Đường Phan Bội Châu: Nhộn nhịp những chuyến đi, về

(Baonghean) - Có lẽ ít có con đường nào trở nên thân thuộc, chở nặng những nhớ thương như đường Phan Bội Châu (TP. Vinh). Người dân phố thị dường như ít nhắc đến tên đường, mà vẫn thường gọi giản dị là “đường ra ga tàu”, “đường chợ Ga”. Có lẽ những người đã từng đi trên con đường này ra ga Vinh, đều mang trong mình một nỗi niềm khó tả: người mẹ chở con lần đầu tiên xa nhà học đại học, trên đường là những dặn dò và lo lắng; người thương yêu chở nhau thật chậm, tay nắm bàn tay như ước muốn cái đích ga thật xa, thật lâu…

Đường Phan Bội Châu là nét sổ dài nối những giao lộ lớn: một mặt nối nét ngang Trường Chinh - Lệ Ninh, một mặt nối những Lê Lợi - Mai Hắc Đế - Nguyễn Sỹ Sách. Con đường dài chỉ ngót nghét cây số ấy cũng gánh trên mình lắm câu chuyện của những thân phận mưu sinh. Từ những sôi động phố phường, rẽ xe vào Phan Bội Châu, đập ngay vào mắt là hàng dãy cửa hàng bán vật liệu xây dựng, tôn thép xà gồ… Và ngồi rải rác hai bên đường là những chiếc xích lô cũ kỹ mà trên đó, người chủ nhân bao giờ cũng ở thế gác chân chờ khách, một sự chờ đợi nhẫn nại. Những chiếc xích lô đã luống tuổi ấy, một thời từng là phương tiện hữu hiệu và quen thuộc của nhiều hành khách ga Vinh và các bà, các chị chợ Ga. Nay, xe máy, taxi đã nhanh chân “xí phần” phục vụ, những người đạp xích lô hai bên đường Phan Bội Châu, lớp này thay lớp khác, dẫu đã thưa vắng lắm những mối khách hàng, vẫn bám trụ con đường này như một sự quen thuộc, một kế mưu sinh qua ngày.
Đường Phan Bội Châu đoạn dẫn vào ga Vinh.
Đường Phan Bội Châu đoạn dẫn vào ga Vinh.
Tuyến đường ấy, trong tâm tưởng thị dân lớp cũ, qua bao biến đổi, thăng trầm của thời gian, dẫu đã mọc lên không ít những khách sạn, nhà hàng sáng đèn nhấp nháy, thì vẫn còn đó, trên tất cả những phù hoa mới mẻ là nỗi niềm hoài cổ. Đằng sau hầu hết các công trình hiện đại vẫn còn là những ki ốt cũ kỹ, những ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc xây dựng của thập niên 80, 90, và người già của phố, sáng sáng chiều chiều, khi những ồn ã mưu sinh đã tạm lắng xuống, vẫn cần mẫn khoác bộ nâu sồng, tản bộ dọc theo lối vỉa hè lởm chởm những hàng quán. Có tin được không khi một ngày nọ, chạy xe trên đường ra ga, chợt thấy một… đàn bò thủng thẳng gặm cỏ bên vỉa hè! Ngỡ ngàng đến độ phanh kít chiếc xe, cô bạn thân ngồi sau giật áo: “Có gì lạ đâu, mình gặp cảnh này mấy lần rồi”. Mấy chị chở con nhỏ phía trước cũng chịu khó quay đầu xe cho con có cơ hội nhìn ngắm nét quê kiểng, dẫu có phần khập khiễng và mất an toàn giao thông đô thị, nhưng thương lắm nét hồn nhiên của những đứa trẻ không sinh ra ở làng.
Con đường Phan Bội Châu là tổng hòa của hiện đại và cũ kỹ, trẻ trung và già cỗi, hợp điệu và lạc điệu. Đó là ý kiến của những người yêu phố, và không phải không có lý bởi trên con đường ấy, có sự hiện diện của mái trường THPT Hà Huy Tập, thường ngày không vắng những tiếng reo đùa của lớp học sinh. Trường Hà nổi tiếng với các cuộc thi người đẹp, nên lạ gì đâu khi giờ tan trường, ào ào xe đạp điện lao ra là phấp phới những tà áo dài đẹp đẽ, những khuôn mặt trăng rằm sáng ngọt, không ít lần làm ngẩn ngơ khách qua đường. Cũng gần như đồng thời là giờ tan chợ Ga, khoảng vào tầm trưa, những chuyến xe Cup tháo yếm xộc xệch, quàng vắt sau yên cao ngất ngểu là những gánh, mẹt, thúng, mủng. Nào là cá tôm, nào là rau củ… và người chở dường như bao giờ cũng là phụ nữ - những người phụ nữ không có riêng cho mình một phút giây phô phang nét mềm mại trên khuôn mặt, lúc nào cũng là khẩu trang kín mít, ủng nhựa cao sát gối, quần áo lao động bạc xanh hoặc áo mưa bộ lầm lũi những ngày mưa. 
Thế nhưng, nhắc đến đường Phan Bội Châu, những đi - về nhộn nhịp, vội vã và lưu luyến của những con tàu chắc hẳn là điều thân quen nhất. Dẫu xét trên bản đồ, Ga Vinh không phải “sở hữu” của đường Phan Bội Châu, mà nằm trên con đường Lệ Ninh. Có sao đâu, bởi khi đã chạm ga, nghĩa là đã đến đích rồi, còn tất cả bao luyến lưu, thương nhớ, dằn vặt, xuyến xao… mọi cung bậc cảm xúc đã có con đường Phan ghi nhận. Làm gì có thống kê nào cụ thể đến mức, xem xem một năm đường Phan Bội Châu đón đưa bao nhiêu người đến với Ga Vinh. Có lẽ những người đã từng đi trên con đường này ra ga, đều mang trong mình một nỗi niềm khó tả: người mẹ chở con lần đầu tiên xa nhà học đại học, trên đường là những dặn dò và lo lắng; người thương yêu chở nhau thật chậm, tay nắm bàn tay như ước muốn cái đích ga thật xa, thật lâu… Trên đường Phan Bội Châu, đã có những chuyến đi lần đầu, cũng là lần cuối.
Định viết về con đường thân quen của phố phường thật ngắn gọn, và gieo những xúc cảm nhẹ nhàng cho một buổi chiều tà vắng hoàng hôn đỏ thẫm, thế mà cái suy tưởng vẫn dẫn lối mê cung. Hay là kết những dòng tản mạn này bằng đôi ba vần thơ đẹp tuyệt của nhà thơ Quách Thoại:
Sáng nay tôi bước ra giữa thị thành
Để nghe phố nói nỗi niềm mới lạ
Tiếng xe tiếng còi tôi nghe đường sá
Cả âm thanh của cuộc sống mọi người
Một nụ cười chạy ẩn giữa môi tươi…
Phương Chi
Phan Bội Châu là một nhà yêu nước lớn, một chí sĩ cách mạng Việt Nam có ý chí tranh đấu, nghĩa khí và hết lòng tận tụy, có đóng góp cực kỳ lớn lao cho sự nghiệp cách mạng dành độc lập của Việt Nam từ tay thực dân Pháp. Ông đã thành lập phong trào Duy Tân Hội (1904) - chủ trương tôn quân và bạo động đánh đổ đô hộ Pháp để khôi phục nền độc lập, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ và khởi xướng phong trào Đông Du (1905) - vận động người trong nước xuất dương qua Trung Hoa, Nhật Bản du học để thâu nhận kiến thức mới của nước ngoài về giúp nước nhà. Ông là một tác giả lớn về thơ và tiểu thuyết, với những bút danh Hải Thu, Sào Nam, Thị Hán, Độc Tỉnh Tử,…

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.