Đừng vội mừng!

12/10/2014 21:40

(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Lạc quan tếu” của CTV Duy Hương, đăng trang 1, số ra thứ Ba, ngày 30/9, số báo 9996 nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao thứ Ba. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết:

Tỷ lệ thất nghiệp phản ánh sức khỏe của một nền kinh tế. Đó là cơ sở tin cậy nhất và có thể là duy nhất để Quốc hội, Chính phủ, bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và bộ, ngành, các tỉnh, thành hoạch định chính sách cụ thể cho ngành mình và địa phương mình. Vậy mà mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố một chỉ số nức lòng dân là tỷ lệ thất nghiệp quý 2 ở Việt Nam hiện nay chỉ có 1,84%. Đây là một tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều lần so với châu Âu, nơi vốn được coi là có nền kinh tế khá ổn định, và thấp hơn Mỹ những 3 lần trong thời điểm hiện tại là 6,2%. Điều này đang làm nóng lên dư luận trong quần chúng nhân dân. Rất nhiều thông tin, bình luận đã nói lên vấn đề này. Sở dĩ dư luận xã hội hoài nghi, thậm chí nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu, chia sẻ: “Tỷ lệ thất nghiệp 1,84% là lạc quan tếu”, là do không thống nhất về khái niệm... thất nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), “người thất nghiệp là người có nhu cầu làm việc và đã cố gắng tìm việc nhưng trong 7 ngày không có thời gian nào tạo ra thu nhập”. Từ định nghĩa này có thể thấy, chỉ khi người lao động không có việc làm, không tìm được việc làm mới được coi là thất nghiệp. Nếu vậy thì ở ta, người thất nghiệp hơi bị hiếm. Vì lẽ: “ở ta phúc lợi xã hội chưa cao như ở một số nước phát triển. Ở các nước đó, người ta thất nghiệp nhưng được trợ cấp thất nghiệp đủ để sống. Còn ở ta, đang phấn đấu nhưng chưa đạt được mức đó. Cho nên thất nghiệp là đồng nghĩa với việc không có thu nhập, không có ăn. Cho nên ai ai cũng phải cố tìm cho bằng được việc làm để sinh tồn”. Cử nhân, thạc sỹ ra trường chưa kiếm được chỗ làm theo đúng ngành, nghề được đào tạo thì đi bán trà đá, chạy xe ôm, làm bồi bàn, bán hàng thuê cho các shop… Thế là có việc, có thu nhập nên không thể gọi là thất nghiệp được. Nên tỷ lệ thất nghiệp không cao là cũng có cơ sở. Nhưng hiềm một nỗi, tỷ lệ thất nghiệp không cao và thu nhập cũng không cao nốt. Vừa không cao lại vừa bấp bênh, không ổn định, không bền vững và rất dễ bị tổn thương. Vì thế, họ không nằm trong con số “màu hồng” kia. Vì vậy, như bài viết đã nêu, tỷ lệ thất nghiệp thấp này dù đúng với thông lệ quốc tế và dù đáng tin cậy nhưng rất không đáng mừng, bởi thu nhập, chất lượng sống của phần lớn người dân vẫn chưa có gì cải thiện đáng kể và nó phản ánh một thực tế là chưa có sự thay đổi trong cơ cấu việc làm, thu nhập. Chưa chuyển dịch được từ khu vực năng suất thấp sang cao.

Vậy nên, cũng chẳng đáng mừng hay lạc quan làm gì với con số báo cáo ấy!

NGƯỜI XÂY DỰNG

Mới nhất
x
Đừng vội mừng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO