Đức hy sinh của người vợ "nhà thơ đứng"

25/11/2013 13:48

(Baonghean) -Đến làng Trắp, xã Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) không ai là không biết ông Trương Quang Thứ, người nổi tiếng khắp vùng với biệt danh “nhà thơ đứng”. Trải qua bao “gió dập sóng dồi”, ông đã có được những vần thơ “tình đời thiết tha” cùng một mái ấm trọn vẹn. Nhưng mấy ai biết rằng, đằng sau “nhà thơ đứng” ấy là một người vợ giàu đức hi sinh cùng nghị lực phi thường một mình bà cực khổ, lam lũ nuôi chồng tật nguyền cùng 3 con nên người.

Cổ tích một chuyện tình

Trương Quang Thứ sinh năm 1951 trong một gia đình có tới 11 anh chị em. Từ nhỏ, cậu bé Thứ học giỏi nổi tiếng, có năng khiếu làm thơ, văn và có nhiều bài được đăng báo. Nhưng gia cảnh khó khăn nên học hết cấp III, Trương Quang Thứ vẫn buộc phải gác lại ước mơ học hành và theo chân bố mẹ mưu sinh.

Khi tròn 21 tuổi, tai họa giáng xuống cuộc đời chàng trai trẻ Trương Quang Thứ Trong một lần đi rừng, chẳng may Thứ vướng phải mảnh bom và bị thương ở chân. Tuy vết thương nhỏ nhưng do chủ quan, bị nhiễm trùng biến chứng, dẫn đến cột sống bị liệt. Khi ấy, tuy nhà nghèo nhưng bố mẹ Thứ vẫn gắng chạy vạy khắp hết nơi này đến nơi khác với hy vọng chữa trị khỏi bệnh cho con trai nhưng vô vọng. Từ một chàng trai khỏe mạnh, giàu ước mơ và hoài bão, Thứ trở thành người tàn tật, người thẳng đơ như một khúc gỗ và chỉ nằm một chỗ.

Vợ chồng nhà thơ Trương Quang Thứ cùng các cháu nội
Vợ chồng nhà thơ Trương Quang Thứ cùng các cháu nội

TIN LIÊN QUAN

Ngày đó, hiểu rõ hoàn cảnh bệnh tật của mình, nên Thứ đã tự dặn lòng phải từ bỏ khao khát yêu và được yêu. Nhưng cuối cùng, số phận đã dành cho ông một món quà lớn hơn tất cả những món quà mà ông được nhận trong đời, đó là người phụ nữ nết na, đảm đang.

Năm 1976, dù không hy vọng nhiều nhưng bố mẹ Thứ vẫn đưa ông lên Bệnh viện Hà Bắc (cũ - nay là Bắc Giang) để điều trị bệnh. Những ngày nằm trong bệnh viện, số phận run rủi đã khiến Trương Quang Thứ quen với cô sinh viên Trường Trung cấp Kỹ thuật Nguyễn Thị Nị. Ngày ấy, bà Nị vô tình lên thăm người bạn học cùng trường nằm cùng phòng trong bệnh viện với Thứ. Qua vài câu nói chuyện xã giao, thăm hỏi, hình ảnh về người thanh niên trẻ trung, có gương mặt hiền lành, ăn nói dễ nghe nhưng không đi lại được đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng cô sinh viên Nguyễn Thị Nị.

Cứ thế, mỗi khi vào thăm bạn ở bệnh viện, Nị thấy ông Thứ không đi lại được, sinh hoạt khó khăn mà gia đình không có ai ở bên cạnh giúp đỡ nên đã tình nguyện chăm sóc ông. Thời gian đầu chỉ là sự thương cảm với một người có số phận thiệt thòi, dần dà, tình thương trong bà nảy nở thành một thứ tình cảm lớn lao, bà đã yêu chàng trai tật nguyền từ lúc nào không hay.

Thấy được sự quan tâm, chăm sóc ân cần của Nị, Thứ cũng lờ mờ nhận ra tình cảm của người con gái ấy dành cho mình. Và từ lâu, Thứ cũng đã thầm yêu cô gái vừa đẹp người, lại đẹp nết ấy nhưng nào dám thổ lộ. Bản thân tật nguyền, đâu dám mong sẽ được người con gái lành lặn, xinh đẹp nhận lời yêu. Hơn nữa, Thứ cũng suy nghĩ nhiều, nếu nói ra mà người ta chấp nhận, anh cũng khiến người yêu phải khổ nên lần lữa mãi.

Rót cốc nước chè mời khách, nhà thơ Trương Quang Thứ bồi hồi nhớ lại: “Một lần, tôi định nói ra tình cảm của mình để nhẹ lòng thôi, chứ cũng không dám mong bà ấy đáp lại mô. Khi ấy, người tật nguyền như tôi nào dám hỏi thẳng với cô ấy: “Em có yêu anh không? Có đồng ý làm vợ anh không?” Băn khoăn mãi, ông cũng chỉ mở miệng hỏi một câu chẳng đến đầu, đến cuối: “Em có đồng ý làm dâu xứ Nghệ không?” rồi im bặt. Nghe ông Thứ kể chuyện, bà Nị ngượng ngùng mắng yêu chồng: “Người chi mà bình thường thì thơ văn tuôn như suối, đến lúc tỏ tình nói chẳng nên lời”.

Ông Thứ nghe vợ nói vậy thì cười khề khà: “Thì bà cũng hiểu cho hoàn cảnh của tui lúc ấy chứ”. Rồi ông kể tiếp. Khi ấy, không để ông phải chờ lâu, bà Nị đã nói với ông rằng sẵn sàng ở bên ông và cùng ông chia sớt mọi khó khăn trong cuộc sống dù ông có khiếm khuyết đến mức nào. Nghe được những điều ấy, ông Thứ hạnh phúc biết bao. Suốt những năm sống trong cảnh tật nguyền, bản thân ông chẳng bao giờ dám mơ sẽ có ngày mình có thể ngỏ lời yêu và được đáp lại. Nhưng niềm hạnh phúc vừa mới chớm thì Thứ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình người yêu. Khi biết tin con gái yêu chàng trai tật nguyền, mẹ của Nị khuyên nhủ không được đã tuyên bố từ mặt con gái nếu lấy Thứ làm chồng. May sao, cha của Nị là một người biết cảm thông: “Con lớn rồi, bố tôn trọng quyết định của con. Nhưng nên nhớ, sau này sướng khổ thế nào thì con hãy tự chịu lấy”.

Bỏ ngoài tai sự phản đối gay gắt và khuyên can của mẹ, năm 1977, Nị về làm dâu xứ Nghệ.

Hạnh phúc nảy mầm

Ngày mới lấy nhau, cuộc sống của vợ chồng ông bà vô cùng khó khăn, cơ cực. Đỉnh điểm của sự khó khăn đó là khi cậu con trai đầu lòng Trương Quang Văn ra đời. Toàn bộ các khớp trong người ông Trương Quang Thứ đã hỏng, nên hầu như ông chỉ nằm một chỗ, khó khăn lắm mới đi lại nhúc nhắc được, bà trở thành trụ cột chính trong nhà. Ông bảo, có nhiều lúc nhìn bà Nị vất vả, ông thương vợ ứa nước mắt.

Hằng ngày, từ 3 - 4h sáng, bà đã dậy để đi làm công cho hợp tác xã. Trưa về, bà lên rừng lấy củi và nhặt phân trâu về bón cho mảnh vườn rau nho nhỏ mà ông bà canh tác thêm tại nhà. Đến chiều tối, khi hết ngày công của hợp tác, bà lại ra biển cào ngao, cải thiện bữa ăn cho cả gia đình.

Nhà gần biển nên hầu như năm nào cũng gặp bão, nếu như những người vợ khác có chồng lo lắng chuyện nhà cửa thì bà phải đứng ra lo toan mọi thứ mỗi khi mưa bão đến. Có đêm đang ngủ thì trời mưa to, gió lớn, nhà có nguy cơ bị tốc mái, một mình bà Nị phải dậy dùng thang leo lên mái nhà che chắn. Ngày xây căn nhà ba gian để tránh bão, cũng một mình bà vừa đi gánh từng gánh đất về đổ nền mỗi đêm, vừa chuyển gạch, vôi, vữa vào để xây lên căn nhà nhỏ làm nơi trú ngụ cho cả gia đình.

Là trụ cột trong gia đình, nên cuộc đời bà không lúc nào được nghỉ ngơi. 3 lần bà sinh con, là cả 3 lần bà đều làm việc cho đến ngày cuối cùng. Người phụ nữ ấy vất vả, cực khổ hằng ngày đã đành nhưng đến ngày sinh nở cũng khổ, cả 3 người con của bà vì thế đều đẻ rơi giữa đường. Sinh xong, chẳng dám cho mình nghỉ ngơi một ngày, bà lại tất bật lo toan chuyện đồng áng, chợ búa. Khi thì mua con cá, mớ tép từ biển lên miền ngược bán kiếm lời rồi buôn sắn từ vùng cao về luộc rồi mang ra chợ bán. Nhiều đận, bà đành “liều mình” nấu rượu, nuôi lợn “lậu”. Bà Nị kể lại: “Có lần chính quyền vào kiểm tra, bắt quả tang đang nấu rượu lậu và gọi lên xã phạt, khiếp mãi tận giờ”.

Ở xã Quỳnh Lập, vợ chồng Trương Quang Thứ là gia đình duy nhất nuôi được 3 người con học đại học và thành đạt. Với một gia đình bình thường, đó đã là một niềm tự hào nhưng với một gia đình “đặc biệt” với người phụ nữ tần tảo “nuôi đủ 3 con với 1 chồng” thì đó là kỳ tích. Đã qua tuổi 60, niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng ông bà là tất cả 3 người con trai đều đã đỗ đạt và có công việc ổn định. Người con đầu Trương Quang Văn đã tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, đang công tác ở Phòng Giáo dục huyện, người con trai thứ Trương Quang Chương đã tốt nghiệp Học viện Quân sự, đang công tác ở Bộ Tư lệnh Thông tin; con trai út Trương Quang Phương tốt nghiệp Đại học Thủy sản, đang làm việc ở Đồng Nai. Hai cô con dâu lớn của ông Thứ đang làm việc ở Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập.

Nhà thơ Trương Quang Thứ bảo trên đời này, khó kiếm người đàn bà nào giàu đức hy sinh và yêu thương chồng, con hết mực như vợ ông. Là lao động chính trong nhà, nhưng bữa cơm có miếng ngon nào, bà lẳng lặng gắp cho chồng con. Đức hy sinh của bà khiến cho người dân làng chài ven biển Quỳnh Lập ngỡ ngàng, xuýt xoa thán phục…

Bài, ảnh: Duy Ngợi

Mới nhất

x
Đức hy sinh của người vợ "nhà thơ đứng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO