Đưa bảo hiểm nông nghiệp đến với nông dân

19/11/2012 14:38

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh duy nhất của cả nước thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng và vật nuôi theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một chương trình thực sự hữu ích cho sản xuất nông nghiệp và đã được người dân tích cực đón nhận. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn...

Chỗ dựa của nhà nông…

Long Thành là xã vùng sâu trũng nhất của huyện Yên Thành. Trận lũ lụt hồi tháng 9 vừa qua đã làm 100% diện tích sản xuất bị ngập lụt, trong đó 597ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch cũng bị mất trắng. Vì tham gia bảo hiểm nông nghiệp nên đã có 780 hộ/2.230 hộ trong xã được bảo hiểm trên 228ha diện tích cây lúa bị thiệt hại, tương đương với số tiền trên 2 tỷ đồng mà Công ty Bảo Việt Nghệ An sẽ chi trả. “Trước đây, khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa, tôi cũng như nhiều hộ khác trong xã thấy rất mơ hồ. Song khi gặp thiên tai như thực tế đã diễn ra, tôi mới thấy được lợi ích thực sự từ việc tham gia bảo hiểm…”, ông Doãn Thanh Khầm - xóm Giáp Ngói, một trong những hộ thiệt hại nặng nhất trong xã với diện tích lên đến 12,5 sào chia sẻ. Trong vụ hè thu, toàn huyện Yên Thành có 12 xã bị thiệt hại, trong đó mất trắng trên 70% có 1.486 ha, mất từ 30-70% có 2.516,4 ha. “Nếu như trước đây, bà con nông dân sẽ chịu tổn thất lớn do thiên tai gây nên nhưng nhờ tham gia bảo hiểm nông nghiệp nên thiệt hại đó được gánh đỡ một phần rủi ro. Hiện huyện đã hoàn tất hồ sơ gửi Công ty Bảo Việt để xem xét chi trả…”, ông Mã Xuân Uyên - Phó phòng Nông Nghiệp huyện Yên Thành cho biết.



Nhờ tham gia bảo hiểm cây lúa, nông dân yên tâm hơn trong sản xuất

Ông Phan Bá Trung - Giám đốc Bảo Việt Nghệ An – đơn vị chịu trách nhiệm cùng với các cấp chính quyền tổ chức triển khai, ký hợp đồng, bồi thường thiệt hại trong chương trình này cho biết: Vụ hè thu có 12 xã thuộc huyện Yên Thành, 5 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu và 3 xã thuộc huyện Diễn Châu bị thiệt hại nằm trong phạm vi bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 135. Hiện Bảo Việt đang phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn chỉnh hồ sơ tổn thất để giải quyết cho dân với số tiền chi trả gần 5 tỷ đồng. Điểm khác biệt cơ bản của bảo hiểm nông nghiệp thuộc Quyết định 135 so với các sản phẩm bảo hiểm khác chính là chính sách trợ giúp phí bảo hiểm, theo đó người nông dân phải đóng rất ít, thậm chí hộ nghèo thì miễn phí hoàn toàn. Cây trồng được bảo hiểm theo vụ, vật nuôi bảo hiểm theo chu kỳ nuôi. Qua hơn 1 năm triển khai, có 50.632 hộ tham gia bảo hiểm cây lúa với diện tích được bảo hiểm là 9.134 ha, 1.394 hộ tham gia bảo hiểm vật nuôi với tổng số vật nuôi được bảo hiểm là 3.242 con. Tổng giá trị bảo hiểm 345.208 triệu đồng, tổng số phí bảo hiểm 16.206 triệu đồng. Trong đó các hộ dân đóng 458,68 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 15.747,32 triệu đồng. Hiện bảo hiểm cây lúa đã triển khai tới 100% xã, thị tại 3 huyện được chọn là Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Đối với bảo hiểm vật nuôi (trâu, bò, lợn), ban đầu trong đợt 1 chỉ chọn thí điểm ở Đô Lương, Thanh Chương, Tương Dương trên quy mô mỗi huyện 3 xã nhưng nay đang được mở rộng ra 88 xã để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người chăn nuôi.

Những vấn đề nảy sinh

Có thể khẳng định, chủ trương thực hiện bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ đã hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, qua hơn 1 năm triển khai, mới chỉ có hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm khá đầy đủ, còn hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo (hộ bình thường), tổ chức sản xuất nông nghiệp lại ít tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Điển hình như ở huyện Yên Thành, vụ hè thu có 10.468 hộ tham gia bảo hiểm cây lúa, trong đó chỉ có 728 hộ bình thường tham gia, cá biệt một số xã không có hộ cận nghèo và hộ thường nào tham gia bảo hiểm nông nghiệp như Đô Thành, Hồng Thành, Hậu Thành, Hoa Thành, Thọ Thành, Trung Thành… Không riêng gì các hộ dân thường, các tổ chức sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thành ít tham gia mà điều này cũng xảy ra tương tự ở cả hai huyện thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa là Diễn Châu và Quỳnh Lưu.

Qua tiếp xúc, các hộ dân bình thường phản ánh, đây là chương trình bảo hiểm với một số ít rủi ro được xác định, phạm vi bảo hiểm hẹp, không phải là bảo hiểm mọi rủi ro, cho nên phần đông nông dân không thoả mãn khi tham gia. Họ cho rằng, đã có bảo hiểm rồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro khách quan khác gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cho vật nuôi nhưng không được bồi thường. Tham gia chương trình này, hộ cận nghèo vẫn phải đóng phí bảo hiểm là 20%, hộ bình thường phải đóng 40%, tổ chức sản xuất nông nghiệp phải đóng 80% phí bảo hiểm, điều này về tâm lý, tập quán với người nông dân là chưa quen, còn e ngại. Hơn nữa, thu nhập của người nông dân nhìn chung còn thấp nên nguồn tiền sẵn có để đóng phí là rất khó khăn. Tiền phí bảo hiểm người nông dân phải đóng trước, đóng từ đầu vụ thì mới được nhận phần hỗ trợ từ ngân sách, trong khi vào đầu vụ là thời điểm giáp hạt, bà con thường phải cùng lúc bỏ ra nhiều loại chi phí phục vụ sản xuất.

Đối với bảo hiểm thí điểm vật nuôi, các hộ bình thường có chăn nuôi cũng rất ít tham gia bảo hiểm. Đô Lương là 1 trong 3 huyện (Tương Dương, Thanh Chương) được tỉnh Nghệ An chọn thực hiện bảo hiểm thí điểm vật nuôi, bởi đây là huyện có tổng số đàn trâu, bò, lợn nhiều nhất tỉnh. Trong 3 xã Giang Sơn Đông, Nhân Sơn và Đại Sơn tham gia bảo hiểm thí điểm vật nuôi của huyện thì tỷ lệ hộ nghèo tham gia đến 82%, hộ cận nghèo tham gia 1,5% và hộ thường chỉ tham gia 0,1%. Nói về tỷ lệ tham gia quá ít ỏi này, Ban chỉ đạo bảo hiểm vật nuôi huyện Đô Lương lý giải: “Trước đây khi chưa có Thông tư 43 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định 2114 của Bộ Tài chính thì phạm vi bảo hiểm còn hẹp. Cụ thể, người chăn nuôi chưa được bồi thường trong trường hợp vật nuôi bị chết do giông, lốc xoáy hay bệnh tụ huyết trùng, nhiệt thán, thương hàn… Bên cạnh đó, tỷ lệ phí và mức phí bảo hiểm còn khá cao. Người được bảo hiểm phải thanh toán cho doanh nghiệp bảo hiểm toàn bộ phí bảo hiểm được quy định trong vòng 7 ngày kể từ ngày ký hợp đồng bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn thì không được giải quyết bồi thường, trừ khi có thoả thuận khác bằng văn bản. Quy tắc này vô hình trung đã đánh vào các hộ bình thường - những hộ có số lượng đàn trâu, bò, lợn hàng chục con trở lên, cùng một lúc phải đóng một khoản phí lớn, khiến rất nhiều hộ e ngại nên không tham gia”…

Để giải quyết những khúc mắc trên và huy động các hộ bình thường tham gia bảo hiểm nông nghiệp, hiện Công ty Bảo Việt Nghệ An đang phối hợp với các thành viên liên quan thực hiện quy trình xác nhận thiên tai, dịch bệnh, xác định năng suất, tính toán tổn thất, thiệt hại để giải quyết thoả đáng và kịp thời cho bà con. Về kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến việc mở rộng địa bàn thực hiện bảo hiểm nông nghiệp để nhiều người dân được hưởng lợi “phải có lộ trình từ Chính phủ, bởi hiện nay ngân sách Nhà nước hỗ trợ chỉ đang thực hiện thí điểm tại các huyện được chọn trong giai đoạn 2011-2013 chứ chưa đủ sức mở rộng ra…”, ông Phan Bá Trung, Giám đốc Công ty Bảo Việt, thành viên Ban chỉ đạo Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh cho hay.


Khánh Ly

Mới nhất

x
Đưa bảo hiểm nông nghiệp đến với nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO