Đứng lên trên đôi chân tật nguyền

10/06/2013 18:48

Ở bản Trung Thắng, xã Yên Thắng (Tương Dương) có một ki-ốt sửa chữa điện tử - điện dân dụng khá đông khách. Chủ nhân là Lô Văn Dũng - một chàng trai 23 tuổi bị bại liệt. Để có được cơ ngơi ấy, hơn 20 năm qua Dũng đã phải vật lộn với hoàn cảnh vươn lên làm chủ cuộc đời.

(Baonghean) - Ở bản Trung Thắng, xã Yên Thắng (Tương Dương) có một ki-ốt sửa chữa điện tử - điện dân dụng khá đông khách. Chủ nhân là Lô Văn Dũng - một chàng trai 23 tuổi bị bại liệt. Để có được cơ ngơi ấy, hơn 20 năm qua Dũng đã phải vật lộn với hoàn cảnh vươn lên làm chủ cuộc đời.

Ki-ốt nhỏ ấy, chứa đến hàng chục chiếc ti vi, quạt điện và nồi cơm điện bị hỏng đang chờ được sửa chữa. Với vẻ mặt tươi rói, Lô Văn Dũng nói: “Ốt hẹp, đồ đạc nhiều, con còn nhỏ, nên bề bộn lắm”.



Hàng ngày, Dũng miệt mài với từng mạch điện để mưu sinh.

Vừa tỉ mẩn sửa chiếc điện thoại di động của khách, Dũng vừa tranh thủ kể chuyện: “Nhà em ở bản Pủng, cách đây hơn 10 km. Em sinh năm 1990, đôi chân em đã bị bại liệt từ khi còn rất nhỏ”. Năm đó, Dũng mới hơn 1 tuổi, sau một trận sốt, đôi chân cậu bị teo dần, không cử động được và cuối cùng bị dính quặt, không thể duỗi thẳng ra. Lên 6 tuổi, nhìn thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách tới trường, mình lại chỉ bò lê được trong nhà, Dũng tủi thân phát khóc. Thương con, bố mẹ Dũng cố gắng cho cậu đến lớp.

Từ đó, hàng ngày Dũng được đến lớp trên đôi tay của các anh chị trong gia đình. Ở cấp Tiểu học, ngành Giáo dục bố trí điểm trường lẻ về tận bản nên việc đi lại của con em bản Pủng đỡ vất vả hơn nhiều. Đó thực sự là một điều may mắn đối với Lô Văn Dũng. Nhưng đến cấp THCS, học sinh ở tất cả các bản phải tập trung về trường ở bản Trung Thắng (trung tâm xã) để học. Lúc này, từ nhà tới trường nếu đi đường chính phải mất hơn 10 km, Quốc lộ 48C chưa được rải nhựa nên rất đỗi gập ghềnh. Còn nếu đi đường tắt cũng mất tới 7-8 km, phải vượt dốc Pù Cà cao ngất.

Thấy hành trình “đi tìm cái chữ” của con mình quá gian nan, ông Thắng (bố Dũng) đến dựng một chiếc lều nhỏ gần trường để Dũng ở tạm, đỡ phải mất công đi đi, về về. Đối với một đứa trẻ bình thường ở lứa tuổi 12-13, việc xa gia đình, sống cuộc sống tự lập là một vấn đề hết sức khó khăn chứ chưa nói đến tật nguyền như Dũng. Từ việc nấu ăn, giặt giũ, học bài đến vệ sinh cá nhân đều do một mình cậu lo liệu. Ý thức được những khó khăn, thiệt thòi mà bản thân mình đang gánh chịu, nên cậu bé tật nguyền ấy luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Thành tích học tập của Dũng không hề thua kém các bạn cùng lớp, 9 năm cắp sách đến trường cậu đều được nhận danh hiệu Học sinh tiên tiến.

Dũng học đều tất cả các môn, trong đó cậu đam mê nhất là môn Toán và Vật lý. Đặc biệt, những giờ học Vật lý, Dũng say sưa với từng lời giảng của thầy, miệt mài theo dõi từng sơ đồ mạch điện. Cũng từ đó cậu xác định hướng đi cho cuộc đời mình sẽ theo đuổi nghề sửa chữa điện tử - điện dân dụng, vì nó thích hợp với hoàn cảnh tật nguyền của bản thân.

Học xong THCS, do đường sá xa xôi (cách thị trấn khoảng 50 km), hoàn cảnh gia đình khó khăn, Dũng đành gác lại ước mơ theo học THPT. Rồi may mắn đã đến, cậu được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình. Sau ca chỉnh hình, đôi chân quặt quẹo của Dũng được duỗi thẳng và nẹp 2 thanh kim loại. Với sự hỗ trợ của chiếc nạng gỗ, cậu có thể đứng lên, giã từ những năm tháng di chuyển bằng cả 2 tay và 2 chân.

Được đứng lên, Dũng càng thêm tự tin, cậu xin bố mẹ xuống Thành phố Vinh học nghề để sau này tự kiếm sống. Hai bố con khăn gói xuống Vinh tìm nơi học. Chi phí cho việc học nghề ở đây rất tốn kém, lại phải ngược lên huyện Đô Lương xin vào học tại Trung tâm Hướng nghiệp - dạy nghề. Kết thúc khóa học 6 tháng, Dũng về quê xin phụ giúp ở một cơ sở sửa chữa điện tử để học hỏi thêm. Khi đã hoàn toàn tự tin, cậu quyết định vay vốn mua sắm đồ nghề, thuê ki-ốt để mở cơ sở sửa chữa riêng của mình. Đến nay, sau 2 năm hành nghề, Dũng đã khẳng định được “thương hiệu” của mình. Người dân trong vùng mỗi khi ti vi, quạt điện, nồi cơm hay điện thoại di động hỏng đều tìm đến ki-ốt của cậu. Thu nhập của Dũng ngày một khá, cậu sắm được cho mình chiếc xe gắn máy 3 bánh để đi lại được thuận tiện hơn. Dũng còn gom góp tiền mua một ít gỗ để sau này dựng nhà cho riêng mình.

Chuyện tình yêu của con người tật nguyền này cũng khiến không ít người phải nể phục. Qua giao lưu bạn bè, Dũng gặp Lô Thị Thủy, người con gái bản Coọc - xã Yên Hòa. Bắt đầu từ những dòng tin nhắn và những cuộc điện thoại, rồi Dũng quyết định tìm đến nhà. Nhà của Thủy ở lưng chừng một dãy núi khác, muốn lên được phải leo một con dốc cao. Dũng gắng lần từng bước để lên gặp mặt người yêu. Một thử thách khác lớn hơn nhiều chính là sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình cô gái. Nhưng với sự can đảm và sức mạnh của tình yêu, đôi trẻ đã thuyết phục được bố mẹ và người thân của Thủy.

Đầu năm 2012, một đám cưới đã làm xôn xao các bản làng của hai xã Yên Hòa và Yên Thắng. Cô dâu vừa tròn tuổi 18, khỏe mạnh, xinh tươi sánh bước cùng một chàng trai tật nguyền, phải nhờ chiếc nạng gỗ làm điểm tựa. Ai nấy đều cầu chúc cho đôi trẻ luôn luôn hạnh phúc trong cuộc đời. Giờ đây, con gái đầu lòng của vợ chồng Dũng vừa tròn 9 tháng và được đặt tên là Lô Thị Thảo Đan. Điều đáng nói hơn là bố mẹ Thủy bây giờ thương yêu và quan tâm đến con rể hết mực. Hàng ngày, Dũng vẫn miệt mài với từng mạch điện để mưu sinh, con còn nhỏ nên Thủy chỉ phụ giúp chồng được một ít công việc. Ki-ốt nhỏ nép mình bên Quốc lộ 48C ấy luôn ăm ắp niềm vui và rộn rã tiếng cười…

Lúc chia tay, Lô Văn Dũng chia sẻ: “Sắp tới, em dự định sẽ cố gắng dựng cái nhà để vợ con sống đỡ vất vả, chứ ốt nhỏ, đồ đạc bề bộn, thương vợ con lắm, anh ạ!”. Với đôi bàn tay khéo léo và ý chí đứng lên trên đôi chân tật nguyền, Dũng đã và sẽ đạt được những dự định của đời mình!


Công Kiên

Mới nhất

x
Đứng lên trên đôi chân tật nguyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO