Đừng để chốn thiêng thành nơi chia rẽ
(Baonghean) -Trong các danh nhân lịch sử người Nghệ, Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là một nhân vật khá đặc biệt. Ông vừa là nhà nho vừa là giáo sỹ, là nhà yêu nước, nhà canh tân nổi tiếng của thế kỷ 19. Với tấm lòng yêu nước nhiệt thành, với kiến thức uyên thâm, hiểu biết thực tiễn và tầm nhìn sâu rộng, ông đã viết 48 bản điều trần gửi vua Tự Đức kiến nghị những quốc sách lớn để đổi mới đất nước. Nhưng do tư tưởng bảo thủ và tầm nhìn thiển cận của triều đình nhà Nguyễn nên những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ không được chấp nhận, ông trở thành người “sinh bất phùng thời”.
Ngày nay, đọc lại những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước những tư duy đổi mới của ông. Tất cả các lĩnh vực về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục…đều được ông đề cập trong các bản điều trần với tầm nhìn đi trước thời gian. Trong hoạt động thực tiễn, ông đã để lại cho quê hương những dấu ấn đóng góp đáng trân trọng. Ông đã chuyển bà con giáo dân ở xóm Xuân Mỹ quê ông ra Xã Đoài, nơi đất đai màu mỡ, hướng dẫn bà con trồng giống cam Xã Đoài nổi tiếng được các giáo sỹ đem từ Châu Âu đến Việt Nam. Ông đã chỉ đạo đào kênh Sắt dài 20 km khai thông con đường thủy từ sông Cấm ra Vinh và nối Vinh với Thị xã Cửa Lò. Chính Nguyễn Trường Tộ đã thiết kế và chỉ đạo thi công nhà thờ Xã Đoài, một công trình thờ tự tôn giáo được xây dựng vào hàng sớm nhất ở xứ Nghệ với mong muốn nhà thờ trở thành nơi các thế hệ con chiên đến bày tỏ tấm lòng kính Chúa yêu Nước.
Theo với thời gian, cam Xã Đoài với vị ngọt hiếm có đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Kênh Sắt là một công trình giao thông thủy lợi ghi dấu ấn một thời kinh tế địa phương phát triển. Nhà thờ Xã Đoài, một công trình kiến trúc độc đáo, là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhiều thế hệ giáo dân, nơi bao con chiên ngoan đạo đã đến bày tỏ tấm lòng kính Chúa yêu Nước. Hàng năm cứ đến ngày lễ Nô-en (25/12), nhà thờ Xã Đoài không chỉ là nơi giáo dân đến dự lễ Chúa giáng sinh mà còn là nơi đồng bào lương giáo cùng hội ngộ giao lưu trong ngày hội lớn. Thật cảm động khi nơi thờ Chúa trở thành mái ấm đoàn kết đồng bào lương giáo. Tiếng chuông gióng lên trong giờ cầu kinh, ngày lễ, họ đã làm nên thứ âm thanh bình yên ấm áp nhất trong lòng mỗi người con quê hương.
Vậy nhưng, thật khó có thể ngờ, một ngày kia, cái công trình với bao nhiêu tâm huyết của nhà trí thức công giáo yêu nước, cái tiếng chuông gióng nỗi bình yên kia lại trở thành nơi, trở thành hiệu lệnh xúi giục các con chiên tập hợp để làm những điều sai trái. Có thể, Nguyễn Trường Tộ không ngờ được rằng, từ Tòa Giám mục Xã Đoài, một số chức sắc tôn giáo đã làm và lôi kéo con chiên của mình vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giáo lý của Giáo hội, ngược lại những lời răn dạy tốt đẹp của Chúa. Hình ảnh người công giáo yêu nước mà Nguyễn Trường Tộ là tấm gương tiêu biểu đã bị một số chức sắc tôn giáo ở Tòa Giám mục Xã Đoài làm lu mờ. Rồi đây, Nhà thờ Xã Đoài có còn là nơi hội ngộ đồng bào lương giáo? Xét về mặt tôn giáo thì Nhà thờ Xã Đoài là của giáo dân, nhưng về giá trị văn hóa thì đây là một công trình của nhân dân xứ Nghệ. Không thể vì bất cứ lý do gì để biến công trình này thành nơi chia rẽ đồng bào lương giáo. Hãy để Nhà thờ Xã Đoài xứng đáng là dấu ấn đẹp đẽ của một người công giáo yêu nước trên quê hương!
Trần Hồng