Đường Chu Văn An: Một nét duyên thầm

19/10/2014 08:04

(Baonghean) - Đường Chu Văn An được xem là một trong những con đường “đỏng đảnh” ở Thành phố Vinh; khá dài, và ngoằn ngoèo những lối vào và ngã rẽ, khiến cho khách lạ bỡ ngỡ... nhưng nó lại mang trong mình nét duyên thầm giữa lòng phố thị ồn ào...

Đường Chu Văn An.
Đường Chu Văn An.

Một chút tưởng tượng để hình dung đường Chu Văn An như chạng ba cành cây, mà mỗi nhánh là một lối mở vào thênh thang. Một lối rẽ từ hướng đường Lê Lợi, một ngã rẽ từ mạn Lý Thường Kiệt, ngay khúc Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn nhìn sang, một hướng nữa từ phía đường Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều người dân thành phố biết đến con đường này, đều phàn nàn về những bất tiện của con đường dài rộng, mà lắm ngã rẽ vòng quanh, khách lạ chạy vào không để ý khó xác định phương hướng. Hẵng chưa vội bàn đến các phương án đặt biển số nhà sao cho khoa học, cũng khoan hẵng vội cáu bẳn nếu có phóng xe quá nhanh mà lỡ mất lối ra, hãy bớt chút vội vã tất bật thường nhật mà ngắm nghía thật sâu, thật kỹ những duyên dáng phố phường, để thấy con đường Chu Văn An ấy thực ra cũng trầm mặc đáng yêu, cũng rộn ràng đáng mến lắm...

Những ngày mùa thu, thong dong chuyến xe vãn cảnh qua tuyến đường Lê Lợi, đến ngay quãng đèn xanh, đèn đỏ trước cổng chợ Cửa Bắc ồn ã những thanh âm, rẽ ngoặt sang phía bên kia đường, là gặp ngay một trong những lối mở vào đường Chu Văn An. Đương nhức đầu vì tiếng còi xe ồn ã phía ngoài lộ lớn, thì bước vào đây như bước vào thế giới khác, thấy rõ “nhịp hải hà” của mùa thu vàng nghiêng sẽ trên những tán si già, bên những lan can kính của các tòa nhà cao tầng mới mẻ, ùa vào lòng người những nỗi dịu nhẹ thân thương. Đường Chu Văn An không phải mới hình thành sau những đợt kiến thiết, chỉnh trang sau này, mà tiền thân đã là con đường nội đô quen thuộc của người dân thành phố, có nhiệm vụ “giao liên” giữa hai trục chính là Lê Lợi và Lý Thường Kiệt. Ban đầu, đường như dải lụa mỏng vắt giữa hai trục đường, len lén chiếm diện tích chẳng đáng là bao giữa đôi dãy nhà dân sát kín. Về sau, không gian đô thị mở rộng, đường Chu Văn An được nâng tầm vóc, rộng rãi, khang trang, thành nét tân thời nhưng vẫn giữ nét duyên dáng và bình yên giữa lòng phố thị.

Trường Tiểu học Lê Lợi - một trong ba ngôi trường trên đường Chu Văn An.
Trường Tiểu học Lê Lợi - một trong ba ngôi trường trên đường Chu Văn An.

Quãng giữa đường Chu Văn An, có một quán nước nhỏ khiêm nhường dưới hàng xoài rợp mát. Quán tận dụng một phần vỉa hè lát gạch block sạch sẽ mà đặt chiếc ghế gỗ dài mộc mạc, lại nương vào chạng ba cây mà gá tạm tấm bạt che nắng, che mưa. Chỉ dăm ba gói kẹo lóc xóc trong cái hộp nhựa ngả màu, chiếc điếu cày ngạo nghễ nằm nghiêng trên mặt bàn, ấm chè xanh và nhân trần ủ kỹ trong mấy lần lót bông lau, là đã thành chốn ghé chân thân quen của nhiều lữ khách. Ông chủ quán, dĩ nhiên như để góp phần hoàn thiện bức tranh cổ kính thôn dã ấy, là cụ già đã ngót nghét thất tuần. Cụ vốn người gốc Bắc, di cư vào Nghệ An theo các cụ thân sinh thời kháng Pháp. Giọng vẫn “đâu vào đấy” nghiêm cẩn và thủng thẳng theo đúng kiểu người Bắc chỉn chu, nhưng tính cách đã thành “cá gỗ” lâu rồi. Hỏi cái gì, nếu thích, cụ trả lời rất hóm, còn nếu không, thì xin lỗi nhé, tôi mời cô thêm cốc nhân trần ngọt giọng, còn chuyện xưa, đã sắp thành người quá vãng rồi còn nhắc nhớ làm gì. Ngồi đây, dẫu câu chuyện với ông chủ hàng ngắt quãng, nhưng được hưởng cả cái thú thong dong, mát mẻ, ngắm trời, ngắm đất, ngắm nhà cửa, phố xá xe cộ lại qua. Ngồi đây, để đắm trong cái suy tưởng hàng trăm năm trước, “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An đức cao, đạo trọng đã trở thành hình tượng người thầy mẫu mực của muôn đời…

Thật khéo khen cho các nhà quy hoạch đô thị, đã gắn kết con đường duyên dáng ấy với tên tuổi vị danh nhân trong sự nghiệp trồng người. Đường Chu Văn An, như một lẽ không thể hài hòa hơn, có ba trường học tọa lạc: Trường mầm non của Công ty Đường bộ Nghệ An ríu rít những giờ đưa đón trẻ; Trường Tiểu học Lê Lợi xanh tươi màu đồng phục hồn nhiên; Trường THCS Lê Lợi tinh khôi màu áo trắng học sinh. Ba trường học với dễ đến hàng ngàn học sinh và số lượng phụ huynh đưa đón trước, sau giờ học, nhưng tuyệt nhiên đường không có vẻ nhôm nhoam, lộn xộn của những hàng quán tạm bợ, không cả những nhếch nhác, bán mua trước cổng trường. Hàng quà sáng chiều được người dân hai bên đường xếp gọn ghẽ trong khuôn viên sân nhà, bảng quảng cáo treo khéo và ý tứ như ý thức làm đẹp thêm mặt tiền cho phố. Bốn mùa, sự tế nhị và văn minh của thị dân đã tạo nên dáng vóc đầy tự tin cho một con đường nội đô thành phố.

Đường Chu Văn An cũng là một trong những con đường hiếm hoi của TP. Vinh có vỉa hè chạy dọc suốt đôi bên. Sự kiến thiết nghiêm cẩn này trao cho đường vẻ đẹp lịch lãm, cuốn hút những bước chân lữ khách gần, xa. Nhà dân hai bên đường đều lùi lại, nhường chỗ cho những tán bàng, hàng me, hàng xoài… dịu hoa mùa nắng. Sự nhường nhịn ấy thành thể lại mang đến nhiều ích lợi không ngờ, bấy lâu nay, dân phố được sống trong bầu không khí thoáng mát, không có vẻ bức bối, bụi bặm như những tuyến đường khác của thành phố. Dân phố, vì thế, dẫu sống ngay sát cạnh khu vực Bến xe Vinh (vẫn thường chịu tiếng xô bồ láo nháo), vẫn có được nếp tĩnh tại bình yên cho không gian riêng của mình.

Nhắc đến đường Chu Văn An, dẫu không có nét đặc biệt về ẩm thực, cũng không phải con đường chuyên doanh tấp nập, lại càng thưa vắng dấu ấn những công trình hoành tráng và sự nghiêm ngắn của chốn công sở, tuy vậy thì vẫn đáng được nhớ đến như một tuyến nội đô quan trọng trong nhịp phát triển hài hòa của thành phố trẻ. Đường vẫn còn đó nét bản sắc riêng, lại hòa nhập thêm những rộn rã văn minh sức sống mới. Sự âm thầm mà mãnh liệt ấy, xứng đáng ghi dấu một phong cách bền bỉ có sức lan tỏa của một góc phố Thành Vinh.

Chu Văn An (còn gọi là Chu An) người thôn Văn, Xã Quang Liệt, nay là Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội (quê mẹ). Theo Đăng khoa học bổ dị, từ 14, ông thi đậu Thái học sinh (tương đương tiến sỹ) nhưng không ra làm quan. Ông mở trường dạy học trên một cánh đồng tại làng Huỳnh Cung, giáp với thôn Văn. Tài đức của Chu Văn An đến tai nhà Vua. Trần Minh Tông (1300 - 1357) mời ông ra làm tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám (như phó giám đốc trường đại học) và dạy thái tử học. Thái tử Vượng lúc đó mới khoảng 5 - 6 tuổi. Cho nên ông giảng dạy ở Quốc Tử Giám là chính. 10 tuổi, Thái tử Vượng lên ngôi (Trần Hiếu Tông). Vượng mất, Dụ Tông (1336 - 1369) lên nối ngôi khi mới 8 tuổi. Minh Tông vẫn làm Thượng hoàng đến năm 1457 thì mất, chính sự từ đó đổ nát. Dụ Tông trở nên hư đốn, suốt ngày cờ bạc, rượu chè. Chu Văn An nhiều lần khuyên can nhưng không được. Ông dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần. Dụ Tông không nghe. Ông bèn trả lại áo mũ, từ quan về quê. Chu Văn An ở nhà ít lâu, rồi đi chơi đây đó. Đến vùng Chí Linh, Hải Dương, thấy thắng cảnh đẹp, ông liền dựng nhà ở núi Phượng Hoàng, thuộc làng Kiệt Đắc. Ông lấy hiệu là Tiều Ấn và mở trường dạy học, sống một cuộc đời thanh đạm. Chu Văn An mất vào khoảng cuối tháng 11/1370, thọ 78 tuổi (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Bài, ảnh: Phương Chi

Mới nhất

x
Đường Chu Văn An: Một nét duyên thầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO