Có một thông tin rất đáng quan tâm, là khoảng giữa tháng 10 này, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ khảo sát việc thực hiện các khoản thu ở các trường học phổ thông, trong đó, có cả tại các trường thí điểm mô hình tiên tiến.
Chỉ nói đến việc thí điểm trường tiên tiến, trước thềm năm học mới 2023 – 2024, Báo Nghệ An đã đăng tải một số bài viết. Riêng địa bàn thành phố Vinh, ngày 9/9/2023, thì có bài viết “Trường tiên tiến đã… tiên tiến”. Tại đây phản ánh một số bất cập ở những trường THCS, Tiểu học trên địa bàn thành phố thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến, và những nỗi niềm của một bộ phận phụ huynh học sinh.
Thực sự thì không phải đến năm học này câu chuyện “trường tiên tiến” mới được xã hội quan tâm. Mà từ năm học 2022 – 2023, đã có một số bậc phụ huynh ở thành phố Vinh bày tỏ nỗi lo khi phải cân nhắc “nên hay không nên” cho con học tại trường tiên tiến. Họ cũng mong con mình được học trong ngôi trường tiên tiến, được giáo dục toàn diện. Nhưng họ – kinh tế gia đình eo hẹp – để cho con cái theo học thì rất khó khăn. Có gia đình vì vậy đã phải chấp nhận chuyển con đến trường khác, dù ấm ức trong lòng.
Khoảng giữa tháng 6 năm nay, tôi lại được nghe vài người bạn là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, bày tỏ về nỗi lo tương tự. Họ tâm sự rằng, sau 3 tháng nghỉ hè, con của họ sẽ phải chuyển trường, không còn được học trong ngôi trường đứng chân trên địa bàn. Vì ngôi trường ấy thực hiện thí điểm mô hình tiên tiến đồng loạt đối với cấp học mà con họ sẽ học. Mà để học, chỉ riêng về kinh phí học tập phải đóng (chưa kể tiền ăn bán trú), sẽ gấp rất nhiều lần mức đóng của trường đại trà.
Một người bạn là công chức của một sở đã than thở, sau kỳ nghỉ hè, cả hai cháu của anh đều phải học lớp tiên tiến. Mà với nguồn thu nhập của cả hai vợ chồng, chỉ trông vào lương và chút ít phụ cấp, sẽ không đảm bảo chi tiêu. Anh đã nói: “Tôi thực sự đau đầu. Không cho các cháu theo học lớp tiên tiến, thì trường “cho” chuyển trường theo ý nguyện, vì trường áp dụng thí điểm với toàn cấp học. Mà nếu chấp nhận chuyển trường, các cháu sẽ phải làm quen với môi trường mới, dễ phát sinh mặc cảm. Hơn nữa, học khác phường rất bất tiện trong việc đi lại đưa đón. Nhưng cho hai con học trường tiên tiến thì mất hẳn tiền lương của tôi hoặc vợ. Nếu chỉ một vài tháng thì còn được chứ lâu dài thì làm sao kham nổi. Nghĩ cũng lạ, tại sao thí điểm mô hình mới lại làm diện rộng, không cho phụ huynh sự lựa chọn nào thế này…”.
Nghe những người bạn này tâm sự, vào dịp cuối tháng 6/2023, khi tham gia cuộc họp nắm bắt dư luận xã hội do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tôi đã nhắc đến, bày tỏ mối băn khoăn. Sau đó, được Ủy ban MTTQ tỉnh đưa vào Thông báo số 95/TB-MTT-BTT ngày 3/7/2023 về “Hoạt động 6 tháng đầu năm của MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền; ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh; đề xuất, kiến nghị với HĐND tỉnh, UBND tỉnh những vấn đề cần thiết”, để chuyển đến kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII.
Cũng từ dạo đó, thì đã tìm hiểu về sự cần thiết thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến. Phải nhìn nhận, đề án thí điểm mô hình trường tiên tiến có nhiều điểm ưu. Bởi mục tiêu nhằm tìm ra một phương án giáo dục tốt để thế hệ tương lai được đào tạo toàn diện, đủ kiến thức, đủ khả năng giao tiếp hội nhập quốc tế. Các cháu trong các ngôi trường thực hiện thí điểm tiên tiến ngoài được học các môn văn hóa, sẽ được học thêm nhiều môn học tăng cường như tiếng Anh, Tin học, Stem, kỹ năng sống cùng các môn nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật và thể thao.
Nhưng, đó là cảm nhận khi tiếp cận đề án. Còn thực tế, hiểu rằng để đạt được kết quả như mục tiêu hướng tới, đòi hỏi rất nhiều thứ phải đạt chuẩn, không chỉ phương pháp giảng dạy, không chỉ giáo trình giáo án, mà gồm cả hạ tầng cơ sở trường, lớp; chất lượng, số lượng đội ngũ giáo viên… Tôi đã đi vòng ngoài một ngôi trường thực hiện thí điểm mô hình tiên tiến ở thành phố Vinh, thấy tường rào nhà trường dăng kín pa nô quảng cáo cho rất nhiều trung tâm đào tạo tiếng Anh, Tin học, thể thao… Các pa nô quảng cáo ấy, đều có gắn với biểu tượng của trường. Hẳn nhiên có thể hiểu, để triển khai mô hình tiên tiến, ngôi trường sẽ kết hợp với các trung tâm dạy học sinh các môn học tăng cường như tiếng Anh, Tin học, Stem, Kỹ năng sống, thể thao…
Thấy thế thì vui ít, buồn nhiều. Vì hiểu tự thân nhà trường chưa đủ khả năng độc lập thực hiện chương trình giáo dục toàn diện. Và hiểu, cách thực hiện thí điểm mô hình tiên tiến trên diện rộng, đúng những gì đã được nghe bạn bè trao đổi, là đã đặt phụ huynh vào tình thế khó xử.
Ngẫm nghĩ, sở dĩ cần quy hoạch hệ thống trường lớp, nôm na cũng nhằm hướng đến tạo thuận lợi cho học sinh và các bậc phụ huynh, tạo thuận lợi trong công tác giáo dục. Nói riêng về địa bàn thành phố Vinh, định vị ở mỗi đơn vị cấp phường đều có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, đều đặt ở vị trí phù hợp cũng nhằm để tạo thuận lợi cho học sinh. Lại xét về hoàn cảnh kinh tế của các hộ gia đình ở mỗi đơn vị cấp phường thuộc thành phố Vinh, chắc chắn sẽ không có chuyện ngang bằng, mà có sự chênh lệch ở nhiều cấp độ. Thực tế cũng cho thấy thu nhập hàng tháng của nhiều gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước cũng còn rất thấp so với nhu cầu tối thiểu. Họ đã lâm vào cảnh khó thì những gia đình công nhân, lao động tự do chắc chắn cũng sẽ rất khó khăn.
Với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thực sự sẽ khó khăn gấp bội khi cho con theo học trường tiên tiến. Còn nếu chấp nhận chuyển con đến học tại một ngôi trường mới, sẽ có nguy cơ gieo vào tâm trí trẻ thơ sự mặc cảm. Như thế, là trái ngược phương pháp giáo dục.
Vì thế, nên cân nhắc hạn chế việc thí điểm trường tiên tiến theo diện rộng, để tránh sự áp đặt, dẫn đến thiếu tính nhân văn. Và vì thế, hy vọng HĐND tỉnh trong quá trình khảo sát việc thực hiện các khoản thu ở các trường học phổ thông, sẽ quan tâm đến vấn đề này!