Được “cởi trói”, Quỹ tín dụng vẫn khó huy động vốn
(Baonghean) - Ngày 3/3/2011 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN cho phép các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được ấn định lãi suất huy động vốn 14,5%/năm, và đối với các ngân hàng thương mại là 14%/năm. Thông tư 02 ra đời được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDNNCS) trước áp lực cạnh tranh huy động vốn với các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn Nghệ An, các QTDNCS cho biết vẫn khó cạnh tranh với hệ thống ngân hàng.
Tại QTD Đông Vĩnh, TP.Vinh, ông Hồ Xuân Hải (Chủ tịch HĐQT Quỹ) chia sẻ: Mặc dù ngân hàng nhà nước cho phép QTDNDCS được huy động vốn 14,5%/năm nhưng Quỹ chúng tôi vẫn gặp khó trong thu hút vốn. Quỹ Đông Vĩnh thuộc địa bàn thành phố nên rất khó cạnh tranh với hàng loạt ngân hàng. Với những món tiền lớn, tâm lý người dân thường đem đến ngân hàng gửi, và ngân hàng quy mô lớn hơn, nhiều khuyến mãi hấp dẫn khách hàng. Còn QTD quy mô nhỏ, điều kiện hạn hẹp, xét về toàn diện là kém hấp dẫn so với ngân hàng. QTD Đông Vĩnh lại nằm ngay trong khuôn viên UBND phường nên cũng có những hạn chế trong việc thu hút khách hàng đến gửi tiền. Trong tháng 3/2011 Quỹ huy động vốn được 5,1 tỷ đồng, trong khi đó khách hàng rút tiền gửi ra khỏi Quỹ 5,3 tỷ đồng. Khi được hỏi rút tiền để làm gì ? Phần lớn khách hàng đều trả lời: đem ra ngân hàng gửi lãi suất cao hơn.
Nhân dân đến Quỹ tín dụng vay vốn để sản xuất.
Ông Nguyễn Đăng Khoa (Giám đốc Quỹ tín dụng Hưng Đông -TP.Vinh) bộc bạch: QTD quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ bà con nông nghiệp, nông thôn. Thế và lực của QTD không bằng các ngân hàng thương mại nên rất khó cạnh tranh. Chúng tôi luôn nỗ lực phục vụ tận tình, giữ uy tín với dân, khi người dân gặp khó khăn, Quỹ cho họ vay vốn, khi dân có tiền lại đem đến gửi vào QTD. Có những khách hàng chỉ vay 300 ngàn đồng để mua mấy kg lân, đạm bón cho cây trồng, nếu Quỹ không cho vay thì dân phải bán lúa non. Chỉ có QTDNDCS mới phục vụ sát nhu cầu của người dân như vậy. Chúng tôi cạnh tranh với ngân hàng bằng cách phục vụ tận tình, chu đáo với nhân dân, xử lý cho vay nhanh, thủ tục nhanh gọn, chi phí thấp. Hiện tổng nguồn vốn của QTD Hưng Đông có 44 tỷ đồng, (hơn 32 tỷ đồng vốn huy động trong nhân dân) nhưng tổng dư nợ cho vay trên 40 tỷ đồng, nguồn vốn này được bà con vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi bò, cá, lợn, trồng rau, hoa, cây cảnh cung cấp cho thị trường thành phố Vinh.
Còn tại QTDND xã Diễn Thịnh (Diễn Châu), sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 11 CP của Chính Phủ và đặc biệt là Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn huy động của đơn vị đạt trên 25 tỷ đồng, tăng trên 10% so với đầu năm. Ngoài lợi thế không phải cạnh tranh với các tổ chức tín dụng trên cùng một địa bàn, tại đây hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con tương đối mạnh- chủ yếu là sản xuất, chế biến thu mua nông sản. Chính vì vậy hoạt động tiền tệ tại Diễn Thịnh sôi động hơn. Ông Cao Như Trì- giám đốc QTDND xã Diễn Thịnh nói.
Nhờ vốn vay từ quỹ tín dụng, nhiều gia đình đã phát triển sản xuất.
Ông Hồ Xuân Hải-chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng phường Đông Vĩnh cho biết thêm: trong điều kiện hiện nay, QTD không dám cho vay ra nhiều, vì phải giữ trữ tiền, cân đối khả năng chi trả. Hơn nữa, toàn bộ nguồn vốn của Quỹ hầu hết đều huy động kỳ ngắn hạn, trong khi đó nhu cầu vay vốn của người dân luôn vay trung, dài hạn. Thêm vào đó, QTD Trung ương Chi nhánh Nghệ An ban hành Công văn số 105/CV-CNNA yêu cầu QTD cơ sở "thường xuyên dự trữ lượng tiền mặt đảm bảo đủ khả năng chi trả tiền gửi tại chỗ, không trông chờ vào vốn vay của QTD Trung ương. Hạn chế cho vay mở rộng tín dụng, để dành nguồn vốn khả dụng đảm bảo dự phòng chi trả tiền gửi tại chỗ và trả nợ tiền vay tại QTD Trung ương. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, đến hạn."
Hiện nay, mặc dù lãi suất cao nhưng các ngân hàng thương mại và QTD đều khan nguồn vốn cho vay. Thực hiện chủ trương thắt chặt tín dụng tiền tệ của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực thu hút tiền về, hạn chế lượng tiền lưu thông. Thêm vào đó, lạm phát tăng cao khiến người dân tập trung đầu tư vào vàng, bất động sản nhằm đảm bảo nguồn vốn, khiến QTD càng khó huy động vốn.
Ông Đặng Công Linh- giám đốc QTD Trung ương Chi nhánh Nghệ An cho biết: "khó khăn nhất của QTD cơ sở hiện nay là rất khó huy động được nguồn vốn để cho vay đáp ứng nhu cầu của người dân, mặc dù Ngân hàng Nhà nước cho phép QTD được huy động vốn lên mức 14,5%/năm nhưng vẫn không huy động được vì không thể cạnh tranh với các ngân hàng thương mại. Lâu nay hệ thống QTDNDCS đều trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của QTD Trung ương, nhưng trong điều kiện khó khăn chung này, khả năng hỗ trợ của QTD Trung ương đối với QTD cơ sở cũng gặp khó khăn hơn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 43 QTDNDCS, 100% số quỹ đều được vay vốn hỗ trợ của QTD Trung ương với dư nợ 165 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp các Quỹ cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản".
Ngoài ra, với việc bung ra của nhiều tổ chức tín dụng trên cùng một địa bàn đã khiến cho hoạt động của các QTDND trở nên khó khăn hơn, hầu hết các QTDND cơ sở mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu vốn vay trên từng địa bàn. Thông tư số 02 của Ngân hàng Nhà nước đã mở ra một hướng mới cho quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Tuy nhiên để tồn tại và phát triển bền vững, rất cần sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quỹ tín dụng. Nhất là việc đổi mới , nâng cao năng lực phục vụ và đa dạng các loại hình dịch vụ cho khách hàng và các thành viên. Có như vậy, hệ thống QTDND cơ sở mới trở thành địa chỉ hấp dẫn của người dân địa phương.
Quỳnh Lan