Đừng vì lợi trước mắt
Mấy năm gần đây, tình trạng sụt lở đất hai bên bờ sông đã làm cho diện tích bãi Sông Lam trên địa bàn huyện Thanh Chương giảm đi rõ rệt. Một số vùng bãi bồi như: Bãi Làng, bãi Chiêm, Cồn Thôn (Cát Văn) bãi Dài (Thanh Tiên), bãi Thanh Chi... cứ đến mùa mưa lũ bà con chỉ biết đứng trên bờ nhìn những tảng đất sụt lở trôi theo dòng nước mà xót xa.
Mấy năm gần đây, tình trạng sụt lở đất hai bên bờ sông đã làm cho diện tích bãi Sông Lam trên địa bàn huyện Thanh Chương giảm đi rõ rệt. Một số vùng bãi bồi như: Bãi Làng, bãi Chiêm, Cồn Thôn (Cát Văn) bãi Dài (Thanh Tiên), bãi Thanh Chi... cứ đến mùa mưa lũ bà con chỉ biết đứng trên bờ nhìn những tảng đất sụt lở trôi theo dòng nước mà xót xa.
Để xẩy ra tình trạng trên là vì, kể từ ngày chia đất, người dân đã đào hết các loại cây có khả năng chống xói mòn như cây ri rì, lau, sậy...
Bên cạnh đó, trước đây có những hàng tre ngăn lũ rất tốt, nhưng đến nay số tre ấy đã bị con người tàn phá, đất phù sa về không có nơi trú chân.
Một số cây gỗ to, có khả năng chống sụt lở như cơi, lươu bươu... cũng bị chặt bán cho các ông chủ cốt pha.
Đáng quan tâm nhất là tình trạng khai thác cát sạn trên sông Lam của một số chủ phương tiện, đã làm thay đổi dòng chảy, tạo vực sâu. Mặc dầu công an xã, chính quyền đã vào cuộc nhưng sự việc vẫn cứ tiếp diễn.
Thiết nghĩ cấp uỷ, chính quyền, các ngành các cấp cần có giải pháp tích cực, đồng bộ, gắn với việc khai thác, chế biến, sử dụng một cách hợp lý, đồng thời phải làm cho người dân hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mình trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên đất ven sông Lam, đừng vì lợi trước mắt mà không nghĩ đến tác hại lâu dài.
Văn Lý