta cùng với đồng bào nơi đây vui hội Pẩn Pang - Nang Ny (hay Lễ hội Mường Ham). Đây là một lễ hội văn hoá truyền thống đặc sắc, tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá dân gian truyền thống của người dân đất mường Khủn Tinh, khởi nguồn từ huyền thoại chuyện tình Nang Ny - Khủn Tinh trong kho tàng văn hoá dân gian của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An, cùng với truyền thuyết liên quan đến Tạo Nọi trong việc dựng bản, lập mường cuối thế kỷ 17 đánh đuổi giặc Xá trong tâm thức dân gian. Năm nay, lễ hội chính thức diễn ra trong hai ngày mồng 5 và 6 Tết Nguyên đán. Nét đặc sắc trong Lễ hội Pẩn Pang - Nang Ny là hội thi viết chữ Thái cổ. Đây là nét văn hoá nhằm bảo tồn và phát huy vốn chữ Thái cổ của dân tộc Mường đang đứng trước nguy cơ mai một. Cũng trong lễ hội này, nhiều hoạt động vui chơi giải trí như: ném còn, thi bắn cung, kéo co, đánh cồng chiêng… đã diễn ra rộn ràng giữa một vùng rừng núi bao la của miền Tây xứ Nghệ.
Tạm biệt vùng đất Khủn Tinh, chúng ta tìm về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhau trẩy hội đền Vua Mai vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội Vua Mai năm nay trùng với Lễ kỷ niệm 1300 năm khởi nghĩa Hoan Châu, 1290 năm ngày mất của Vua Mai, nên các hoạt động phần lễ và phần hội có phần hấp dẫn, phong phú hơn. Ông Nguyễn Xuân Tám – Phó Giám đốc Trung tâm VHTT Nam Đàn cho biết: Lễ hội Đền Vua Mai 2013 sẽ diễn ra trong 3 ngày (13 – 15/1 ÂL). Chương trình kỷ niệm có 4 phần gồm Khúc mở đầu, Ngày hội bên sông Lam; Khánh tiết và Chương trình nghệ thuật “Ngọn lửa Vạn An”, Chương trình này dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV và NTV.
Từ 19 đến 21 tháng Giêng diễn ra Lễ hội Đền Cờn – Quỳnh Lưu. Lễ hội được mở đầu bằng những đoàn thuyền du Xuân có trang trí cờ, hoa rực rỡ, trong tiếng trống, tiếng chiêng âm vang. Đặc biệt năm nay có trò diễn trận thuỷ chiến gắn với truyền thuyết dựng đền, có quân xanh, quân đỏ, giao chiến trên một dải núi non hiểm trở từ làng Ói về đền Cờn. Ngoài ra, những trò chơi dân gian như: đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, hát chầu văn đan xen nhau thật nhộn nhịp...
Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong).
Cũng thời điểm này, tại xã Bạch Ngọc – Đô Lương, hội đền Quả Sơn mỗi năm tổ chức một lần từ ngày 20 – 21 tháng Giêng là dịp để nhân dân tưởng nhớ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Vua Lý Công Uẩn. Nét đặc sắc nhất của Lễ hội Đền Quả Sơn là lễ rước Ngài lên tạ ơn Bà Bụt ở chùa Bà Bụt (Tiên tích tự). Tương truyền, Bà Bụt là người luôn phù giúp Lý Nhật Quang trong việc phát triển quân sự, kinh tế. Vui hội đền Quả Sơn, du khách được hòa mình vào không gian linh thiêng với lễ xuất thần, lễ rước bằng đường thủy, đường bộ và nhiều trò chơi dân gian vui nhộn: chọi gà, đu tiên, cờ thẻ, cờ người, đấu vật… Đặc biệt thu hút du khách là hội đua thuyền bơi chải ngược sông Lam. Cũng dịp này, tại xã Châu Tiến – Quỳ Châu diễn ra Lễ hội Hang Bua. Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc miền núi cao Tây Bắc Nghệ An. Lễ hội diễn ra với các nghi lễ tâm linh và hoạt động văn hóa, thể thao như: hội chơi hang, giao lưu văn nghệ, thi bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy, các môn thể thao hiện đại, thi văn hóa ẩm thực, thi viết chữ Thái Lai Pao, thi kéo sợi, quấn hương...
Ngoài ra còn có các lễ hội như đền Vạn – Cửa Rào (Xá Lượng – Tương Dương) từ 20 – 22 tháng Giêng; Pu Nhạ Thầu xã Hữu Kiệm – Kỳ Sơn (từ 16 – 17 tháng Giêng); Nguyễn Xí - Nghi Hợp – Nghi Lộc (29 tháng Giêng đến 1 tháng Hai); đền Thanh Liệt (Hưng Lam – Hưng Nguyên) ngày 6 tháng Hai; đền Bạch Mã (xã Võ Liệt – Thanh Chương) từ 9 – 10 tháng Hai); làng Vạc (Nghĩa Hòa – Thị xã Thái Hòa) từ 7 – 9 tháng Hai; đền Chín Gian (từ 14 – 16 tháng Hai) tại Châu Kim – Quế Phong; đền chùa Rú Gám – Xuân Thành – Yên Thành (từ 14 – 16 tháng Hai); đền Cuông – Diễn An – Diễn Châu (từ 14 – 15 tháng Hai); và Lễ hội Đền Cửa – Nghi Khánh – Nghi Lộc là lễ hội cuối cùng kết thúc chuỗi lễ hội đầu Xuân trên mảnh đất xứ Nghệ.
Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTT DL cho biết: Để lễ hội Nghệ An thực sự phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, Sở VHTT DL Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra; phân công các ngành liên quan cùng vào cuộc triển khai và có kịch bản phù hợp gắn với chủ đề riêng của từng lễ hội; đồng thời, có cơ chế quản lý tổ chức phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội từng địa phương nhằm đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, giữ gìn được bản sắc văn hóa vùng miền.
Thanh Thủy