Được mùa trẻ em viết sách
Cuối năm 2011, trong đời sống văn học nước nhà có một sự mừng vui khi thấy xuất hiện những tập truyện, tập thơ của các tác giả mà tuổi đời còn nằm trong khung gọi tên là “trẻ em”.
Một loạt sách của các tác giả nhỏ tuổi ra mắt độc giả trong năm 2011: tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom (NXB Trẻ) của Nguyễn Bình, 10 tuổi; tập truyện và tản văn Thư gửi người thiên cổ (NXB Hội Nhà Văn) của Nguyễn Hoàng Trâm Anh, 12 tuổi; tập truyện Nụ cười của thiên thần (NXB Hội Nhà Văn) của Ðan Thi, 12 tuổi; tập thơ Những ngôi sao lấp lánh (NXB Kim Ðồng) của Ngô Gia Thiên An, 12 tuổi.
Trước đó, có Ðặng Chân Nhân ở tuổi 14 ra tập thơ đầu tay Hình dung (2007), 16 tuổi có tập thơ thứ hai Giờ thứ 38 (2009) và năm nay 18 tuổi ra tập thơ thứ ba Giấc mơ. Cũng phải nhắc thêm dăm năm trước, có một cuốn tiểu thuyết dã sử hơn 800 trang Ðiệu nhạc trần gian ra đời mà tác giả Hà Thủy Nguyên đã viết từ năm 14 tuổi. Và cô bé Mai Clara - một học sinh trung học, con gái nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai - cũng đã hoàn thiện bản thảo truyện dài Mun ơi! Chạy đi, chuẩn bị xuất bản tại Việt Nam.
Không hẹn mà nên, có một sự tụ hội bằng sách của các trẻ em Việt Nam cho thấy trước hết sự lớn lên của con trẻ nước ta trong trình độ phát triển của thời đại. Đọc sách của các em thấy trí tưởng tượng muôn đời của con người - trí tưởng tượng là chất liệu đầu tiên và chủ yếu của sáng tạo văn chương - đã được chắp cánh và bay bổng thêm rất nhiều nhờ các công cụ kỹ thuật, nhờ lượng thông tin mà một đứa trẻ thời nay có được nhiều hơn gấp bội một đứa trẻ cùng tuổi ở các thời trước thông qua các phương tiện tin học.
Cũng từ đó cảm xúc và nghĩ suy của các em, dẫu còn nhỏ, nhưng là nhỏ ở thời nay, nên đã động vào và chạm đến những vấn đề của cả quốc gia và quốc tế, của chung nhân loại, được diễn tả bằng ngôn ngữ của các em nhưng là một thứ ngôn ngữ của thời @.
Một đứa trẻ thời nay sớm làm quen với máy tính, sớm giao tiếp với bạn bè và cộng đồng trên mạng và qua mạng, thế tất sẽ sớm hình thành kỹ năng và thói quen tư duy của mạng và bằng ngôn ngữ mạng, cùng các thông tin và cách xử lý thông tin trên mạng. Đó là lợi khí và lợi thế thời đại cho các em.
Điều đáng mừng là những trẻ em viết văn làm thơ của chúng ta đã biết tận dụng và vận dụng những điều đó để biến cảm xúc, tưởng tượng của mình thành thơ, thành truyện in sách. Đó là nhờ năng khiếu của các em, nhờ các em có phẩm chất văn chương. Văn của các em hồn nhiên trong cảm xúc và chắc chắn trong câu chữ, cách kể, dù là viết truyện giả tưởng như Nguyễn Bình hay viết truyện cổ tích mới như Đan Thi.
Các em đang nhìn thế giới và cuộc sống qua con mắt trẻ thơ bằng những cảm nhận trực tiếp như khi Ngô Gia Thiên An làm bài thơ về tự do: “Tự do không phải là đi phiêu lưu. Tự do ở tinh thần. Mình không được tự do, nên tinh thần cũng biến mất”.
Đọc sáng tác của trẻ em hôm nay hãy cứ tận hưởng cái hôm nay, bây giờ, ở đây của các em - những trẻ nhỏ của thế kỷ 21. Rồi đứa trẻ sẽ lớn lên thành người lớn về vóc dáng, đầu óc và tâm hồn. Nhưng văn chương tuổi nhỏ và tuổi lớn thì không phải là cứ chuyển động theo tuyến tính như vậy.
Từ năng khiếu đến thành tài năng là cả một quá trình, cả một con đường mà đến đích có khi không còn ai. Lỗi không phải ở họ, những người trẻ xuất hiện trong văn chương từ tuổi nhỏ nhờ một chút năng khiếu nhưng không đi trọn cuộc đời văn nghiệp, hoặc có đi nhưng không in được vết chân trên đường.
Chuyện sớm nở tối tàn là chuyện thường trong văn chương. Nói vậy để vừa mừng cho gần đây có sự xuất hiện của một số trẻ em ra sách truyện, sách thơ, vừa hãy cứ coi sự đó là bình thường, hãy đọc sách của các em trong tâm thế của một người đọc sách bình thường.
Theo Tuổi Trẻ