Đường miền Tây mở ra cơ hội phát triển

27/12/2014 09:44

(Baonghean) - Tuyến đường Tây Nghệ An được thi công từ năm 2010, đến nay chỉ mới làm xong phần nền đường nhưng đã góp phần đắc lực trong việc giúp dân bản của các xã biên giới gồm 3 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong từng bước vươn lên thoát nghèo.

Từ khi đường Tây Nghệ An đoạn đi qua xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn được nhựa hóa với gần 30 km nối đến Thị trấn Mường Xén, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây ngày càng khởi sắc. Anh Hờ Giống Xanh ở bản Huồi Đun tâm sự: “Trước đây tuyến đường này lầy lội, đi xe máy ra Thị trấn Mường Xén mất cả ngày, thì nay chỉ mất hơn 30 phút là tới nơi. Có đường, gia đình tôi vay mượn trên 200 triệu đồng để mua ô tô làm dịch vụ chuyên chở nguyên vật liệu cho bà con xây nhà, vận chuyển cả bí xanh, khoai sọ ra thị trấn tiêu thụ cho bà con…”. Tại bản Huồi Đun, trung tâm của xã Huồi Tụ bây giờ hàng quán mọc lên sầm uất, không chỉ phục vụ bà con trong xã, mà còn phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho cả các xã lân cận như Mỹ Lý, Mường Lống, Keng Đu, Đoọc Mạy…

Tuyến đường Tây Nghệ An đoạn qua xã Nhôn Mai (Tương Dương) đã thông xe.
Tuyến đường Tây Nghệ An đoạn qua xã Nhôn Mai (Tương Dương) cơm bản đã thông xe.

Đối với bản Phà Xắc, trước đây bà con trồng được khá nhiều ngô, bí xanh, khoai sọ, nhưng đến mùa tiêu thụ lại “tắc” đầu ra do tư thương ngán ngẩm phải vào con đường “đau khổ” để thu mua. Nay có đường chạy qua bản, ngô, bí xanh, khoai sọ đều tiêu thụ hết. “Năm tới gia đình tôi còn mở thêm diện tích để trồng bí xanh và ngô”- đó là tâm sự của ông Cự Phái Đà trước đổi thay của quê hương mình. Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, ông Lỳ Chia Chư không giấu nổi niềm vui: Tuyến đường Huồi Tụ - Mường Xén trước đây chỉ sử dụng được vào mùa khô, bây giờ thì mưa, nắng đều có thể giao lưu, buôn bán hàng hóa. Tuyến đường Tây Nghệ An giúp Huồi Tụ từng bước vươn lên thoát nghèo. Năm 2010, đàn bò của xã có chưa đầy 2.000 con, thì năm 2014 có trên 5.000, gần 100 ha ngô, 15 ha bí, 10 ha khoai sọ… Từ khi đường Tây Nghệ An đi qua, Huồi Tụ đã có điều kiện để vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng, như xây dựng mới hệ thống trường THCS và trường tiểu học cao tầng, trạm y tế, mới đây Huồi Tụ còn được đón dòng điện lưới.

Vượt qua những cung đường thi công dang dở, chúng tôi đến được xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Nhôn Mai là xã biên giới Việt - Lào, cách xa trung tâm huyện Tương Dương trên 100 km. Để giao thương với bên ngoài, trước đây, cán bộ và người dân Nhôn Mai chỉ có con đường duy nhất là đi xuồng qua lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, và phải chịu cước phí từ 120.000 - 150.000 đồng/chuyến. Khó khăn đó dẫn đến xã không chợ, sản phẩm nông sản, chăn nuôi lợn, gà, bò của bà con chăn nuôi, sản xuất được rất khó tiêu thụ; cuộc sống của người dân Nhôn Mai bao năm qua bị trói buộc trong đói nghèo, lạc hậu. Giờ đây, đường Tây Nghệ An đi qua địa bàn, Nhôn Mai lần đầu tiên có đường giao thông.

Anh Nguyễn Đức Nam, công nhân lái máy đào thi công trên tuyến đường Tây Nghệ An, cho biết: “Khi máy xúc thi công đoạn qua xã Nhôn Mai, bà con các bản lân cận ở Na Hỉ bỏ mọi công việc ra coi cái “cục sắt” biết “ngoạm” đất. Họ vui vì biết thông tin có đường giao thông đi qua xã…”. Do không có đường giao thông, đi lại chủ yếu bằng xuồng trên sông, nên những năm trước đây cả xã Nhôn Mai không có xe đạp, xe máy. Nay trở lại Nhôn Mai, chúng tôi thấy xe máy chạy qua cầu treo Na Hỉ, hàng quán mọc san sát trung tâm xã.

Chị Lô Thị Lam ở bản Nhôn Mai nói: “Trước đây đi lấy hàng nhu yếu phẩm bằng xuồng theo sông Nậm Nơn về Thị trấn Hòa Bình - Tương Dương (cả đường thủy lẫn đường bộ gần 100 km), rất vất vả. Nay phóng xe máy đi đường Tây Nghệ An sang xã Tri Lễ của huyện Quế Phong lấy hàng chỉ có 60 km, vừa gần, vừa đỡ tốn kém kinh phí”. Còn anh Lương Văn Minh, người chăn nuôi giỏi ở bản Xa Mạt cho hay: “Khổ nhất là mỗi lần bán trâu, bò, lợn, người dân Nhôn Mai phải “đóng bè” để chở trâu, bò xuôi dòng Nậm Nơn về Thị trấn Hòa Bình, nay tư thương từ Tri Lễ (Quế Phong), Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) đánh xe vào tận Nhôn Mai để mua trâu, bò rất thuận lợi”.

Mặc dù mới chỉ mới thông tuyến, chủ yếu là nền đường đất, nhưng tuyến đường này đã rất hữu ích để giúp bà con phát triển kinh tế. Từ chỗ sản phẩm khó tiêu thụ, đến nay bà con Nhôn Mai đã bắt đầu có thói quen sản xuất hàng hóa. Những năm 2009, toàn xã chỉ có khoảng trên 300 con trâu bò, nay toàn xã có trên 2.000 trâu, bò, một số hộ đã mạnh dạn chăn nuôi theo hướng hàng hóa như anh Lương Văn Thuyên ở bản Xà Mạt nuôi trên 10 con bò. Nhiều gia đình còn đầu tư chăn nuôi lợn đen truyền thống để bán cho các thương lái phục vụ dịp lễ, Tết... Nhôn Mai còn tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên với thời tiết, khí hậu mát quanh năm, thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng các loại cây có giá trị cao như khoai sọ, quy hoạch hàng trăm ha đất trồng rừng nguyên liệu tập trung.

Tuyến đường Tây Nghệ An dài 186 km đi qua 3 huyện kết thúc điểm cuối là xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, dự định đến 30/6/2015 sẽ hoàn thành đổ nhựa và đưa vào sử dụng, ô tô và các phương tiện có thể đi qua 3 huyện rẻo cao này chỉ mất chừng khoảng 2 giờ đồng hồ. Điều quan trọng là tuyến đường Tây Nghệ An sẽ được nâng lên thành Quốc lộ, nối trực tiếp với tỉnh Thanh Hóa, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn mở ra một bức tranh tươi sáng cho việc phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trên dọc biên giới phía Tây của Nghệ An. Như vậy, tuyến đường này không chỉ đáp ứng về mong muốn là có “đường đi, lối lại” của đồng bào, mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới…

Bài, ảnh: Văn Trường

Đường miền Tây mở ra cơ hội phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO