Đường Kim Liên - Tiềm năng phố mới
(Baonghean) - Đường chưa kịp có cái sầm uất phố xá và cũng không có cảm giác gợi mở một dặm dài thiên lý huyết mạch. Nhưng khi đọc tên đường, thì lữ khách lạ, quen hẳn đều muốn cảm nhận cảnh sắc đường này. Đó là đường Kim Liên của Thành phố Vinh…
Đường Kim Liên (TP. Vinh). |
Dài khoảng một cây số, đường Kim Liên nằm trọn trên địa bàn xã ven đô Hưng Chính của TP. Vinh, nối đường Nguyễn Sinh Sắc từ cầu Đước lên đến cầu Ma ranh giới với huyện Hưng Nguyên. Kể từ khi thực dân Pháp mở con lộ 49 rải nhựa nhằm phục vụ chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ hai (1914), thì đường đã hai lần được Nhà nước ta điều chỉnh để có kiến thiết như bây giờ. Lần đầu vào năm 1990, đường được bẻ nắn ra hẳn khỏi trục đường cũ, khánh thành chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; lần thứ hai là vào năm 2000, mở ra 4 làn xe chạy thành quãng giao thông ngoại ô (khi đó Hưng Chính vẫn còn thuộc Hưng Nguyên) mở đầu của tuyến Quốc lộ 46 nối TP. Vinh với đường Hồ Chí Minh phía Tây Nam Nghệ An. Việc đặt giải phân cách 2 chiều, dựng cột đèn đường và có quy hoạch phố là từ khi Hưng Chính được cắt nhập về TP. Vinh (2008) và gắn biển tên Kim Liên chỉ vài năm lại đây khi cơ quan đô thị quyết định phân đoạn ra của đường Nguyễn Sinh Sắc.
Khi tôi nói lữ khách qua đây khi đọc tên đường sẽ buộc phải có sự “tò mò phố”, trước hết là vì phố mang tên gọi làng quê Bác Hồ (Kim Liên – làng Sen), sau là bởi từ lời anh cán bộ văn hóa xã Hưng Chính, rằng nay mai nhất định đường này sẽ thành phố dịch vụ “trung chuyển” cho tuyến du lịch Vinh – Kim Liên. Với quy hoạch, cơ cấu đô thị còn cái ngập ngừng, thì hẳn trên tuyến phố này sẽ có cơ hội để thay thế, nở rộ những dịch vụ phục vụ khách du lịch lưu trú ở Vinh lên Kim Liên hay từ Kim Liên trở về Vinh. Nghĩa là phát triển với một phong cách chuyên biệt các hàng ẩm thực sáng và chiều, các gian hàng lưu niệm chuyên doanh để tạo một không gian mua sắm ngoại ô chẳng hạn… Trên đường bây giờ có quán cháo, xúp lươn đồng bán ăn sáng, cách chế biến và phục vụ có cái riêng, hút khách sành ăn bốn phía Vinh lên. Đặc biệt, quán đã gây được tiếng tăm, nhiều du khách cả nước về lưu trú ở Vinh đều tìm đến.
Bước chân “tò mò phố” của tôi đã lần tìm đến nhà cụ Nguyễn Văn Quỵ, 84 tuổi, ở xóm 3 Hưng Chính - nguồn tư liệu sống duy nhất hiểu về mấy thời cách mạng diễn ra trên con đường này. Cụ cất tiếng khóc chào đời khi tiếng trống ngũ liên thúc giục nông dân Hưng Nguyên kéo về phủ lỵ đấu tranh cách mạng ở phong trào Xô Viết 12 tháng 9 năm 1930. Lên 11 tuổi cụ mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông chú không chịu được mắng chửi, cụ bỏ về cắm 4 cọc tre dựng căn lều lá sinh sống ngay cạnh dinh cơ phủ lỵ Hương Nguyên đóng trên xóm nghèo Chính Đức (tức xóm 3 và xóm 4 Hưng Chính nay). Đứa bé mồ côi ấy quanh năm manh áo cánh cộc rách vá, chuyên đi gánh thuê và mót khoai chống đói mà cũng lần hồi có chữ, lớn lên tham gia cách mạng, trở thành kế toán trưởng của xã nhiều năm liền, và từng tham gia nhiều quyết sách của địa phương thời kỳ Hưng Chính cũng như bao xã miền Bắc khác là hậu phương lớn chống Mỹ. Theo cụ Quỵ, thì phủ đường Hưng Nguyên đóng ngay trên chợ Đước mới bây giờ. Thời điểm tổng khởi nghĩa Cánh mạng tháng Tám, quanh phủ lố nhố quân Nhật rồi quân “Tàu thụng” (quân đội Tưởng Giới Thạch mặc quần thụng quấn xà cạp) thua trận chạy dạt về. Quân “Tàu thụng” quả là lũ ô hợp, không lương thực tiếp viện nên đói quá làm càn, thường trộm cắp, cướp giật của dân, nhiều đứa chết đói được đồng bọn lấp vội dưới rậm tre bìa làng mép sông Đước...
Phủ đường Hưng Nguyên tòa ngang dãy dọc sau bao biến cố nay còn sót lại cái giếng phủ nằm trong đình sau ở chợ Đước. Giếng phủ được đổ nắp bê – tông, lắp chiếc máy bơm nhỏ cho các chị, các bà hàng thịt lấy nước dùng. Nhưng theo như cụ Quỵ, thì không thấy tiếc cái huyện đường ấy, mà chỉ thấy tiếc những ngôi đình, đền, chùa linh thiêng mà nay có cái dù đã được tôn tạo, thì cũng mất đi nét tâm linh trong hồn người, hồn đất. Đình chợ Đước kiến trúc to đẹp nổi tiếng, trước nằm sát mặt Nam đường Kim Liên bây giờ, là nơi thờ thần hoàng làng Chính Đức xưa. Nay đình không còn, nhưng ảnh hưởng của văn hóa đình ấy hiện vẫn thấy ở những nếp sinh hoạt của một số cư dân “gốc” ở hai bên đường. Cũng bên mặt Nam, còn có đền Kim Mã từng gắn với lễ hội rất náo nhiệt thờ 2 vị thánh họ Võ và một nàng công chúa (không rõ họ tên nhưng mộ của nàng còn ở xã Xuân Hòa – Nam Đàn), nhiều người dân đang giữ các sắc phong của đền này; nhà đền bị dỡ bỏ, nhưng hiện vẫn còn tam quan với những câu chuyện tâm linh lan truyền…
Chùa Yên Lạc (còn được nhân dân gọi là đền Đước) nằm ngay sát mép phía Bắc mặt đường Kim Liên, xưa cổ kính trong một khuôn viên rộng trồng nhiều cây lộc vừng cổ thụ, là nơi thuở hoa niên cụ Quỵ và chúng bạn thường đến tụ tập vui chơi. Chùa này được xây dựng hơn 200 năm trước, ban đầu là tranh tre, sau nhân dân công đức được tu sửa khang trang dần như hiện nay, chùa thường xuyên được bà con trong vùng đến hương khói, gửi gắm tâm linh vào các ngày sóc, vọng…
Đường Kim Liên bây giờ có đoạn uốn cong bắt đầu từ chợ Đước, là bởi xưa khi người Pháp làm đường chạy qua phủ Hưng Nguyên, đến đây gặp nhà thờ họ và cơ ngơi của ông cai Nhạ nhà địa chủ, không “giải phóng mặt bằng” được vì ông Nhạ đút lót nhiều tiền, bèn mở né hẳn sang phía Nam. Sau này dân cư ở dày, đường nắn mãi cũng chỉ “thẳng” được như bây giờ. Ông cai Nhạ vốn hậu duệ của cụ Nguyễn Đình Lâm - con trai Cương Quốc công Nguyễn Xí, được cho về khai khẩn lập ấp ở đây. Ngôi nhà thờ họ mấy trăm năm tuổi, nay vẫn được con cháu gìn giữ tôn nghiêm ngay sát lề đường Kim Liên. Và cụ Quỵ, dù chi nhánh đổi sang Nguyễn Văn, nhưng chính là con cháu nội thân trong dòng Nguyễn Đình ở Hưng Chính…
Dù chưa có cái sầm uất của phố xá hiện đại, nhưng đường Kim Liên đang dần được người nơi khác về thuê ki-ốt, nhà mặt tiền để mở mang, du nhập dịch vụ, ngành nghề, có cả mộc mỹ nghệ cao cấp, cơ khí tinh xảo và hàng điện tử, công nghệ thông tin mô-đen…
Đến với những di tích, dẫn tích dày dặn của đất tổng Yên Đô cận đất Yên Trường trấn Vinh xưa như: Nghè (nơi thờ tự), Đước thờ một vị công thần đầu triều Lê Trung hưng, đền Thần nông, chùa Yên Lạc, đền Kẻ Tráo, Kim Mã… mà mường tượng rằng, thật thú vị khi những tay thợ lành nghề trong những hàng mộc, cơ khí, điện tử ấy, nay mai biết đâu là những chủ hàng lưu niệm với những sản phẩm tinh xảo, đậm nét văn hóa xứ Nghệ hút khách du lịch; góp phần làm nên một phố Kim Liên có vai trò dịch vụ “trung chuyển” cho tuyến di lịch Vinh – Kim Liên, Nam Đàn quê Bác. Vâng, biết đâu!
Kim Liên là tên một xã đồng bằng của huyện Nam Đàn; diện tích tự nhiên 1.522 ha, dân cư 3.200 hộ và 13.000 nhân khẩu. Xã Kim Liên được huyện Nam Đàn chọn là 1 trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới, dự kiến là xã đầu tiên của huyện hoàn thành tiêu chí nông thôn mới (giai đoạn 1) trong năm 2014 này. Thời phong kiến, không gian Kim Liên cơ bản thuộc xã Chung Cự của tổng Lâm Thịnh. Tên xã Kim Liên ngày nay đặt theo tên làng Kim Liên (tức làng Sen bên nội Chủ tịch Hồ Chí Minh). Hiện nay xã Kim Liên được biết đến nhiều với các di tích, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là trọng điểm của Khu di tích Kim Liên đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Thành phố Vinh là địa phương đầu tiên trong cả nước lấy tên xã Kim Liên để đặt tên đường. |
Đình Sâm