Dưới mái đình làng Dụng
(Baonghean) - Gần 5 năm trước, trong một lần đến xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ), chúng tôi có bài viết “Trăn trở dưới mái đình làng Dụng”, phản ánh tâm tư, nỗi niềm của người dân nơi đây trước cảnh di tích lịch sử của làng quê đứng trước nguy cơ xuống cấp. Mới đây, nhận được lời mời của bà con về dự lễ đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử đình làng dụng, chúng tôi lại có dịp trở về làng Dụng, chứng kiến vẻ đẹp của ngôi đình cổ và niềm vui, phấn khởi của người dân nơi đây…
Rước Bằng công nhận Di tích lịch sử đình làng Dụng. |
Gặp lại người quen, cụ Hoàng Minh Châu (97 tuổi), người 5 năm trước dẫn chúng tôi vào đình để tìm hiểu tư liệu hồ hởi nắm tay: “Bà con mấy hôm nay vui lắm, ai cũng tự hào vì đình làng đã được tỉnh công nhận Di tích lịch sử. Lớp già chúng tôi càng vui hơn, vì tin tưởng ngôi đình sẽ mãi đứng vững trước thời gian”. Ở tuổi này, cụ Châu vẫn khá minh mẫn, cụ kể với mọi người nhiều sự kiện, chi tiết xung quanh chuyện đình làng. Những đứa trẻ làng Dụng đứng vây quanh cụ và lắng nghe một cách hào hứng.
Đình làng Dụng nằm trên lưng chừng đồi theo hướng Tây Nam, nằm giữa khu dân cư đông đúc và trù phú. Phía trước là dòng sông Con trong mát, hiền hòa và bãi bồi phù sa màu mỡ, ngô mía tốt tươi. Nhiều người cho rằng, đình có thế “sơn hồi, thủy tụ” nên có thể kết phát lâu dài, bền vững. Di tích đình làng Dụng mang đậm kiến trúc thời Nguyễn, gồm 1 gian, 2 hồi với tổng diện tích hơn 85m2. Mái đình được lợp bằng ngói vảy, trên nóc bài trí các linh vật như tượng rồng, tượng hổ chầu mặt trăng, mặt trời. Cùng với đó là tượng nghê, chim phượng, hạc cưỡi lưng rùa để tăng thêm sự uy nghiêm nhưng vẫn hết mực gần gũi. Trên các điểm nối tiếp giữa các vì kèo, xà hạ được chạm trổ nhiều nét hoa văn sinh động như phượng ẩn vân, hoa sen cách điệu.
Trên xà ngang gian giữa có khắc dòng chữ Hán: “Hoàng triều Bảo Đại thập nhị thất niên Đinh Sửu trọng thu nguyệt công thành” (Giữa mùa Thu, năm Đinh Sửu, niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937) hoàn thành). Bằng kỹ thuật chạm bong kênh, xoi chỉ tài tình, khéo léo, các nghệ nhân xưa đã thể hiện đề tài dân gian và cung đình trên chất liệu gỗ một cách tinh tế và sinh động. Nội thất của đình được bài trí một cách trật tự, hài hòa với cung thờ, long ngai, lư hương, hạc chầu và hệ thống hiệu bụt được làm từ chất liệu gỗ mít. Qua đây, dễ nhận thấy đình làng Dụng thể hiện khá rõ nét kiến trúc truyền thống của đình làng Việt. Và ở đây có sự giao thoa của ngôi đình vùng đồng bằng và những nét kiến trúc truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng miền núi. Sự giao thoa này thể hiện một phần đời sống sinh hoạt văn hóa cũng như khả năng sáng tạo và trình độ thẩm mỹ của của đồng bào miền núi.
Theo một số tư liệu lịch sử và ý kiến các bậc cao niên trong vùng, đình làng Dụng được nhân dân xây dựng vào thời Hậu Lê, được tu sửa lại từ thời nhà Nguyễn, thờ các vị thần có công hộ quốc tý dân. Mục đích trước tiên là nhằm tổ chức tái hiện lại trận chiến Động Đỏ của nghĩa quân Lam Sơn (thế kỷ XV), trong cuộc chiến chống giặc Minh đô hộ. Với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, người dân làng Dụng đã kiên cường chiến đấu, ủng hộ nghĩa quân Lê Lợi, góp phần làm nên chiến thắng Động Đỏ (vấn đề này đang được tiếp tục tìm hiểu trong sử sách).
Trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, đình làng Dụng là nơi các vị chức sắc của làng hội họp để đưa ra những quyết sách xây dựng và bảo vệ bản làng. Đây cũng là nơi phường săn làm lễ Khai sơn- lễ tế thần linh trước mùa săn mới. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập và chống Pháp, chống Mỹ, đình làng Dụng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi cất giấu tài liệu và cũng là nơi tập hợp nhân dân đấu tranh phá đồn điền, giành chính quyền về tay cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đình là điểm dừng chân nhiều đơn vị bộ đội trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Đình được xây dựng để thờ Thành hoàng, là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân làng Dụng xưa (nay gồm 5 xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn và Nghĩa Phúc của huyện Tân Kỳ). Về sau, do một số biến động, đình làng Dụng trở thành nơi hợp tự, thờ phụng các vị phúc thần của nhân dân trong vùng. Thành hoàng làng Dụng được xác định là thần chủ Cao Sơn - Cao Các - hai vị phúc thần được thờ khá phổ biến trên địa bàn Nghệ An. Đình còn phối thờ các vị thần linh có công bảo vệ, che chở và giúp đỡ nhân dân như Bạch Y công chúa, Mộc thụ Tôn thần, Thái y Ngô Văn Ngạo và đình cũng thờ Đức Phật. Hàng năm, nhân dân có nhiều hoạt động tế lễ tại đình như Lễ Khai sơn (của phường săn), Lễ Kỳ yên (kỷ niệm dịp chiến thắng trận Động Đỏ của nhân dân và nghĩa quân Lam Sơn), Lễ Khai hạ (đầu mùa lúa, thường là tháng 4 âm lịch), lễ Trung nguyên (hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng), Lễ Thường tân (cúng cơm mới, thường vào cuối tháng 10 âm lịch). Có thể nói, đình làng Dụng là nơi để người dân trong vùng gửi gắm niềm tin tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công ơn các vị thần cai quản bản làng và các bậc tiền nhân. Đây chính là nơi cố kết cộng đồng, thể hiện những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của đồng bào các dân tộc cư trú trong vùng.
Ngày nay, đình làng Dụng không còn là nơi tổ chức hội họp hành chính của làng bản (đã có nhà văn hóa thôn bản thay thế), nhưng hàng năm tại đây vẫn diễn ra các sinh hoạt văn hóa - tâm linh. Một số hoạt động tế lễ vẫn được duy trì và phục hồi như Lễ Kỳ yên, Khai hạ, Thường tân. Vào các ngày rằm và lễ tết, người dân vùng làng Dụng đều sắm sửa lễ vật để dâng lên các vị phúc thần, cầu mong những điều tốt đẹp. Mỗi lần Tết đến, Xuân về, những người con làng Dụng đi xa trở về thường tụ họp dưới mái đình để nghe các bậc cao niên kể lại truyền thống và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp tiền của làm công đức trùng tu đình làng, xây dựng quê hương. Những ngày ấy ở đình làng Dụng trở thành ngày hội. Lâu nay, công tác quản lý di tích tại đình làng Dụng được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm và phát huy tốt những giá trị văn hóa - lịch sử. Đình được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử sẽ tạo cơ sở pháp lý để địa phương tiếp tục bảo vệ, trùng tu và tôn tạo, xứng đang là một di tích được xây dựng từ lâu đời trên đất Phủ Qùy xưa. Để từ đó, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết và ý thức xây dựng quê hương cho mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để vùng đất ven dải sông Con ngày càng xanh tươi, làng bản ngày thêm trù phú.
Rời mái đình làng Dụng, chia tay bà con nơi đây, chúng tôi vẫn còn lưu giữ được niềm vui trên từng nét mặt, nụ cười trong ngày đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử. Nụ cười và niềm vui ấy nói lên nhiều điều, là sự thỏa nguyện một mong ước, là niềm tự hào về truyền thống quê hương, là tinh thần đoàn kết cộng đồng các dân tộc, là ước mong và niềm tin về tương lai...
Công Kiên