Đường Nguyễn Duy Trinh - Phố lưu hào khí cách mạng

10/08/2014 10:28

(Baonghean) - Đường có tuổi trăm năm, nay đang được chính quyền địa phương và cư dân cũ - mới sinh sống ở đây không ngừng góp sức xây dựng nên một nhịp phố mới sôi động mà vẫn lưu giữ hồn cốt của một tuyến đường nội đô Vinh, gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng. Ấy, là đường Nguyễn Duy Trinh…

Đường Nguyễn Duy Trinh.
Đường Nguyễn Duy Trinh.

Đường Nguyễn Duy Trinh dài khoảng một cây số rưỡi, nằm trọn trên địa bàn phường Hưng Dũng (TP. Vinh). Khi Vinh đang còn là tổng Yên Trường thời Trịnh – Nguyễn phân tranh thì đã có đường này, vừa là lối nhỏ lưu thông xuống bến thuyền sông Lam (Bến Thủy), vừa là con đường cho nông dân đi làm ruộng. Đến thời Pháp thuộc, dân cư đông đúc dần lên, nhưng đường vẫn là lối vắng giữa những vườn cây cối rậm rì. Đường là tuyến giao thông in dấu chân nhiều nhà cách mạng tiền bối về đây xây dựng cơ sở yêu nước, phát động nông dân vùng Yên Dũng (Hưng Dũng ngày nay), làm nên khí thế Làng Đỏ trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930 – 1931). Dần dà, đường được coi là cửa ngõ của vùng Yên Dũng Thượng lưu thông vào trung tâm đô thị Vinh.

Nếu thời kỳ bình minh cách mạng, đường rầm rập bước chân dân cày bền bỉ, anh dũng làm cuộc cách mạng công – nông cho đến ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám (1945), thì trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đường tấp nập lại qua các đơn vị phòng không phối hợp dân quân Làng Đỏ bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần làm nên danh hiệu Anh hùng LLVTND cho phường Dưng Dũng.

Khi Hưng Dũng còn là xã, dân cư vẫn giữ nếp làng, ngày mùa rơm rạ phủ dày đường. Vườn nhà dân khóm tre, bụi chuối, nhà cửa còn cấp 4 lúp xúp. Hơn thập kỷ trước, xã lên phường, hai bên đường có nhiều cư dân mua đất về ở, khối xóm cất lên nhiều nhà cao tầng, đường ngang được đánh số ngõ, nhưng nhiều khi cả ngõ dài thông thống chỉ chạy vào cửa một nhà dân. Cho đến bây giờ, cả đường Nguyễn Duy Trinh cũng chỉ có một cao ốc là khách sạn Sao Đêm 9 tầng, mới xây cất.

Dù đang liên tục được xây dựng các công trình nhà dân và một vài công sở ở hai bên mặt đường, thì đường Nguyễn Duy Trinh vẫn chưa tạo được nhịp phố xá thực sự, trừ khoảng 600 mét đoạn đầu đường bắt đầu từ nơi giao nhau với đường Nguyễn Phong Sắc chạy xuống đến điểm cắt ngang đường Nguyễn Gia Thiều. Quãng này được mở rộng nâng cấp mấy năm gần đây, đã thảm lại nhựa phẳng phiu nhưng cơ bản vẫn chưa có vỉa hè. Tuy vậy, các dịch vụ đã mở ra sôi động như bất cứ con phố lớn nào của thành phố. Không có dịch vụ quy mô lớn và cũng không chuyên doanh mặt hàng nào, nhưng các quầy dịch vụ đã có từ hàng điện lạnh, điện tử cao cấp đến quầy hàng tranh thêu trang nhã, chen vào đó là các shop thời trang, chăm sóc sắc đẹp và không gian cà phê bài trí tươi trẻ, nhẹ nhàng; nhịp bán mua chưa sầm uất nhưng đã tạo được không khí phố xá. Quãng này cây xanh vỉa hè chưa kịp phủ tán cổ thụ, nhưng mặt phố sau khi đường mở rộng nhiều nhà dân đã uốn tỉa giàn cây cảnh kiểu cách, phần nào làm nên nét duyên phố mới.

Cho đến giờ, đường Nguyễn Duy Trinh vẫn là tuyến đường quan trọng của phường Hưng Dũng lưu thông vào trung tâm thành phố, cũng là tuyến đường thu hút khách bởi ngay bên đường có di tích lịch sử - văn hóa đình Trung được tôn tạo lại dẫn tích cho lịch sử phong trào cách mạng hào hùng của người dân Làng Đỏ. Sử sách ghi: Được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh, tháng 9/1930, xã Yên Dũng Thượng tổ chức cuộc mít tinh lớn tại đình Trung, đòi lý trưởng, hào mục nạp con dấu, sổ sách, tài liệu. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, chính quyền phong kiến nơi đây tan rã, chính quyền Xô Viết ra đời với tên gọi “Nóc bát hương” gồm đại diện của tổ chức Nông hội ở 8 thôn. Đình Trung trở thành trụ sở của “Nóc bát hương”. Đình Trung bây giờ đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Thành phố Đỏ anh hùng.

Đình Trung tọa lạc trên đường Nguyễn Duy Trinh.
Đình Trung tọa lạc trên đường Nguyễn Duy Trinh.

Phía cuối đường, quãng từ Nghĩa trang liệt sỹ Làng Đỏ đến điểm kết thúc “bắt” vào đường Nguyễn Viết Xuân, sớm nhộn nhịp nhờ là lối cũ vào Trường ĐHSP Kỹ thuật Vinh (cổng chính của trường nay chuyển sang đường Nguyễn Viết Xuân). Dân cư quãng này đua nhau xây nhà trọ cho sinh viên và mở ki-ốt kinh doanh đủ thứ kèm theo. Nếu nói đến ẩm thực của đường Nguyễn Duy Trinh cũng là ở quãng này, dù chỉ là những thức quà bánh, cháo chè bình dân, sang hơn cũng chỉ là hàng bia hơi chả nướng hay hàng thịt chó. Nhà dân biệt thự hầu hết khuất lấp vào các ngõ, cho những dãy ki-ốt liên tục được xây mới nống ra bám mặt đường, có thể do đường chậm được mở rộng, nâng cấp theo quy hoạch. Khi cổng Trường ĐHSP Kỹ thuật Vinh chưa chuyển dời vị trí mới, đường Nguyễn Duy Trinh cũng là lối vào di tích cách mạng “cây sanh Chùa Nia” được Nhà nước xếp hạng, được bảo tồn trong khuôn viên trường là nơi sinh hoạt truyền thống cho học sinh, sinh viên… Theo đường Nguyễn Duy Trinh thăm cụm di tích đình Trung, khách được dẫn đến các nhà dân còn lưu nhiều dấu tích cũ là những nơi một thời kỳ Xứ ủy Trung kỳ chọn làm nơi in ấn tài liệu cách mạng, che chở các yếu nhân của Đảng, như nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến hiện có giữ lại được ngôi nhà lim tứ trụ, nhà ông Nguyễn Hữu Diên còn lại cây chay lưu niên nơi chôn giấu chum tài liệu.

Còn ngập ngừng nhịp phố xá, nhưng đường Nguyễn Duy Trinh là tuyến phố lưu giữ nhiều dấu ấn các cuộc đấu tranh cách mạng. Bước chân trên mỗi một quãng phố, ngõ xóm trên đường này, là ta đang được nhắc nhớ lại quá khứ đấu tranh hào hùng của một thời kỳ sôi động trong lịch sử dân tộc nói chung và quê hương Nghệ An nói riêng. Thế nên, đường là một sức hút lớn, để không những đà sầm uất lên từng ngày, mà còn nhân lên ý thức trân trọng gìn giữ hồn cốt phố nay giữa lòng không gian Làng Đỏ trung dũng xưa.

Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/7/1910, tại xã Nghi Thọ, huyện Nghi Lộc. Ông tham gia phong trào yêu nước từ năm 1927. Năm 1928, ông vào Đảng Tân Việt - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, và ông hoạt động ở Sài Gòn- Gia Định, bị thực dân Pháp bắt và kết án 18 tháng tù, trục xuất về quê. Năm 1930, Nguyễn Duy Trinh là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau cao trào cách mạng 1930-1931 đến tháng 5/1945, Nguyễn Duy Trinh bị địch bắt và lưu đày qua nhiều nhà tù. Năm 1945, sau khi ra tù, ông tham gia tổ chức khởi nghĩa ở Vinh và Huế; từ đó ông giữ nhiều trọng trách và đóng góp lớn cho cách mạng.

Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nguyễn Duy Trinh được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến năm 1980. Năm 1982, ông được phân công Thường trực Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế- xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ.

Nguyễn Duy Trinh mất ngày 20/4/1985 tại Hà Nội, thọ 75 tuổi. Tên ông được đặt tên đường ở nhiều đô thị trên cả nước.

Đình Sâm

Mới nhất
x
Đường Nguyễn Duy Trinh - Phố lưu hào khí cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO