Đưa cam Vinh, lươn xứ Nghệ lên 'bản đồ' thế giới

Thanh Phúc 04/02/2022 08:13

(Baonghean.vn) - Là “nữ nhi” và đều cầm tinh con Hổ (sinh năm Bính Dần 1986), Nguyễn Thị Lê Na và Trần Hà Nhung chọn những đặc sản của quê hương là món lươn xứ Nghệ và cam Vinh để khởi nghiệp...

CAM VINH ĐƯỢC CHỌN ĐỂ SẢN XUẤT BIA!

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có công việc ổn định trong một tập đoàn lớn, chưa bao giờ Nguyễn Thị Lê Na ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) lại nghĩ mình sẽ trở về gắn bó với cây cam quê nhà. Nhưng rồi, vụ cam năm 2013, gia đình Na cũng như nhiều người dân ở huyện Quỳ Hợp xót xa đổ bỏ hàng tấn cam vì không có đầu ra, khiến Na quyết định xin nghỉ việc, trở về quê hương phát triển kinh tế từ cây cam. “Khi tôi trực tiếp làm việc với các gốc cam mới thấy việc sản xuất cam của người dân quê Na không có sự tổ chức chặt chẽ, mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để tạo dựng thương hiệu, định vị lại vị thế cho cây cam Vinh trên đất Quỳ Hợp thì cần một hướng đi khác biệt”, Nguyễn Thị Lê Na kể lại.

Nhiều sản phẩm được sơ chế, tinh chế từ cam Vinh: mứt cam, tinh dầu cam, bánh cam…
Nhiều sản phẩm được sơ chế, tinh chế từ cam Vinh: mứt cam, tinh dầu cam, bánh cam…

Hướng đi “khác biệt” của Na đó là canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo sạch và an toàn. Và để sản phẩm cam quả làm ra không phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, vào thị trường, lâm vào tình thế “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thì phải nâng tầm thương hiệu cam, đảm bảo mọi tiêu chí khắt khe về chất lượng sản phẩm để đưa cam vào siêu thị, vào các kênh phân phối lớn và bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Từng bước một, thương hiệu “Cam Vinh Kỳ Yến” mà Na kỳ công xây dựng dần chinh phục thị trường trong nước, có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị, các hội chợ triển lãm quốc tế về các sản phẩm nông nghiệp.

Sau thành công bước đầu, Na quyết định trồng cam theo mô hình sinh thái trên diện tích 50 ha với gần 30 nông hộ tham gia liên kết. Đây là phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất tác động vào cây trồng. Tuy mất nhiều thời gian, công sức, năng suất thấp nhưng bù lại tạo ra sự phát triển bền vững cho cây trồng, bảo đảm tuyệt đối an toàn về chất lượng sản phẩm. Những vụ cam vừa qua, dù thị trường liên tục biến động, cam quả nhiều vùng rớt giá, khó tiêu thụ thì sản phẩm cam Vinh từ trang trại nông sản Phủ Quỳ do Na điều hành sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba thị trường.

Cô gái sinh năm Bính Dần - Nguyễn Thị Lê Na người đầu tiên ở Nghệ An thành công với mô hình trồng cam sinh thái. hiện cam Vinh của Công ty Nông sản Phủ Quỳ do Lê Na điều hành đã có mặt khắp các siêu thị ở các tỉnh, thành.
Cô gái sinh năm Bính Dần - Nguyễn Thị Lê Na người đầu tiên ở Nghệ An thành công với mô hình trồng cam sinh thái. Hiện cam Vinh của Công ty Nông sản Phủ Quỳ do Lê Na điều hành đã có mặt khắp các siêu thị ở các tỉnh, thành.

Không chỉ tìm hướng ra cho sản phẩm cam quả tươi, Na còn tìm cách nâng cao giá trị sử dụng từ quả cam bằng các sản phẩm tinh chế, như: Vỏ cam sấy khô, múi cam sấy dẻo, mứt nước cam, xà phòng cam, tinh dầu cam, bánh Trung thu cam... Đặc biệt, tháng 10/2021, một hãng bia nổi tiếng thế giới đã đặt hàng cam của trang trại nông sản Phủ Quỳ để làm nguyên liệu sản xuất. Theo Lê Na thì “thành công trong hợp tác với hãng bia nổi tiếng thế giới này điều giá trị nhất không phải là ở tiền bạc, mà chính là ở câu chuyện niềm tin về định hướng cho đặc sản cam Vinh. Đó là không chỉ bán cam tươi mà còn hướng đến những sản phẩm sơ chế, tinh chế; là chuyện về làm nông nghiệp sinh thái, về những nông dân sinh thái, để từ đó đưa cam Vinh cũng như những trái cây đặc sản của Việt Nam lên bản đồ trái cây của thế giới”.

“XUẤT KHẨU” LƯƠN BẰNG CONTAINER!

Cũng như nhiều người dân Nghệ, rất nhiều bạn bè, người thân của Trần Hà Nhung ở phường Hà Huy Tập (TP.Vinh) sống xa quê, người ở Bắc, người vào Nam và có nhiều người tận nước Úc, nước Anh, nước Hàn xa xôi… Trong nỗi nhớ quê, nhớ gia đình, người thân của họ luôn hiện hữu cùng những món ăn của quê hương xứ sở. Trong mỗi câu chuyện qua điện thoại, zalo, facebook luôn đi kèm lời hẹn “Về Vinh, đi ăn bữa súp lươn”… Điều này khiến Nhung luôn trăn trở, làm thế nào để những người Nghệ xa quê, những người ở các nơi khác được thưởng thức món lươn mà không phải “thèm thuồng”, “ao ước” về Vinh?.

Trần Hà Nhung, cô gái khởi nghiệp từ đặc sản Nghệ An; Để giữ được trọn vị đặc sản lươn trong từng sản phẩm, các công đoạn như chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đều cần sự chỉn chu, công phu.
Trần Hà Nhung, cô gái khởi nghiệp từ đặc sản Nghệ An. Để giữ được trọn vị đặc sản lươn trong từng sản phẩm, các công đoạn như chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đều cần sự chỉn chu, công phu.

Năm 2015, Trần Hà Nhung chế biến lươn đồng đông lạnh để cung cấp cho người thân, người Nghệ xa quê và các nhà hàng, khách sạn ở các địa phương trong nước. Lúc đó, Nhung chỉ làm đủ cung cấp theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ, kiếm thêm thu nhập để nuôi con. Nhận thấy thị trường rộng mở, nhu cầu tăng, yêu cầu của khách hàng cũng đa dạng hơn và bất cập nhất là món lươn đông lạnh khó trong bảo quản và vận chuyển, khi đến tay khách hàng thì đã không còn “chuẩn vị” ban đầu, để thưởng thức, khách vẫn phải nấu nướng. Do đó, Nhung ấp ủ cho việc ra đời một sản phẩm lươn đóng gói, ăn liền…

Đến năm 2020, sau 3 năm ấp ủ, tìm tòi, thử nghiệm sản phẩm súp lươn, miến lươn và cháo lươn ăn liền đóng gói ra đời. “Khởi nghiệp từ lươn – món ngon nức tiếng của xứ Nghệ em gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, đã là đặc sản nên có vị riêng biệt, đặc trưng khi chuyển từ món lươn tươi sang lươn đóng gói, ăn liền thì làm sao giữ được “trọn vị” là điều không đơn giản. Thứ hai, thị hiếu của người tiêu dùng chưa quen với sản phẩm lươn khô, lươn đóng gói. Do đó, để chinh phục thị trường là điều không hề dễ dàng”, Trần Hà Nhung chia sẻ.
Dù không hề dễ dàng nhưng Hà Nhung luôn tâm niệm, chất lượng sẽ làm nên thương hiệu, để khách hàng từ “ăn thử” sang chọn các sản phẩm lươn ăn liền cho các bữa ăn tiện lợi trong gia đình thì không có cách nào khác là sản phẩm phải ngon, phải sạch, phải “tròn vị”. Do đó, ngay từ khâu chọn nguyên liệu, Nhung đã rất kỹ lưỡng: lươn phải chuẩn lươn đồng; gạo làm miến, làm cháo phải là gạo quê, củ hành tăm, củ nghệ làm gia vị cũng phải chuẩn vị quê. Rồi khâu chế biến cũng phải dùng công nghệ làm sao để các món ăn từ lươn không mất đi hương vị đặc trưng…

Miến lươn - đặc sản lươn xứ Nghệ.
Miến lươn - đặc sản lươn xứ Nghệ.

Quả ngọt cho sự “chuẩn chỉnh” đó là doanh thu ngày một tăng, hiện sản phẩm ăn liền từ lươn do Trần Hà Nhung làm “thủ lĩnh” đã có mặt ở khắp các kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng, đại lý và được người tiêu dùng lựa chọn cho những bữa ăn tiện lợi. Đặc biệt, từ tháng 6/2021, các sản phẩm lươn đóng gói ăn liền đã được xuất khẩu sang Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản với 12 container.

“Ngoài doanh thu mang lại, ngoài thu nhập cho hàng chục lao động của công ty thì điều khiến em luôn nỗ lực không ngừng là niềm tự hào cho một món ăn, một đặc sản Nghệ An được vươn xa. Rồi đây, súp lươn, miến lươn, cháo lươn – những đặc sản của Nghệ An sẽ là món ngon hàng ngày, phổ biến trong các bữa ăn của gia đình Việt, cộng đồng người Việt và thực khách 5 châu”, Trần Hà Nhung tự hào nói.

Mới nhất

x
Đưa cam Vinh, lươn xứ Nghệ lên 'bản đồ' thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO