Đụng độ Trung - Nhật đe dọa kinh tế toàn cầu

Giới chuyên gia quốc tế nhận định một cuộc chiến thương mại Trung - Nhật nếu nổ ra không chỉ đe dọa thương mại giữa hai nước này mà cả nền kinh tế toàn cầu, do Đông Á đang được xem là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu.

Một người biểu tình Trung Quốc quá khích đập phá một siêu thị Nhật ở Thanh Đảo - Ảnh: Reuters
Một người biểu tình Trung Quốc quá khích đập phá một siêu thị Nhật ở Thanh Đảo - Ảnh: Reuters

Trong những ngày qua, những cuộc tấn công, đập phá, hôi của... của người biểu tình Trung Quốc đã buộc hàng trăm doanh nghiệp Nhật từ Nissan, Honda, Toyota cho đến Sony, Uniqlo, Aeon và các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Trung Quốc phải đóng cửa.

Theo Bloomberg, hậu quả đầu tiên là cổ phiếu của các tập đoàn Nhật đã giảm 2,5-7%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng sụt xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua.

Cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng đến các đồng tiền của hàng loạt nước châu Á khác. Đồng won của Hàn Quốc giảm xuống từ mức cao nhất trong sáu tháng qua trong khi đồng ringgit của Malaysia cũng hạ xuống mức thấp nhất trong ba tuần qua. Giá đồng giảm liên tiếp trong hai ngày qua (Trung Quốc là nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới) khiến giá đồng peso của Chile (nước xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới) sụt mạnh. Thị trường nguyên liệu chao đảo cũng kéo giá cổ phiếu của Úc sụt giảm do Úc là quốc gia cung cấp nguyên liệu lớn cho Trung Quốc.

Tác động như thảm họa sóng thần

Giới chuyên gia kinh tế khẳng định một cuộc chiến tranh thương mại nếu nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật sẽ ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế khác. Đài Loan là nền kinh tế đầu tiên lên tiếng cảnh báo nguy cơ này. Theo báo Taipei Times, căng thẳng Trung - Nhật có nguy cơ đe dọa dây chuyền cung ứng và sản xuất của Đài Loan - Nhật - Trung Quốc. Chẳng hạn, các công ty Nhật xuất khẩu thiết bị ôtô sang Đài Loan. Tại đây, các công nhân Đài Loan lắp ráp trước khi xuất sang các nhà máy lắp ráp ôtô ở Trung Quốc đại lục.

“Một cuộc chiến thương mại Trung - Nhật sẽ phá vỡ dây chuyền cung ứng này” - phó giám đốc Cục Ngoại thương Đài Loan Chen Ming Shy cảnh báo.

Úc cũng lên tiếng báo động. Báo Sydney Morning Herald la hoảng: “Tranh chấp ở biển Đông Á sẽ làm tổn thương nền kinh tế Úc”. Báo này dẫn lời chuyên gia kinh tế Mark Thirlwell thuộc Viện Lowy cho rằng dây chuyền cung ứng bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa Úc của các nước.

“Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu đang chật vật. Đó sẽ lại là một cú sốc mới” - ông Thirlwell nhấn mạnh. Theo ông, một trong những thành công của mô hình tăng trưởng Đông Á là sự tồn tại của “Nhà máy châu Á” với các dây chuyền cung ứng trải dọc các nền kinh tế khu vực, mỗi nơi tập trung vào một khâu sản xuất. Sự ổn định chính trị khu vực cho phép các công ty dễ dàng luân chuyển thiết bị và lao động qua biên giới các nước. Việc các công ty Nhật buộc phải đóng cửa ở Trung Quốc là một nguy cơ lớn đối với mô hình “Nhà máy châu Á”.

Chuyên gia kinh tế Thirlwell so sánh chiến tranh thương mại Trung - Nhật nếu nổ ra sẽ tác động tương tự tác động của thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân ở Nhật vào năm 2011. Thảm họa kinh tế này sẽ ngăn chặn các công ty Nhật sản xuất thiết bị xe hơi, thiết bị máy vi tính, hàng điện tử như iPhone, iPad... ở Nhật. Dây chuyền sản xuất ở các nước khác cũng theo đó bị tắc nghẽn. “Trong thế giới ngày nay, rất khó để tách bạch nguy cơ chính trị khỏi nguy cơ kinh tế” - ông Thirlwell khẳng định.

Tất cả đều thua

Theo báo Wall Street Journal, các công ty Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Đức, Thái Lan... đều có mối liên kết sâu sắc và không thể tách rời với quan hệ kinh tế Trung - Nhật. Do đó, khi chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, các quốc gia này sẽ bị tác động lớn.

“Đây sẽ là một cú đòn nặng nề giáng vào nền kinh tế thế giới” - nhà kinh tế Andy Xie, cựu chuyên gia của Ngân hàng Morgan Stanley, nhận định. Tương tự, nhà phân tích Liu Li Gang thuộc Ngân hàng ANZ cũng cho rằng đó “không chỉ là một thảm họa đối với nền kinh tế châu Á mà cả nền kinh tế toàn cầu” do quy mô nền kinh tế Trung Quốc và Nhật hiện chiếm tới 67,5% GDP toàn châu Á.

Giới phân tích quốc tế khẳng định nếu chiến tranh thương mại bùng nổ, nền kinh tế cả hai nước sẽ lao đao chứ không riêng gì Nhật Bản như Trung Quốc Nhật Báo nhận định trước đó. Năm 2011, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc là 6,3 tỉ USD và tổng đầu tư từ năm 1996 đến nay đã lên tới 69 tỉ USD. Trung Quốc cũng là địa điểm du lịch quốc tế lớn nhất của Nhật. Năm 2011, hơn 3,65 triệu người Nhật đã đến Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ chấn động nghiêm trọng nếu mất hai nguồn lực này.

Chuyên gia kinh tế châu Á Sarah McDowell thuộc Hãng HIS Global Insight nhận định Trung Quốc sẽ chỉ dọa suông và hai nước vẫn sẽ duy trì quan hệ thương mại do hậu quả của xung đột sẽ rất lớn. Tuy nhiên, các công ty Nhật vẫn có thể xem xét đầu tư vào các nước khác ở châu Á, một phần do lo ngại về vấn đề an toàn ở Trung Quốc, một phần do giá lao động tại nước này cũng đang tăng cao.

Theo Tuổi trẻ - ĐT

tin mới

Ukraine có thể mất toàn bộ các 'thành trì' quan trọng trước khi nhận được 61 tỷ USD

Ukraine có thể mất toàn bộ các 'thành trì' quan trọng trước khi nhận được 61 tỷ USD

(Baonghean.vn) - Dù được Mỹ trang bị gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD, Ukraine vẫn thiếu nhiều điều kiện tiên quyết để giành ưu thế, bao gồm cả đào tạo nhân lực và động lực chiến đấu. Nếu không huy động thêm binh lính, tích cực giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ, Kiev có nguy cơ lãng phí viện trợ này.

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

Bản tin Quốc tế: Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga

(Baonghean.vn)- Bản tin hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau: Giới chức Mỹ nghi ngờ khả năng chiến thắng của Ukraine sau khi nhận viện trợ; Cơ sở lọc dầu của Nga cháy do UAV Ukraine; Moskva cảnh báo NATO về hậu quả tập trận sát biên giới Nga; Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Niger dù đã rút quân

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.