Tình cờ gặp nhau cuối ngày 13/12 trong một quán cà phê, chưa kịp chào thì anh cất tiếng: Dưới chân cột đèn… thường tối! Ngạc nhiên hỏi: Anh đang nói về vấn đề gì? Anh đáp: À. Thấy người ta đưa tin ông tổng biên tập của một tờ báo thuộc Bộ quản lý bị thu hồi thẻ nhà báo, mình đang đọc lại các lỗi phạm của báo này…
Anh không phải là người làm báo, nhưng đam mê viết báo, là cộng tác viên “ruột” của một số tòa soạn báo, tạp chí chuyên phân tích các vấn đề xã hội nên quan tâm đến những thông tin như vậy. Ngồi cùng nhau, anh tâm tư rằng… buồn. Vì Bộ chủ quản có nhiệm vụ quản lý nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật; còn tờ báo, được xác định rõ là cơ quan ngôn luận của Bộ, trong nhiều chức năng thì có chức năng trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Vậy mà lại có rất nhiều vi phạm, sai phạm mang tính chủ động thực hiện, để rồi bị xử phạt, và người đứng đầu thì bị kỷ luật, bị thu hồi thẻ hành nghề. Anh nói: “Xen thông tin ông tổng biên tập bị thu hồi thẻ nhà báo, mình tìm đọc kết luận thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông. Vi phạm, sai phạm nhiều lắm. Thanh tra liệt kê cụ thể, chi tiết, dài đến cả mấy trang A4. Mình thực sự ngạc nhiên vì có những hành vi vi phạm tưởng chỉ có thể xảy ra ở mấy trang tin điện tử chứ không thể có ở cơ quan báo chí, vậy mà tờ báo này lại mắc. Đang nghĩ như kết luận của thanh tra thì tờ báo này hoàn toàn chủ động thực hiện các hành vi vi phạm. Buồn quá…”.
Về thông tin vị tổng biên tập báo bị Bộ chủ quản kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, rồi bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo, trong ngày 13/12 được khá nhiều cơ quan báo chí đăng tải. Ngay sau đó, mạng xã hội Facebook như gặp dịp, dẫn tin nhan nhản, rầm rộ. Nhìn nhận sự việc này, là đương nhiên. Vì với trách nhiệm của người đứng đầu ở bất kỳ một cơ quan nào, gồm cả cơ quan báo chí, khi để trong đơn vị mình quản lý xảy ra lỗi phạm, được cơ quan chức năng chỉ rõ ra bằng văn bản thì việc bị xem xét kỷ luật, là đúng quy định pháp luật. Và việc truyền tải thông tin, dù là báo chí hay mạng xã hội, cũng phải thấy là cần thiết, xem như là một phương pháp… giáo dục.
Nhưng đọc kết luận của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, thì thấy anh có lý. Lỗi phạm của tờ báo này, phần nhiều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, về nội dung thông tin cơ quan báo chí này có đến 8 lỗi phạm, trong đó, có lỗi “đăng tải nhiều bài viết điều tra, phản ánh mặt trái tiêu cực trong đời sống xã hội dưới dạng đặt câu hỏi nghi vấn, thiếu thuyết phục”. Về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp nhận, giải quyết phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến nội dung đăng tải trên báo chí, hoạt động tác nghiệp thì “Việc giải quyết đơn thư còn nhiều bất cập, chưa đúng quy định pháp luật; một số trường hợp giải trình với cơ quan có thẩm quyền thiếu thuyết phục, không có cơ sở”; “không thực hiện cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật”. Hay như trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thành lập và quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú thì có lỗi “trong thời kỳ thanh tra, lãnh đạo báo đã cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên nhưng ghi chức danh là phóng viên; cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên không thường xuyên; cấp các giấy giới thiệu nhưng không ghi cụ thể nơi đến làm việc…”.
Và khi đối chiếu với tôn chỉ, chức năng, nhiệm vụ của tờ báo có vị tổng biên tập bị thu hồi thẻ nhà báo thì lại thấy anh không chỉ có lý, mà còn… đúng. Đúng ở cái câu anh đã thốt ra lúc gặp nhau: Dưới chân cột đèn… thường tối! Có điều, không nên vì vậy mà buồn. Mà nên nhìn nhận, việc thanh tra, xử lý kỷ luật vị tổng biên tập là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm việc trong các cơ quan báo chí.