Đừng để thành chuyện đã muộn
(Baonghean) - Năm 1992, thực hiện chủ trương giải tỏa hành lang giao thông, bảo đảm tầm nhìn, tránh tai nạn, huyện Yên Thành tiến hành thành lập ban giải tỏa do đồng chí Phó Chủ tịch làm trưởng ban. Để công việc tiến hành thuận lợi, huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền đến mỗi người dân. Đặc biệt, những hộ trong diện phải giải tỏa biết rõ chủ trương, thời gian, cách thức và chính sách bồi thường (nếu được bồi thường) và những nguyện vọng chính đáng của người dân trước khi giải tỏa.
Điểm chỉ đạo mở màn “chiến dịch” là xã Mỹ Thành, trên trục Quốc lộ 7, giáp với huyện Đô Lương. Ngày ra quân đầu tiên, rất mừng và thuận lợi là mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Nhân đã xin tự tháo dỡ ngôi nhà của mình xây dựng trên hành lang an toàn. Sự ủng hộ, đi đầu của mẹ được nhân dân đồng tình hưởng ứng, hệ thống phát thanh, truyền hình của huyện đưa tin liên tục đã tạo được sự lan tỏa và việc giải tỏa rất thuận lợi.
Năm đó, toàn huyện tháo dỡ 1016 nhà và ki-ốt trên toàn bộ các tuyến đường trong sự ủng hộ và đồng thuận của người dân. Chỉ còn lại duy nhất ngôi nhà bằng của vợ chồng ông Châu Quỳnh nằm sát mố phía Tây cầu Dinh là chưa thống nhất giải tỏa được.
Về ngôi nhà của ông Châu Quỳnh có nguồn gốc như sau: Năm 1982, Huyện ủy, UBND huyện Yên Thành có chủ trương phát triển dịch vụ công nghiệp và thủ công nghiệp, gia đình ông Châu Quỳnh là một giáo dân ở huyện Thanh Chương, có nghề may mặc khá tốt, đã nộp đơn xin về mở cơ sở may ở khu vực trung tâm huyện. Huyện chấp thuận và cho thuê mượn đất làm cơ sở may mặc.
Lúc đầu chỉ làm nhà cấp 4, nhưng sau đó xây dựng nhà bằng kiên cố, chính quyền thị trấn đình chỉ, lập biên bản, gia đình cam kết sau này nếu khu vực vùng cầu Dinh giải tỏa, mở rộng thì tự tháo dỡ. Nhưng khi tiến hành giải tỏa, gia đình lại biện bạch, từ chối với lý do đất đó ông đã mua và nạp tiền cho thị trấn.
Dù vậy, Ban Giải tỏa an toàn giao thông đã đề xuất với UBND huyện giải quyết đất ở nơi thuận tiện nhất để gia đình ông tiếp tục kinh doanh. Vị trí đất mới hướng về phía nam ở khu vực ngã tư thị trấn, có chiều dài bám mặt đường là 7 mét (trong lúc các hộ khác là 6 mét). Tuy nhiên, gia đình ông Châu Quỳnh vẫn không chấp thuận.
Trước tình hình đó, Ban An toàn giao thông đã giao cho Thanh tra, phòng Tài chính huyện rà soát lại hồ sơ, chứng từ về việc thu tiền bán đất của thị trấn với gia đình ông Châu Quỳnh, sau đó mới tiến hành xử lý.
Gần một năm sau, toàn bộ hồ sơ, chứng từ thu tiền với nội dung "trả tiền thuê san ủi đất làm quán" có chữ ký của ông Châu Quỳnh về vị trí đất ông thuê, mượn của UBND thị trấn được tập hợp đầy đủ (thời điểm đó, UBND thị trấn thuê máy san ủi mặt bằng, nên ai mượn đất làm quán thì phải trả tiền san ủi).
Khi đã có đầy đủ cơ sở pháp lý, Ban Giải tỏa yêu cầu gia đình tự tháo dỡ, nhưng ba lần, bảy lượt gia đình khất hứa mà không chịu chấp hành, lại còn viết đơn vu khống, kêu oan đến các cấp.
Không thể nhân nhượng, UBND huyện Yên Thành ra quyết định cưỡng chế. Trước khi tiến hành cưỡng chế, lực lượng nắm bắt tình hình và chốt chặn, phòng ngừa có hành vi manh động, chống đối được triển khai. Lực lượng tháo dỡ tiến hành cưỡng chế theo trình tự: Đến gia đình công bố quyết định cưỡng chế, nhưng gia chủ khóa kín cửa, cán bộ xóm có trách nhiệm gọi gia chủ về, ký vào biên bản trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân.
Trước cách xử lý, giải quyết thấu tình, đạt lý, tuân thủ đúng theo quy định pháp luật của chính quyền, người dân đều rất thấu suốt: "Sống trong bầu trời Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, không thể có cách nào khác...".
Không rõ lý do, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, toàn bộ gia đình ông đã dời đi nơi khác.
Giá như gia đình ông Châu Quỳnh chấp hành tốt việc giải tỏa an toàn giao thông như mọi người dân địa phương, thì không những ông có cơ cở sản xuất ổn định, được mọi người quý nể, huyện có thêm một công dân tốt, lại có tay nghề giỏi. Nhưng mọi sự đều đã muộn.
Nguyễn Trọng Hà