Đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuộc sống

Khánh Ly 02/10/2018 15:43

(Baonghean) - Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Thực hiện Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Lưu Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh xung quanh vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết kết quả bước đầu của việc phổ biến, tuyên truyền, thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An?
Ông Lưu Công Vinh: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ xác định việc phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng để triển khai, đưa Luật vào cuộc sống.
Do vậy, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 20/5/2017 về triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Từ đó đến nay các cấp, các ngành địa phương đã nghiêm túc triển khai như Kế hoạch này.

Riêng UBND tỉnh đã tổ chức 1 Hội nghị phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cho 200 đại biểu là cán bộ chủ trì cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn tỉnh và Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tổ chức 2 Hội nghị phổ biến chính sách pháp luật về tôn giáo cho gần 400 các chức sắc, chức việc đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, tiếp tục tổ chức các Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định 162/NĐ-CP.

Đến nay, đã tổ chức được 1 hội nghị cho hơn 200 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt và CBCC làm công tác tôn giáo cấp tỉnh, huyện; 4 hội nghị cho gần 800 chức sắc, chức việc của Phật giáo trên địa bàn tỉnh; 4 hội nghị với 600 đại biểu cho cán bộ làm công tác tôn giáo cấp huyện, cấp xã (chuyên trách và không chuyên trách).

Lễ Vu Lan ở một ngôi chùa trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Hải Vương
Lễ Vu Lan ở một ngôi chùa trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Hải Vương
Ngoài ra, Ban Tôn giáo còn phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo cho hơn 200 chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh và động viên chức sắc, chức việc các tôn giáo đi dự các Hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo ở các tỉnh Gia Lai, Hà Tĩnh do Hội đồng tuyên truyền pháp luật Trung ương tổ chức.
Tại các hội nghị trên đã cấp phát 2.400 cuốn tài liệu liên quan đến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo và chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh để có điều kiện nghiên cứu, thực hiện.
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương với sự giúp đỡ của Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai đến cán bộ công chức, các chức sắc, chức việc các tôn giáo thuộc đơn vị và địa phương mình. Đồng thời, Ban Tôn giáo đã giúp giảng bài tuyên truyền, phổ biến về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cho các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Nghệ An đã xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh và Nghị định đến mọi tầng lớp nhân dân.
Kết quả, công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của cán bộ công chức làm công tác tôn giáo. Đa số chức sắc, chức việc, đông đảo đồng bào có đạo yên tâm tin tưởng và cơ bản chấp hành đúng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo trong các hoạt động tôn giáo.
P.V:Quá trình đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuộc sống hẳn gặp không ít khó khăn, bất cập, thưa ông?
Ông Lưu Công Vinh: Quá trình đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuộc sống cơ bản thuận lợi nhưng vẫn có không ít những khó khăn, bất cập. Cụ thể là:
- Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo nên triển khai chậm, việc triển khai chưa rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân
- Công tác tôn giáo là lĩnh vực chuyên môn hẹp nên khó khăn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tuyên truyền, phổ biến. Hình thức tuyên truyền ở cơ sở chưa phong phú nên còn hạn chế về sức lan tỏa.
- Một số chức sắc, chức việc tôn giáo trách nhiệm không cao nên không tham dự Hội nghị phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Cá biệt còn ngăn cản chức việc và giáo dân tham dự.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chưa đồng bộ với các Luật khác, nhất là đất đai; một số nội dung lần đầu quy định nên việc áp dụng vào thực tiễn còn khó khăn, lúng túng.
P.V: Vậy để đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuộc sống một cách có hiệu quả, cần phải thực hiện những giải pháp cụ thể nào thưa ông?
Ông Lưu Công Vinh: Để đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuộc sống một cách hiệu quả, chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của các đơn vị, địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế.

Trong thực hiện, cần tích cực, chủ động rà soát các văn bản đã ban hành liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát hiện những bất cập, để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản có nội dung không còn phù hợp. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt trong kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; sơ kết, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Luật.

Đông đảo phật tử và nhân dân thập phương tham dự đại lễ phật đản tại chùa Đại Tuệ. Ảnh: Thành Cường
Đông đảo phật tử và người dân thập phương tham dự Đại lễ Phật đản tại chùa Đại Tuệ. Ảnh: Thành Cường

Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là lực lượng nòng cốt, quyết định hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật. Do đó, các địa phương, các cấp, các ngành cần làm tốt việc tuyển chọn lực lượng này; ưu tiên người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc, chức việc các tôn giáo để đào tạo, bồi dưỡng.

Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật có liên quan để đội ngũ báo cáo viên nắm chắc Luật, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của người dân ở các vùng, miền, đặc điểm giáo lý, giáo luật, lễ nghi các tôn giáo và kỹ năng, phương pháp tuyên truyền. Bên cạnh đó, quan tâm tạo điều kiện đảm bảo phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, phổ biến Luật.

Thứ ba, lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Mục đích của việc làm này là để mọi người hiểu rõ, thực hiện đúng, xây dựng thói quen tự giác tìm hiểu, học tập và chấp hành Luật.
Thứ tư, phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quán triệt, phổ biến Luật nhất là triển khai, tác động để các chức sắc, chức việc nhận thấy và tự giác tham gia hội nghị, tự nghiên cứu và chấp hành nghiêm Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
P.V: Xin cảm ơn ông!

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, bao gồm 9 chương, 8 mục và 68 điều. Luật có nhiều điểm mới, tiến bộ, thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.


Mới nhất
x
Đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO