Dưới thung lũng Con Phen

11/08/2014 14:09

(Baonghean) - Hữu Khuông là xã khó khăn nhất huyện Tương Dương và thung lũng Con Phen là địa điểm đứng chân của trung tâm xã. Vậy mà, chốn văn minh nhất xã vẫn gợi cảm giác thâm sơn cùng cốc cho bất cứ ai khi lần đầu đến đây.

Đến những địa bàn vùng cao tôi có thói quen truy vấn ý nghĩa cái tên của một vùng đất. Hầu hết các miền đất vùng cao xứ Nghệ đều mang tiếng Thái và gắn với một ngọn núi, con suối, con sông, ghềnh thác hay chuyện đi tìm đất mới của tổ tiên các cộng đồng vùng cao. Ấy vậy mà những cái tên như Nhôn Mai, Hữu Khuông… thì thật khó cắt nghĩa. Bởi khi đặt tên cho một đơn vị hành chính, chính quyền của nhiều nơi quen gắn thêm yếu tố tiếng Kinh khi gọi lên nghe xuôi tai. Gọi lâu ngày thành ra người ta quên hẳn đi cái ý nghĩa ban đầu của nó. Thế rồi đến một ngày có người muốn tìm về cội nguồn qua tên gọi xưa của miền đất quả là một công việc hết sức gian nan. Với Hữu Khuông cũng vậy, chỉ mỗi chữ “khuông” nó gợi lên trong tôi một cảm giác thiêng liêng. Tiếng Thái, “khuông” gần nghĩa với từ “thiêng” trong tiếng Việt mà.

Thung Lũng Con Phen
Làng dưới thung lũng Con Phen

Tôi tìm về miền đất thiêng ấy vào một ngày mưa dầm. Khí trời chạm ngưỡng thu, dưới màn mưa

“Kỳ nhân” Pịt Thị Mơ rất đảm việc nhà.
“Kỳ nhân” Pịt Thị Mơ rất đảm việc nhà.
càng thêm dễ chịu. Chờ mãi thì cơn mưa cũng ngớt và cuộc rượu của những chủ thuyền trên bến nước cũng tàn. Chiều nay chỉ có 1 chuyến thuyền về bến Con Phen xã Hữu Khuông nên chủ thuyền thành “vua” và những hành khách đáng lý ra là “thượng đế” thành kẻ lụy đò. Nhiều người đã tỏ ra ngao ngán còn chủ thuyền vẫn mải chén chú chén anh cùng một đám bạn. Một người trạc ngoài 40 tuổi đang chờ thuyền để về xã Bão Thắng (Kỳ Sơn) tên là Xèo Ống Hà phàn nàn: “Cứ 3, 4 giờ chiều mới chạy thì nửa đêm mình mới về được nhà.” Anh Hà dẫn theo chị vợ đi đường tắt xuống chợ Hòa Bình của huyện Tương Dương mua sách vở, quần áo cho con sắp vào năm học mới. Sau khi xuống thuyền anh phải mất 3 giờ đồng hồ lội bộ mới về đến bản. Khi chủ thuyền đứng phất dậy và bảo “lên đường thôi” những gương mặt âu lo của người bản xa chợt giãn ra. Vậy là không lo phải ngủ lại dọc đường nữa rồi.

Chúng tôi cập bến thuyền bản Xiềng Lằm cũ vào lúc hơn 5 giờ chiều. Từ đây phải gần 2 cây số nữa mới tời trung tâm xã. Chủ thuyền cảnh báo: “Nếu anh không muốn bị lạc đường hãy bám theo những người đi rẫy về kia”. Trên đoạn đường bê tông hiếm hoi này có 4 người Khơ mú, 2 già, 2 trẻ đang chạy. Trên vai cô gái trẻ trạc 20 tuổi đeo chiếc gùi có chân đan rất khéo. Đó là những người vừa ở rẫy trở về sau những ngày ngủ lại trên chòi nương làm cỏ lúa. Cô gái tên Hoa có đôi mắt to, tròn nhìn tôi vẻ e ngại.

Tôi đã quen với điều này khi tiếp xúc với con gái Khơ mú. Anh thanh niên mới bước qua tuổi học trò thì nhanh nhảu bắt chuyện: “Mùa này nước rút nên anh phải vất vả rồi. Qua tháng 9, tháng 10, nước dâng, thuyền đến tận chân ủy ban xã.” Rồi cậu chàng tâm sự rằng học xong lớp 9 thì ở nhà. Muốn đi học nhưng không có tiền. Học trong xã Nhà nước còn nuôi chứ đi ra huyện lại không học giỏi thì khổ lắm. Câu chuyện vui miệng với đám người mới quen khiến những con suối dưới chân tôi lùi lại phía sau rất nhanh. Trời nhá nhem, tôi cũng vừa đặt chân đến ủy ban xã Hữu Khuông. Đã muộn vậy nhưng ủy ban vẫn đang làm việc. Số là kỳ họp HĐND xã có nhiều nội dung quan trọng nên mới kéo dài đến chiều muộn và cả buổi sáng hôm sau. Trụ sở ủy ban nằm trên ngọn đồi nhỏ dưới thung lũng Con Phen. Từ đây nhìn xuống bản Con Phen, nổi bật nhất là ngôi trường mầm non lợp tôn đỏ, cạnh đó là những mái cọ lúp xúp, xen giữa một vài ngôi nhà gỗ lợp tôn của những gia đình khấm khá trong bản. Bản có hơn bảy chục hộ dân sống quần tụ với nhau. Có người Thái và Khơ mú.

Anh Nguyễn Trọng Hưng vốn là Phó phòng Nội vụ huyện Tương Dương tăng cường về giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, khoe khi còn làm việc tại phòng giáo dục huyện từng là CTV tiêu biểu của Báo Nghệ An, nhưng rồi công tác mới khiến anh không còn thì giờ cho báo chí nữa. Nhất là từ ngày về nhận công tác tại địa bàn với rất nhiều cái “không” này thì không viết được bài nào nữa, mặc dù vẫn rất ham thích. Có viết bài cũng không biết gửi thế nào. Thời đại công nghệ thông tin rồi mà nơi đây đến sóng điện thoại cũng không có thì gửi email làm sao được. Liên lạc hai chiều giữa xã và huyện vì thế mà rất khó khăn. Muốn gọi điện phải tìm đến những ngọn núi cao dò sóng rớt hoặc ngồi thuyền ra đập Thủy điện Bản Vẽ mới gọi được. Thành ra những chiếc điện thoại di động khi về đến Hữu Không đều biến thành máy nghe nhạc, chụp ảnh và chơi game.

Nhưng gian nan nhất đối với Hữu Khuông vẫn là giao thông. Từ trung tâm xã đi các bản hầu như không thể dùng xe máy. Chỉ có nước lội bộ và ngồi thuyền máy. Đây là xã duy nhất còn lại trên địa bàn huyện Tương Dương cán bộ không thể đi bản bằng xe máy, người dân có tiền mua xe máy cũng không dùng được. Quãng đường từ xã Yên Tĩnh sang cũng còn vài cây số nữa thì vươn đến bản Xàn tiếp giáp xã Yên Tĩnh. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ góp phần giải quyết một vấn đề quan trọng, đó là giao thông của xã vùng xa này.

Đêm xuống khá nhanh. Sau bữa tối, tôi được ngủ nhờ phòng phó chủ tịch xã. Căn phòng được ưu tiên 1 bóng điện thắp sáng. Trước khi đi ngủ, anh phó chủ tịch đã căn dặn nguồn điện nước chỉ đủ dùng cho 1 thiết bị điện. Tôi đành phải nhường nguồn điện cho chiếc pin máy ảnh sắp cạn kiệt…

Giấc ngủ đến với tôi một cách khá khó khăn. Có một ý nghĩ cứ len lỏi vào trong tâm trí tôi mà không gì dứt ra được. Tôi nghĩ về người dân ở bản Con Phen và những cư dân lòng hồ Bản Vẽ. Họ đã chịu hy sinh nhiều cho một công trình trọng điểm quốc gia, có người đã phải chấp nhận rời xa quê hương bản quán. Thế nhưng ước mơ về nguồn điện lưới quốc gia thì đang trở nên xa vời. Họ đang phải chung sống với nguồn điện tự tạo không an toàn và cũng phập phù, bấp bênh như chính cuộc sống của họ nơi thâm sơn cùng cốc này.

Một buổi sáng yên bình đã trở lại với thung lũng Con Phen. Từ trên ngọn đồi trụ sở ủy ban, tôi phóng tầm mắt xuống khu dân cư. Một ngày đã bắt đầu. Em bé Khơ mú mang nước ra đầu bản đánh răng. Những phụ nữ thảnh thơi ngồi trước cửa chải tóc. Tôi rảo bước theo lối mòn xuống bản. Từ các cửa sổ, những ánh mắt tò mò dõi theo người khách lạ. Một cái đầu thò ra từ khuôn cửa gỗ căn nhà khang trang vào loại nhất nhì bản: “Mời thầy vào nhà chơi.” Tôi chỉ biết “vâng ạ” và không lấy gì làm lạ. Bởi những dân bản vùng cao đã quen với sự hiện diện đột ngột của những thầy giáo mới. Họ đến đầu năm cuối năm học lại sang bản khác. Người mời tôi vào nhà là một cô gái trẻ trên tay bế một cháu bé chừng 2 tuổi. Khi biết tôi làm báo, cô gái giới thiệu tên Pịt Thị Mơ vừa học xong ngành Kiểm lâm ĐH Lâm nghiệp. Chưa đi làm nên ở nhà trông cháu.

Qua cuộc chuyện tôi mới biết Mơ là trường hợp đỗ đại học đầu tiên tại xã Hữu Khuông. Một tay bị liệt từ khi mới 9 tháng tuổi do chứng bại liệt. Cô bé hiếu học này phải mất 3 năm để tập viết và cũng ngần ấy thời gian ngồi học lớp 1. Sau khi đã làm chủ được cây bút cũng là lúc dân bản chứng kiến sự bứt phá của cô bé. Trong những năm học phổ thông Mơ luôn đứng đầu toàn trường. Năm 2010, cô chính thức đỗ vào Trường ĐH Lâm nghiệp. Sau 4 năm cô ẵm về bản tấm bằng ĐH hệ chính quy đầu tiên trong xã trước sự thán phục của mọi người. Bằng nghị lực lớn của mình, cô gái tật nguyền miền sơn cước này đã biết vượt lên số phận và đang rất tự tin sẽ kiếm được một công việc ổn định bằng chính năng lực của bản thân.

Cuộc gặp với Pịt Thị Mơ đã để lại trong tôi một ấn tượng khá đặc biệt. Thế mới biết cuộc sống vốn thật lạ, ở đâu chúng ta cũng có thể tìm thấy những kỳ tích mặc dù nhiều khi nó rất đỗi giản dị.

Đã đầu tháng 8, nghĩa là chỉ ít lâu nữa thôi năm học mới lại bắt đầu. Sự nghiệp trồng người nơi còn nhiều mối gian nan, nhất là với những miền đất như xã Hữu Khuông. Nó khiến mỗi người ở đây đều phải nỗ lực hết mình. Thế nên năm sau Hữu Khuông lại có những kỳ tích như Pịt Thị Mơ đã đạt được cũng chẳng phải điều gì khó hiểu. Khi ngồi ghi lại những điều này, tôi cứ nhớ mãi lời thầy giáo trẻ Trần Anh Tuấn: “Lên đây tự khắc mỗi người sẽ trở nên đa năng anh ạ. Chúng em không chỉ biết dạy học, mà còn phải biết dựng lán, làm vườn, thợ nề, thợ máy”. Đó là những điều đặc biệt mà tôi đã thấy dưới thung lũng Con Phen.

Bài, ảnh: Hữu Vi

Mới nhất
x
Dưới thung lũng Con Phen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO