Đưa cán bộ gần dân hơn
(Baonghean) - Huyện Quế Phong có 7 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Tày và Chứt, đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 41,18%. Những năm qua, ngoài các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, năm 2012, UBND huyện có Quyết định 368/QĐ-UBND giao cho các trường học, đơn vị, phòng, ban trên địa bàn huyện nhận đỡ đầu hộ nghèo, với những cách làm cụ thể.
Gia đình ông Vi Văn Du ở bản Ná Tọc, xã Quế Sơn đầu tư chăn nuôi gia súc, sau khi được Văn phòng UBND huyện nhận đỡ đầu. |
Theo chân cán bộ Văn phòng UBND huyện Quế Phong, chúng tôi đến gia đình anh Vi Văn Lắng ở bản Ná Cạ và gia đình ông Vi Văn Du ở bản Ná Tọc, xã Quế Sơn. Cả 2 gia đình này được Văn phòng UBND huyện nhận đỡ đầu giúp thoát nghèo từ cuối năm 2013. Vợ anh Vi Văn Lắng, chị Lô Thị Hương phấn khởi nói: Sau khi lập gia đình, năm 2006, bằng nguồn vốn tích góp được, cùng với vay mượn anh, em, ngân hàng, vợ chồng anh làm được căn nhà gỗ 3 gian. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức trong chăn nuôi, sản xuất, nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đầu năm 2013, anh chị được cán bộ Văn phòng UBND huyện trực tiếp đến hướng dẫn cách làm ăn, như chăn nuôi lợn nái, bò sinh sản, trồng rau, cách chăm sóc lúa như thế nào để đạt năng suất cao… Làm theo hướng dẫn của cán bộ, gia đình mua 2 con lợn sinh sản, tận dụng mảnh đất vườn trồng rau, nuôi gà mái đẻ.
Trong quá trình sản xuất, được cán bộ huyện thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên, nên vợ chồng phấn khởi làm theo. Vì thế, 7a ruộng (700 m2) mỗi năm thu về 5 tạ lúa, 2 con lợn nái gần đẻ lứa đầu, rau trong vườn nhà đủ cung cấp bữa ăn cho gia đình. Cuối năm 2013, gia đình thoát khỏi hộ nghèo, được cán bộ Văn phòng UBND huyện tặng 1 chiếc đồng hồ treo tường, 1 chiếc chăn ấm, là nguồn động viên lớn đối với gia đình.
Gia đình ông Vi Văn Du ở bản Ná Tọc, trước đây cũng là hộ nghèo, được cán bộ Văn phòng UBND huyện hướng dẫn cách làm ăn nên đã thoát nghèo cuối năm 2013. Ông Du chia sẻ: “Cán bộ Văn phòng UBND huyện không có tiền hỗ trợ gia đình, nhưng nhiệt tình hướng dẫn cách làm ăn, nên gia đình làm việc gì cũng hiệu quả cao hơn trước. Như chăn nuôi lợn, bò sinh sản, dọn vườn trồng rau… đều được cán bộ hướng dẫn cách làm khoa học, nhà có 6 người nhưng quanh năm có việc làm, lúa đủ ăn, lợn và bò đã sinh sản được lứa đầu. Cuối năm 2013, gia đình ông Du đã thoát nghèo. Ghi nhận sự nỗ lực của gia đình, cuối năm Văn phòng HĐND – UBND huyện tặng 1 chiếc đồng hồ treo tường và 1 chiếc chăn ấm. Ông Du nói tiếp, những hộ nghèo thường thiếu kiến thức về KHKT trong chăn nuôi, sản xuất, do vậy cán bộ hướng dẫn cho cách làm là hướng thoát nghèo bền vững nhất”.
Anh Phan Trọng Dũng – Chánh Văn phòng UBND huyện Quế Phong, cho biết: Thực hiện Quyết định số 368/QĐ-UBND của UBND huyện về việc giao chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo cho các đơn vị trên địa bàn huyện, Văn phòng UBND huyện đã có kế hoạch nhận giúp đỡ 10 hộ nghèo tại xã Quế Sơn. Theo đó, năm 2013, đơn vị đã nhận giúp đỡ 2 hộ: Vi Văn Lắng, bản Ná Cạ và Vi Văn Du, bản Ná Tọc. Khi nhận giúp đỡ, 2 hộ này đang thuộc diện hộ nghèo, nhưng điều kiện thoát nghèo là có thể, vì vợ chồng có sức khỏe, ruộng, vườn có đủ. Cách làm của Văn phòng UBND huyện là không hỗ trợ, giúp đỡ bằng vật chất, mà hướng dẫn cho họ cách làm ăn. Sau khi khảo sát xong điều kiện của từng gia đình, đơn vị cử cán bộ, nhân viên trực tiếp hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách làm ăn. Sau 3 tháng đánh giá 1 lần để rút kinh nghiệm. Khi hộ đó đã thoát nghèo, anh em cán bộ, nhân viên văn phòng đóng góp tiền, mua quà tặng, động viên gia đình. Sau đó, đơn vị tiếp tục theo dõi, hướng dẫn cách làm ăn để không tái nghèo.
Đối với đơn vị Thanh tra huyện lại có cách làm khác. Ông Trương Đình Xuân – Chánh Thanh tra huyện, cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ hỗ trợ hộ nghèo tại xã Quang Phong, là địa phương xa trung tâm huyện, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Giai đoạn 2012 – 2015, đơn vị nhận giúp đỡ 6 hộ nghèo. Sau khi khảo sát, nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của địa phương, lúc đầu đơn vị có ý định đưa cây chanh leo vào cho các hộ trồng, nhưng xét thấy không phù hợp. Được sự tham mưu của chính quyền địa phương, những hộ này sinh sống gần ruộng đồng, có lợi thế chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu. Nhưng do vịt giống không có nơi cung ứng, nên chuyển sang chăn nuôi lợn đen địa phương. Hiện nay, Thanh tra huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương đặt mua con giống tại chỗ, theo đó, mỗi cán bộ, nhân viên của đơn vị đóng góp ngày lương để mua lợn giống cho hộ nghèo. Ông Xuân tâm sự: Thanh tra huyện chỉ có 3 cán bộ, nhân viên, do vậy công tác giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần hướng về hộ nghèo, mọi người sẵn sàng trích một phần tiền lương hàng tháng, tranh thủ thời gian, đến hỗ trợ hộ nghèo. Đây chính là điều kiện giúp cho mỗi cán bộ được tiếp xúc với người dân, giúp đỡ họ một cách thiết thực.
Chương trình thực hiện XĐGN do các đơn vị nhận đỡ đầu của huyện Quế Phong, giai đoạn 2012 – 2015 đã thực hiện được 2 năm, cho thấy một số đơn vị đã tích cực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Điển hình như, Thanh tra huyện, Văn phòng UBND huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện, Văn phòng Huyện ủy, Đoàn Thanh niên, Ban Dân vận,… Một số hộ được nhận giúp đỡ, mặc dù chưa thoát nghèo, nhưng nâng được mức thu nhập 180.000 đồng/người/tháng lên 360.000 đồng/người/tháng.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện XĐGN do các đơn vị, trường học, phòng, ban, ngành nhận đỡ đầu giai đoạn 2012 – 2015 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình thực hiện Quyết định 368/QĐ-UBND của UBND huyện gặp một số khó khăn như, tâm lý của một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Nguồn lực của một số đơn vị khó khăn, dẫn đến nhiều đơn vị, đặc biệt là phần lớn các trường học chưa vào cuộc. Bà Trương Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: Toàn huyện có 111 đơn vị, trường học, phòng, ban được giao nhiệm vụ nhận đỡ đầu giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo theo sự chỉ đạo của huyện. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có 17 đơn vị, phòng, ban, ngành, trường học báo cáo cụ thể. Theo đó, toàn huyện đã có 41 hộ xóa được nghèo từ sự giúp đỡ của các đơn vị, phòng, ban cấp huyện. Như vậy, số hộ được các đơn vị nhận đỡ đầu, qua 2 năm là chưa nhiều, nguyên nhân còn nhiều đơn vị, phòng, ban chưa vào cuộc. Thậm chí có những đơn vị đã thực hiện, nhưng chưa tìm được cách làm cụ thể. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đôn đốc các đơn vị vào cuộc một cách tích cực, có hiệu quả, coi đây là nhiệm vụ chính của mỗi cán bộ, đảng viên.
Việc phân công các trường học, đơn vị, phòng, ban, ngành về giúp đỡ hộ nghèo tại các địa phương không chỉ giúp sức cho công tác giảm nghèo của huyện, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa cán bộ đến với dân, gần dân, hiểu được thực tế của người dân hơn. Từ đó, việc xây dựng các chính sách liên quan đến người dân sát thực hơn. Vì vậy, duy trì và tìm ra những cách làm mới để nâng cao hiệu quả của công tác này là rất cần thiết.
Xuân Hoàng