Đừng để cơ thể bạn "đói" sắt
Việc cơ thể bị thiếu sắt không chỉ dẫn đến tình trạng bị thiếu máu mà nó còn dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm về sức khỏe con người. Việc bổ sung sắt cho cơ thể thông qua thực phẩm sẽ đảm bảo sức khỏe và cân bằng dinh dưỡng.
Hậu quả của việc "đói" sắt
Theo BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp (GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM): Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Thiếu sắt là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ và cả người già, trong đó phải kể đến các chứng bệnh liên quan đến sự suy giảm hệ hô hấp và hệ tim mạch.
Thiếu sắt sẽ dẫn đến hiện tượng tim đập nhanh gây căng thẳng, mệt mỏi. Những dấu hiệu dễ nhận biết của chứng thiếu máu, đó là hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể… và hệ quả của nó có thể là bệnh tim mạch và suy hô hấp.
Thiếu sắt dẫn đến rụng tóc, bong móng. Hầu hết bệnh nhân bị thiếu máu là do thiếu sắt, khiến cho da bệnh nhân bị nhăn nheo, tóc bị rụng và mỏng, móng tay dễ bị bong. Cũng theo giải thích của BS Diệp, sắt là một chất khoáng chiếm số lượng lớn trong máu.
Chức năng quan trọng nhất của sắt là duy trì quá trình tạo ra các hemoglobin (yếu tố tiếp nhận ôxy trong máu) và myoglobin (một dạng của hemoglobin tồn tại trong các cơ). Khi máu thiếu sắt, phần chân tóc sẽ bị ảnh hưởng. Tóc thiếu dưỡng chất sẽ yếu và bị tổn thương dẫn đến tất rễ gây rụng.
Thiếu sắt trong thời gian dài còn là nguyên nhân làm suy giảm khả năng tư duy, giảm trí thông minh ở con người. Phụ nữ mang thai bị thiếu máu hoặc trẻ em được cung cấp dinh dưỡng không đảm bảo là những đối tượng dễ bị tác động nhất. Ngoài ra, ở phụ nữ trong thời kỳ xuất hiện kinh nguyệt, hiện tượng thiếu sắt cũng xảy ra khá phổ biến.
Ăn 'sắt' như thế nào ?
BS Diệp cho biết, việc cung cấp sắt cho cơ thể hàng ngày là một việc cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bạn. Vì vậy, trước khi bổ sung sắt cho cơ thể, chúng ta cũng nên lưu ý những điểm sau:
- Trung bình một người trưởng thành cần từ 10-15mg sắt mỗi ngày, tương đương với khoảng 100g gan lợn, 400g thịt bò; 550g cua bể, 400g rau dền đỏ, 500g đậu xanh…
- Các loại thực phẩm như thịt màu đỏ, cá, cá động vật thân mềm (trai, hến, sò…), trong nội tạng động vật như tim, gan, lưỡi… và các loại quả có màu đỏ, rau xanh có màu đậm, đỗ, đậu, trứng, sữa đều là những loại thực phẩm chứa nhiều sắt.
- Việc cung cấp sắt thông qua các loại thực phẩm sẽ tốt hơn so với việc cung cấp sắt bằng thuốc. Khi sử dụng viên sắt cần tuân theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
- Các loại thực phẩm như trà, đồ uống có ga… trong bữa ăn sẽ làm hạn chế sự hấp thu sắt từ thực phẩm.
Các triệu chứng bên ngoài báo hiệu bạn bị thiếu máu sắt
- Thiếu máu xảy ra từ từ. Xanh xao kéo dài, không kèm triệu chứng nào khác trong một thời gian dài lúc ban đầu, xanh xao thấy rõ ở lòng bàn tay, gan bàn chân, vành tai.
- Thường xuyên mệt mỏi, làm việc mệt mỏi nhiều, da nhợt nhạt, khó thở, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, lạnh tay và chân…
- Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim).
- Không bình thường thèm ăn các chất không dinh dưỡng, chẳng hạn như bụi bẩn, nước đá hoặc tinh bột nguyên chất.
- Khi thiếu máu kéo dài, sẽ xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng nhẹ tái phát, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn và giảm cân, sốt nhẹ, lách sờ đụng.
- Bệnh nhi dễ mắc những bệnh nhiễm trùng, có thể có chậm phát triển tâm thần vận động đi kèm.
Theo.suc khoe va doi song