Dưới màu xanh làng Dừa

09/12/2012 17:06

LTS: Trong một buổi giao lưu nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước chung tay khắc phục hậu quả của bom mìn sau chiến tranh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: "Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD khác cho tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn". Nghệ An được xác định là một trong những tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất. Hiện tại, việc rà phá và làm sạch môi trường do ô nhiễm bom mìn đang được tích cực triển khai...Báo Nghệ An cuối tuần trân trọng giới thiệu loạt bài phản ánh sự khốc liệt và những nỗi đau do chiến tranh và bom mìn để lại ở một số vị trí được xem là trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhà.

LTS: Trong một buổi giao lưu nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước chung tay khắc phục hậu quả của bom mìn sau chiến tranh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: "Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD khác cho tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn". Nghệ An được xác định là một trong những tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất. Hiện tại, việc rà phá và làm sạch môi trường do ô nhiễm bom mìn đang được tích cực triển khai...Báo Nghệ An cuối tuần trân trọng giới thiệu loạt bài phản ánh sự khốc liệt và những nỗi đau do chiến tranh và bom mìn để lại ở một số vị trí được xem là trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhà.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xã Tường Sơn (Anh Sơn) là một trong những địa điểm bị đánh phá ác liệt. Bởi lẽ, nơi đây được Bộ Quốc phòng chọn làm điểm xây dựng sân bay dã chiến để góp phần ngăn chặn việc leo thang đánh phá miền Bắc của không quân và hải quân Mỹ. Hàng ngàn tấn bom đạn đã trút xuống mảnh đất này gây nên bao cảnh tang thương, đổ nát. Hiện trong lòng đất vẫn còn ẩn chứa bao mối hiểm nguy...

Ngày còn nhỏ, tôi thường theo ông ngoại (giờ đã thành người thiên cổ) ra đồng Dừa và bãi Làng Trang (xã Tường Sơn, Anh Sơn). Có lần, đi qua hai cái ao nuôi cá của hợp tác xã, ông nói: "Nơi đây trước là vườn của ông. Trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ, vườn nhà bị trúng tới 3 quả bom, ngôi nhà 3 gian bị san phẳng, không sót lại gì dù chỉ một viên ngói. Thật may, cả gia đình đã sơ tán vào lang lèn trước đó vài ngày, nếu không thì...".



Dưới màu xanh làng Dừa (xã Tường Sơn, Anh Sơn) vẫn ẩn chứa hiểm họa do bom đạn sót lại.

Lúc còn sống, bà ngoại tôi cũng thường hay kể về những gian khổ, hiểm nguy thời bom rơi, đạn nổ. Có lần bà kể: "Một hôm, tốp máy bay bất ngờ ập tới ném bom ào ào, tất cả mọi người trong gia đình lập tức xuống hầm trú ẩn. Những tiếng nổ đanh tai, lòng đất cũng rung chuyển. Đợt bom kết thúc, ra khỏi hầm thấy nhà cửa tan hoang, vườn tược bị bom cày nát, ông bà và các dì nháo nhác tìm nhau, trong đầu ai lúc đó cũng nghĩ tới cảnh người thân của mình đã bị bom vùi. Vì ở thời điểm đó, việc bom dội trúng hầm làm chết cả gia đình không phải là chuyện hiếm". Thật may, bom đạn đã chừa gia đình ông bà ngoại tôi nhưng dường như tất cả mọi người luôn mang một nỗi ám ảnh và lưu giữ những giây phút kinh hoàng. Năm ngoái, trước khi mất vài tháng, nghe tiếng một chiếc máy bay dân dụng bay qua lúc rạng sáng, ông ngoại tôi chợt thở dài và nói: "Ngày trước, nghe tiếng máy bay như thế này không có ai có thể nằm yên được". Rồi ông lại kể chuyện của ngày xưa, thời làng mạc bị bom Mỹ cày xới tan hoang, chuyện của những gia đình bị vùi lấp do bom Mỹ thả trúng hầm trú ẩn. Đó là gia đình ông Hồ Văn Độ bị bom vùi chết 4 người, chỉ sót lại 2 người con lúc ấy đang đi học. Gia đình ông Lê Văn Thực cũng bị bom vùi chết 4 người, chỉ sót lại người con trai đầu lúc ấy đã thoát ly. Hay như chuyện một bà mẹ người dân tộc Thái ở xã Môn Sơn (Con Cuông) mang theo con nhỏ ra thăm người con trai đầu đang chiến đấu tại một trận địa pháo cao xạ bảo vệ sân bay. Ba mẹ con- anh em đang quấn quýt chuyện trò thì máy bay Mỹ bất ngờ ập đến dội bom, cả ba người đều bị bom vùi chết...


Lớn lên, tôi theo nghề báo, nhiều lúc cố công gom nhặt tư liệu để viết về quê hương một thời lửa đạn, đặc biệt viết về những chiến công ở sân bay Dừa nhưng xem ra thật khó. Khó vì ở địa phương không lưu giữ được mấy tư liệu, tìm đến các đơn vị liên quan cũng đành trở về tay không, có người nói phải ra tận Hà Nội may chăng có nơi còn lưu giữ. Chưa có điều kiện ra thủ đô tìm tư liệu về sân bay Dừa, tôi trở về quê tìm gặp những nhân chứng của năm xưa với niềm hy vọng sẽ bắt gặp được một vài điều mình đang cần khai thác. Tôi tìm đến cựu chiến binh Bùi Công Ước (72 tuổi), từng làm Xã đội trưởng giai đoạn từ 1966- 1972 (thời điểm sân bay Dừa hoạt động). Thật sự tôi đã gặp may khi ông Ước còn giữ được trong ký ức một số chi tiết, sự kiện và con số liên quan đến sân bay Dừa. Kết hợp với một vài nguồn tư liệu khác thu thập được, tôi đã có được sự hình dung sơ bộ về những năm tháng chiến tranh ác liệt trên mảnh đất quê hương.


Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc. Để đối phó với không quân Mỹ, bảo vệ các cơ sở sản xuất và các tuyến đường giao thông huyết mạch, cũng như các tỉnh khác ở miền Bắc, Nghệ An nhanh chóng thành lập các tổ, đội chiến đấu, thiết lập các trận địa pháo, tên lửa phòng không và xây dựng sân bay dã chiến. Sân bay Dừa (xã Tường Sơn, Anh Sơn) được xây dựng bí mật, góp phần cùng quân, dân miền Bắc đánh sập "uy thế không lực Huê Kỳ". Thời điểm ấy, Mỹ điên cuồng đánh phá với mức độ ngày càng ác liệt nên một số sân bay quân sự ở miền Bắc bị ngưng trệ, thậm chí sân bay Vinh có lúc gần như ngừng hoạt động. Trước tình hình đó, năm 1967, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng sân bay dã chiến Dừa. Một năm sau, sân bay Dừa được hoàn thành và đi vào hoạt động với chiều dài 2,5 km, chiều rộng đường băng 80m. Vị trí sân bay nằm gần Quốc lộ 7A và sông Lam nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí, trang thiết bị phục vụ chiến đấu. Bao quanh sân bay và hệ thống đường băng là núi non hiểm trở tạo nên những "lá chắn" vững chắc, thuận lợi cho việc phòng thủ. Khoảng đầu của đường băng tiếp giáp với Lèn Thung (nay thuộc xóm 7, xã Tường Sơn) với hệ thống hang động khá dày đặc đảm bảo cất giấu vũ khí an toàn. Trong số đó có một hang với diện tích khá lớn, có thể chứa được 4-5 máy bay chiến đấu trong cùng một thời điểm. Cửa hang đủ rộng, máy bay có thể ra vào khá dễ dàng. Đây chính là vị trí lý tưởng để máy bay chiến đấu của ta trú ẩn, đảm bảo không bị máy bay Mỹ bắn phá. Đồng thời, có thể bất ngờ xuất kích khi có máy bay địch xâm phạm vùng trời khu IV. Chính yếu tố bất ngờ này làm cho máy bay địch nhiều phen hoảng loạn!


Từ đó, làng Dừa trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân Mỹ. Xác định tư tưởng ngay từ đầu, quân và dân xã Tường Sơn gấp rút chuẩn bị tư thế sΩn sàng chiến đấu. Những ngày đầu xây dựng sân bay, bà con đã sơ tán hơn 1.000 ngôi nhà, tình nguyện nhường hơn 50 ha đất canh tác để xây dựng đường băng, cải tạo 3 hang đá để cất giấu vũ khí và trang thiết bị phục vụ chiến đấu, đóng góp hàng nghìn ngày công xây dựng sân bay và đường băng. Đồng thời, thành lập 2 trung đội dân quân trực chiến bằng súng máy 12,7 ly (gồm 37 đồng chí, trong đó 18 đồng chí nữ) phối hợp chiến đấu với các đơn vị pháo cao xạ và tên lửa phòng không.

Trong những ngày chiến đấu bảo vệ sân bay, lực lượng dân quân xã Tường Sơn đã tham gia đánh 175 trận, góp phần bắn rơi máy bay C47 của Mỹ vào ngày 12/2/1972. "Chia lửa" với anh em trực chiến, Đoàn viên thanh niên, Hội Phụ nữ tình nguyện bố trí nơi ăn, chốn ở và tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu, nhanh chóng ra quân sửa chữa đường băng sau mỗi trận bom Mỹ cày xới. Thời gian này, mảnh đất Tường Sơn đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của không quân Mỹ. Riêng trong hai năm 1971- 1972, máy bay Mỹ đánh phá 167 lần. Điển hình là trưa ngày 25/7/1972, 25 chiếc máy bay phản lực F105 ào ạt ném bom xuống sân bay làm rung chuyển cả đất trời. Sau trận bom hủy diệt ấy, người dân Tường Sơn đã phải gánh chịu nhiều tổn thất và đau thương. Đặc biệt, ngày 15/10/1972, nhiều tốp máy bay B52 ném bom "rải thảm" từ 18 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, hậu quả là 307 nóc nhà bị phá hủy, 17 người dân thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương. Sân bay Dừa cũng bị dội trúng 45 lượt bom, một trận địa pháo cao xạ bị vùi lấp, hàng chục chiến sỹ hy sinh và bị thương nặng.

Lập tức, Đại đội Công binh và nhân dân xã Tường Sơn nhanh chóng ra trận địa rà phá các loại bom nổ chậm, bom bi và hối hả san lấp hố bom, tu sửa đường băng để máy bay cất cánh và hạ cánh được an toàn. Về trận bom này, tôi được nghe ông Võ Tư (74 tuổi), người có tới 4 người thân bị chết vì trúng mảnh bom ngậm ngùi kể lại: "Lúc đó, tôi và người anh cả đang tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, cô em gái đang tham gia Thanh niên xung phong. Ở nhà lúc ấy có 7 người. Sau này trở về, nghe mẹ tôi kể lại rằng hôm đó B52 "rải thảm" gần như suốt đêm từ bến Đò Rồng qua khu vực Lèn Thung (khoảng 7km). Vì B52 thường xuất hiện bất ngờ, gia đình trở tay không kịp, chỉ mẹ tôi và 2 đứa em kịp xuống hầm. Còn bố tôi và 2 đứa em khác cùng một đứa cháu nhỏ chưa kịp xuống bị trúng mảnh bom. Nhà cửa bị hất tục, chiếc xe tải chở hàng chạy qua trước nhà cũng bị bốc cháy, 3 người trên xe cũng bị trúng bom và chết".


Ông Bùi Công Ước dẫn tôi ra thăm chứng tích sân bay Dừa. Hơn 40 năm đã đi qua, cửa hang Lèn Thung đã được bịt kín và trở thành một chiến tích hào hùng, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ một thời oanh liệt. Đường băng năm xưa giờ trở thành đồng bãi bốn mùa xanh ngời màu ngô, lúa. Những quả đồi năm xưa bị bom đạn cày xới tan hoang nay cũng phơi phới sắc xanh. Những hố bom năm xưa giờ thành đồng rau, ao cá. Lúc trở về, qua nhà ông Nguyễn Văn Khoa (xóm 6, Tường Sơn), ông Ước chỉ tay và nói nhỏ: "Dưới sân ngôi nhà này có hơn 100 kg bom bi chưa nổ, ngày xưa tôi chỉ đạo dân quân xã thu gom và chôn lấp tại đây. Cho đến bây giờ, tôi không thể biết được còn bao nhiêu tấn bom, đạn, rốc-két, đầu đạn tên lửa và các loại vật liệu nổ khác đang nằm trong lòng đất xã Tường Sơn. Vì thời kỳ chiến tranh, Mỹ đã ném xuống cơ man nào là bom đạn, trong đó có một số lượng lớn chưa phát nổ".


Thỉnh thoảng về quê, tôi lại được nghe kể chuyện về những đứa trẻ đào xới trong vườn nhà, nhặt được đầu đạn đem chơi đùa, đầu đạn phát nổ gây thương tích. Rồi chuyện những người đi tìm sắt vụn vô tình rà được những quả bom, lúc đưa lên mặt đất vẫn còn xanh lè màu sơn và dòng chữ USA vẫn còn in rõ mồn một. Hay chuyện mưa lũ làm xói lở các bậc ta-luy và bờ sông làm lộ diện những quả bom chưa kịp phát nổ. Thật sự, thế hệ trẻ chúng tôi nhiều người không thể biết dưới màu xanh của đồng đất quê hương vẫn còn ẩn chứa biết bao hiểm nguy từ những quả bom, đầu đạn đang nằm im lìm trong lòng đất.


Công Kiên

Mới nhất

x
Dưới màu xanh làng Dừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO