Dưới đỉnh Kim Nhan

29/04/2015 10:28

(Baonghean) - Đã bao lần tôi đặt chân đến mảnh đất Anh Sơn, Nhưng chưa có dịp tìm hiểu kỹ những danh lam, thắng cảnh của vùng đất trù phú nằm giữa đôi bờ sông Lam này. Giữa tháng 4, tôi về dưới đỉnh Kim Nhan cao vời vợi và thực sự lạc bước ở nơi cứ ngỡ đã thuộc nằm lòng ấy.

Đỉnh Kim Nhan. Ảnh: SỸ Minh
Đỉnh Kim Nhan. Ảnh: Sỹ Minh

1. Còn nhớ, một lần anh bạn bên Thư viện tỉnh dúi cho cuốn sách ố vàng có tên: “Nghệ An ký” của tác giả Bùi Dương Lịch. Bạn bảo, nếu muốn hiểu về thế sông, dáng núi, con người của xứ Nghệ thì cứ đọc cuốn này. Ngay trong lời giới thiệu của cuốn sách ghi: “Nghệ An ký (ghi chép về trấn Nghệ An, gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay của Bùi Dương Lịch (1757 - 1828), được viết vào năm thứ 10 hoặc 20 của thế kỷ XIX.

Đây là bộ sách biên soạn công phu, có chất lượng” đã cuốn hút tôi qua từng trang chữ. Đặc biệt, khi nhắc đến núi Kim Nhan, tác giả viết: “Mạch của nó chạy từ trong dải núi lớn lại, đến đó đột nhiên nổi lên một ngọn, đầu nhọn đẹp, cao ngất trời, trông như một búp măng, mà xung quanh bao bọc bởi các núi nhỏ lại giống như một đóa hoa sen. Trên cùng có một hang đá, đến gần trông giống như miệng cá. Hang rộng, rất sâu chưa có dấu chân người. Xưa nay thường có một luồng ánh sáng hồng rọi xuống núi đó, có khi dài như dải lụa, có khi to như tán xe, xuyên từ miệng vào trong hang. Đến gần thì thấy sáng rực trời, lại có khi có tiếng như tiếng sấm”.

Tác giả Bùi Dương Lịch cũng trích đôi câu thơ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp khi viết về ngọn núi này: “Thu tận tinh anh khí, An Nam tiểu Thái Sơn (Thu hút khí tinh anh, thực là núi Thái Sơn nhỏ ở An Nam)”. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã thôi thúc tôi khám phá mảnh đất Anh Sơn – nơi có ngọn tiểu Thái Sơn vang danh.

2. Từ TP. Vinh theo Quốc lộ 46 đi về hướng Tây lên đến Thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương) thì nhập vào Quốc lộ 7 để lên huyện Anh Sơn có khoảng cách chừng 100 km. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là hiệu Yên Xuân. Đây là một ngôi nhà gỗ 2 tầng hiện nằm trên địa bàn xã Lĩnh Sơn, có kiến trúc theo phong cách đầu thế kỷ XX. Anh Trần Hữu Cường, cán bộ văn hóa xã Lĩnh Sơn cho biết: “Vào đầu thế kỷ XX, hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, một số người giác ngộ sớm, không ra nước ngoài mà ở lại quê hương, cùng nhau nhóm họp, lập Hội Tâm giao. Bắt đầu hoạt động từ năm 1922, Hội hùn vốn mở hiệu cắt thuốc Bắc kinh doanh theo lối mới, ngoài việc trao đổi cách làm ăn, còn đàm đạo thời cuộc, học làm cách mạng. Thanh niên yêu nước ở Anh Sơn lập ra Hưng hiệp hội xã từ tổ chức Tâm giao này. Hưng hiệp hội xã chính là hiệu Yên Xuân (tên ghép của hai làng Yên Lĩnh và Dương Xuân thuộc xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn ngày nay).

Năm 1926, hội đã vận động được 42 hội viên, bên ngoài là tổ chức làm ăn, nhưng bên trong là hoạt động cách mạng. Thông qua các hoạt động buôn bán, hiệu có cơ sở để tổ chức các nhóm đọc sách, báo, dạy chữ Quốc ngữ, tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Hai câu đối vẫn còn ở cột nhà đã thể hiện đầy đủ tinh thần của hiệu: “Bán vải, bán dầu, không bán nước/Buôn tiền, buôn chữ, chẳng buôn quan”. Tháng 7 năm 1927, tại đây, thành lập Chi hội thanh niên cách mạng đầu tiên của phủ Anh Sơn. Trong 2 năm (1928 - 1929), các cơ sở của Hội thanh niên được xây dựng mạnh. Hiệu Yên Xuân trở thành đầu mối liên lạc của tổ chức Thanh niên ở Anh Sơn. Trong ngôi nhà cổ vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn, ta như được quay ngược về quá khứ hoạt động sôi nổi, hào hùng của các chí sỹ cách mạng đầu tiên trên mảnh đất Anh Sơn khi được xem lại những bức ảnh, hiện vật của hiệu Yên Xuân thuở nào.

Chia tay Lĩnh Sơn, theo gợi ý của người bạn địa phương, chúng tôi tiếp tục hành trình về khu vực bản Vều thuộc xã Phúc Sơn. Đây là vùng đệm của rừng nguyên sinh Pù Mát với những tán cây cổ thụ tỏa bóng mát giữa ngày hè oi bức. Đây cũng là một khu vực vùng biên với cộng đồng đồng bào dân tộc Thái sinh sống có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cao Vều cho chúng tôi khoảng thời gian thật thú vị khi hòa mình vào dòng nước mát lạnh của dòng sông Giăng và được thưởng thức những món ăn truyền thống, dân dã của người dân bản địa.

Rời bản Vều, chúng tôi đến thăm Nghĩa trang hữu nghị Việt - Lào nằm giữa lòng Thị trấn Anh Sơn. Đây là nơi yên nghỉ của hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh tại chiến trường Lào và cũng là một biểu tượng cao đẹp về tình hữu nghị keo sơn của hai đất nước Việt - Lào anh em. Tôi cũng đã nhiều dịp đến với địa chỉ đỏ này, nhưng lần nào cũng vậy, cảm xúc trân trọng, tự hào luôn trào dâng trong sâu thẳm trái tim. Bởi, có đến đây mới thấu hiểu được những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh đi trước để nhân dân hai nước Việt - Lào có được cuộc sống hòa bình, ấm no như ngày hôm nay.

Tiếp tục theo tuyến Quốc lộ 7, chúng tôi đến thăm đền Cửa Lũy, thuộc xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn. Theo thuyết trình của cô bạn Ngô Thị Thu Hà, chuyên viên phòng VH - TT huyện thì đền Cửa Lũy được xây dựng trên khu đất thuộc vọng gác Cửa Lũy, nơi Lê Lợi đóng quân trong những năm kháng chiến chống quân Minh ở miền núi Nghệ An, nên được gọi là đền Cửa Lũy. Theo một số tài liệu chữ Hán, văn cúng tại đền và lời kể của các cụ cao niên ở địa phương còn lưu truyền, thì đền Cửa Luỹ được lập nên để thờ Nữ y - người đã có công chăm sóc cho nghĩa quân Lam Sơn trong thời gian đóng quân ở đây. Đền nổi tiếng linh nghiệm, nên Nữ y được các triều đại phong kiến phong sắc tôn thần, giao cho nhân dân địa phương tòng tiền phụng sự. Đời vua Minh Mạng phong là “Thánh mẫu Lũy Sơn”, đời vua Khải Định phong là “Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần”. Rất tiếc, do chiến tranh, đền bị bom đạn tàn phá, những sắc phong đó cũng không còn. Sau này, được sự cho phép về chủ trương của các cấp và sự đóng góp công đức của gia đình ông bà Tráng, ở phường Lê Lợi (Thành phố Vinh), đền được khôi phục lại. Do đó, sau khi ông bà mất, nhân dân nhớ ơn đã thờ hậu ông bà trong đền. Và cũng chính trong lần tu bổ, phục hồi này, từ tín ngưỡng thờ Nữ y (Thánh Mẫu Lũy Sơn), nhân dân nơi đây đã tôn vinh và phát triển thành tín ngưỡng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, tứ phủ công đồng. Ngoài ra, đền còn phối thờ Hưng Đạo Đại vương, Lê Lợi, các đức Phật...

3. Trong hành trình về với Anh Sơn, tôi còn được thăm thú biết bao địa điểm du lịch đặc sắc như: Di tích khảo cổ hang Đồng Trương, xã Hội Sơn; đền Đức Ông thuộc xã Vĩnh Sơn - nơi lưu dấu bước hành quân lên phủ Trấn Ninh đánh giặc Lão Qua của Uy minh vương Lý Nhật Quang. Ngoài ra, Anh Sơn còn có vùng chè ở xã Hùng Sơn đẹp như một bức tranh thủy mặc… Dựa trên tiềm năng đó, huyện Anh Sơn ban hành đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng giai đoạn 2014 -2020. Mục tiêu của đề án là khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, danh thắng, di tích lịch sử văn hóa truyền thống dân tộc, lợi thế và các nguồn lực khác để phát triển du lịch tại địa phương; phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch huyện Anh Sơn trở thành một ngành kinh tế. Đây thực sự là tín hiệu mừng để ngành Du lịch Anh Sơn có thể khai thác hết tiềm năng của mình.

Bà Võ Thị Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, chia sẻ: “Anh Sơn có nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng trên bản đồ du lịch tỉnh cũng như cả nước hầu như rất mờ nhạt. Đó cũng là điều chúng tôi vô cùng trăn trở. Vì vậy, sau khi ban hành đề án, huyện rất quyết tâm để vừa phát huy nội lực, vừa tận dụng tốt ngoại lực, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển Du lịch địa phương. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho họ khi đến làm ăn tại đây”. Tin tưởng rằng, ngành du lịch Anh Sơn có đầy đủ tiềm năng để có thể đạt được mục tiêu ấy và có một vị trí xứng đáng trên bản đồ du lịch.

Thành Duy

Mới nhất
x
Dưới đỉnh Kim Nhan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO