Dương Huy, nhà thơ của thiếu nhi

02/06/2014 15:33

(Baonghean) - Với lũ trẻ phải bế ăn rong dọc con đường Phong Định Cảng nơi phố Vinh của ông, thì Dương Huy là một “ông già kỳ dị” luôn biết cách làm cho chúng thú vị để “há mồm to” “nuốt nhanh”. Đối với những người hàng xóm quanh số nhà 196 ấy, thì Dương Huy là “ông lão đi bộ” giản dị, có phần xuềnh xoàng, nhưng đầy hóm hỉnh. Đối với chúng tôi, những người làm báo Nghệ An, thì người đồng nghiệp, người cha, người chú Dương Huy gần gũi, thiết thân. Ông không chỉ là nhà báo thế hệ đầu tiên của báo Nghệ An mà còn là một nhà thơ viết cho thiếu nhi nổi danh.

Nhà thơ Dương Huy
Nhà thơ Dương Huy

Dương Huy - nhà thơ tuổi 76, có thể vẫn lướt web hàng ngày, có máy tính phục vụ nhưng vẫn thích viết tay những bài báo, bài thơ để gửi đến các tòa soạn. Mấy năm nay, ông bỏ hẳn xe đạp để trở thành “ông già đi bộ” trên vỉa hè phố Vinh. Cứ ngỡ rằng ông chậm rãi và thảnh thơi, vậy mà thông tin trong nước, thế giới cập nhật không sót, các tiểu phẩm, thơ châm của ông nóng hổi tính thời sự…

Và trò chuyện cùng ông, mới thấy, ẩn sâu trong cái con người gầy gò, trầm tĩnh kia là bao nhiêu trẻ trung, tinh nghịch. “Không tinh nghịch làm sao có thể viết cho thế giới trẻ thơ”- ông cười xòa nói vậy rồi đọc cho tôi nghe một bài thơ “minh họa”, bài thơ mà rất nhiều cháu thiếu nhi thích thú, thuộc làu: “Trong dãy số tự nhiên/ Số 0 vốn tinh nghịch/ Cậu ta tròn núc ních/ Nhưng nghèo chẳng có gì/ Thêm đuôi bỗng phát phì/ Số 0 thành số 9/ Treo ngược lên mà đếm/ Số 9 rơi mất ba / Chơi chồng nụ chồng hoa/ Hai số 0 thành 8/ Chống gậy đi thăm bạn/ Số 0 hóa số 10”.

Dương Huy nói, ông có rất nhiều “danh hiệu”, nhiều “chức”, nếu để nhận kỷ niệm chương thì cũng kha khá, nào là hội viên sáng lập của Hội Văn nghệ tỉnh nhà, là Ủy viên BCH Hội khóa đầu, là một trong thế hệ đầu của Báo Nghệ Tĩnh, Bí thư Chi đoàn đầu tiên của báo, rồi Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam… Trong sáng tác, ông cũng có nhiều sở trường, nào ca dao những năm chống Mỹ, nào làm thơ châm biếm, nào viết tiểu phẩm, nào thơ thiếu nhi… Va vấp đến từ chữ nghĩa cũng nhiều, có những lần bị kỷ luật, bị dọa dẫm vì… thơ châm biếm. Nhưng “danh hiệu” cao quý nhất của ông, điều khiến ông tự hào nhất là “nhà thơ của thiếu nhi”. Và cũng chính thơ thiếu nhi đã đưa ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1983.

Một số tác phẩm thơ của nhà thơ Dương Huy.
Một số tác phẩm thơ của nhà thơ Dương Huy.

Vậy mà, ông bắt đầu với thơ thiếu nhi muộn hơn cả so với những “mảng” đề tài, thể loại khác của mình. Dương Huy kể rằng, ông đã bắt đầu con đường văn chương của mình bằng…ca dao. Ấy là năm ông ở quê, làm Đoàn trong Văn phòng Ủy ban xã. 16 tuổi, Dương Huy đã sáng tác những bài ca dao cổ vũ phong trào sản xuất, động viên bà con trong hợp tác xã. Năm 1957, ông được đi dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ nhất. Đó cũng là lần một anh nhà quê nông dân chính gốc được gặp gỡ, ở cùng với những tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Khải, Chế Lan Viên…

Ông nói rằng, không phải ngẫu nhiên mà ông biết sáng tác. Dương Huy sinh ra trong gia đình mà cha là ông đồ chuyên đi dạy học và rất hay làm thơ. Mẹ là người phụ nữ chăm nghề canh cửi, không biết làm thơ nhưng lại thuộc rất nhiều thơ. Đặc biệt, cái xóm Điếm nhỏ bé của làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu của ông là quê hương của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương và nhiều người làm thơ tài hoa khác, là xóm có nhiều tên tuổi khoa bảng nức tiếng. Ông kể, nhà mình, cũng như nhiều nhà khác trong xóm, các cụ hay ngồi với nhau bàn luận chuyện thơ văn, thế sự, lũ trẻ cũng chạy ra chạy vào vừa hò hét trêu nhau, vừa bắt chước… làm thơ. Bắt đầu là những bài thơ nghịch ngợm đùa nhau “đứa này mồm loe, đứa kia răng sún”.

Cái ngộ nghịch, nét trào lộng cũng “ngấm” vào ông từ ngày ấy. Sau này, khi đã trưởng thành trong sáng tác, biết đến nhiều những “thủ pháp nghệ thuật”, thì ông vẫn nhớ bài ca dao rất “ngây thơ, chân chất” của mình viết những năm chống Mỹ: “Bác Hồ đã dạy chúng ta/ Còn Mỹ còn đánh chẳng tha một thằng/ Chúng ta hứa với Bác rằng/ Còn Mỹ còn đánh, một thằng chẳng tha”. Với bài ca dao này, ông cũng đã có kỷ niệm khó quên với nó. Ấy là lần ông về công tác tại Báo Nghệ Tĩnh, lần đi xuống cơ sở cũng là đất Quỳnh Lưu quê ông, gặp một trận bom giữa đường. Khi trận bom ngừng, trên một bức tường đổ, ông đã thấy “bài thơ” của mình còn vẹn nguyên được kẻ vẽ nắn nót. Lúc đó, ông đã rất xúc động…

Sau này, người ta nhắc đến ca dao của Dương Huy, nói rằng ông chỉ “đứng sau Trần Hữu Thung” mà thôi. Rồi từ ca dao, đến thơ châm, đến “To nhỏ bảo nhau”- một chuyên mục đặc biệt “phê và tự phê” trên báo Nghệ An ngày đó, mãi tới năm 1977, Dương Huy mới bước chân vào địa hạt thơ thiếu nhi. Ngày ấy, ông được cử vào Thành phố Hồ Chí Minh theo học Trường Tuyên giáo Trung ương 3. Nỗi nhớ các con ngoài Bắc, cộng với bản tính yêu trẻ, lại có thời gian rảnh rỗi trong khi thấy không khí làm báo trong Nam sôi sục, Dương Huy tập viết cho thiếu nhi để gửi các báo. Sau khi học xong, ông ra Bắc tham dự cuộc thi viết cho nhi đồng do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn phát động đã đoạt giải, cái tên Dương Huy đã được chú ý và biết tới ở mảng thơ thiếu nhi.

Ông nói, ông đến với thế giới trẻ thơ bắt đầu bằng nỗi nhớ thương con mình và nỗi nhớ chính tuổi thơ của mình nữa. Những đứa con ông, suốt thời tuổi nhỏ của chúng, ít khi được sống cùng bố, ít khi được ông bế ẵm và chăm sóc vì chúng theo mẹ đi sơ tán, còn ông phải bám trụ tại cơ quan, rồi đi học, đi công tác… Ông viết cho con, cũng còn để viết cho mình. Cho nỗi hoài nhớ về xóm Điếm, đã chứng kiến tuổi thơ khốn khó mà đầy nghịch ngợm, trong trẻo mà dữ dội của ông. Nơi ấy, có cậu bé đói cơm, cha đi dạy học xa nhà, đã chạy khắp đồng gần, đồng xa kiếm con cá con tép, mót hạt lúa, củ khoai giúp thêm với mẹ. Nơi ấy, có người mẹ đêm đêm thắp lên ngọn đèn dầu lạc, để mẹ dệt vải còn con học bài.

Mẹ ngồi dệt thâu đêm, cất tiếng ngâm thơ, cất tiếng hát mà tránh cơn buồn ngủ, cũng là để nhắc mình vững vàng khí tiết. Sau này, Dương Huy giật mình nhận ra, mẹ ông đã đọc thơ Bác Hồ và những vần thơ cách mạng từ ngày đó. Vì thế chăng mà bà đã vượt qua 2 năm tra tấn đòn roi của kẻ thù (mẹ nhà thơ Dương Huy là người phụ nữ Quỳnh Lưu đầu tiên bị giặc Pháp bỏ tù, là lão thành cách mạng 30-31). Lời hát, giọng ngâm nga của bà, cho đến giờ vẫn chìm trong ký ức của ông. Mỗi khi nó vang lên, ông lại thấy mình là cậu bé năm nào, ngồi bên ngọn đèn dầu lạc…

Khi Dương Huy hơn 10 tuổi, mẹ ông mất. Ông trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ, khốn khó đến phải đi ở để sống. Thế nhưng, ông luôn biết ơn tuổi thơ khốn khó ấy. Cái nỗi buồn đau của trẻ thơ, sao với ông, nó vẫn trong trẻo làm vậy? 5 anh em ông dắt díu nhau mà lớn lên, để đến giờ đây, người mất, người còn, người đã thành liệt sỹ (nhưng sống mãi trong thơ ông). Ông nói rằng, chính là bài thơ được chọn dạy trong sách giáo khoa lớp 3 của ông viết về hoàn cảnh nhà mình, về người em liệt sỹ chưa tìm thấy mộ: “Chú ở đâu, ở đâu?/ Trường Sơn dài dằng dặc/Trường Sa đảo nổi chìm/ Hay Kon Tum, Đắc Lắc?/ Mẹ đỏ hoa dụi mắt/ Ba ngước lên bàn thờ/ Đất nước không còn giặc/Chú ở bên Bác Hồ”.

Dương Huy nói, ông viết thơ cho thiếu nhi không khó. Mà đừng khó khăn khi viết cho các em. Hãy để tất cả những cảm nhận hồn nhiên nhất lên tiếng, đừng bận mải suy nghĩ phải giáo huấn, phải lồng ghép “bài học” vào đó. Từ làm thơ cho thiếu nhi, ông đâm say mê quan sát thế giới của các em. Hãy thử đọc một bài thơ được tuyển chọn vào sách giáo khoa lớp 1 của ông, bài “Thuyền ngủ bãi”: “Bác thuyền ngủ cũng lạ/ Chẳng chịu trèo lên giường/ Úp mặt xuống cát vàng/ Nghiêng tai về phía biển”. Quan sát say mê chưa đủ, phải là đầy tinh tế, đầy yêu thương, đầy ngộ nghĩnh, phải chính là các em nữa, mới có thể cảm nhận được “bác thuyền” như vậy. Đó cũng chính là nét độc đáo của ông và của thơ ông.

Với Dương Huy, cuộc sống xung quanh trong con mắt trẻ thơ luôn mới mẻ, hấp dẫn, luôn gợi tò mò. Vì thế mà trẻ con hay hỏi: “Tuổi thì ở đâu?” (Con dê ngắt lộc/ Tuổi treo trên cằm/ Con lợn hay nằm/ Tuổi ôm trước bụng). “Mùa xuân thì màu gì?” (Mùa xuân khoác màu xanh/ Khi ra đồng thăm lúa/Mùa xuân đỏ màu lửa/Khi thắp sáng nụ đào). Và Dương Huy, “ông già đi bộ” mà người phố Vinh vẫn hay gặp thường ngày ấy, đã mở ra thế giới hồn nhiên ấy cho chúng ta thấy, cho chúng ta soi lại chính mình bằng những tập thơ cho tuổi thơ: “Chùm nhãn ngọt” (in chung với nhà thơ Lê Duy Phương), “Số 0 tinh nghịch”, “Tuổi ở đâu?”, “Đá bóng trong nhà”, “Ba con chuột”, “Mùa xuân màu gì?”...

Tôi cứ nghĩ, nếu không có một Dương Huy ngộ nghĩnh như vậy trong thơ, thì thơ dành cho các em sẽ thật thiếu vắng cũng như không có “ông già đi bộ” trên vỉa hè phố Vinh kia, lũ trẻ biếng ăn kia sẽ buồn biết mấy…

Bài, ảnh: Thùy Vinh

Mới nhất
x
Dương Huy, nhà thơ của thiếu nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO