Đường Phong Định Cảng và những cung bậc cảm xúc

02/12/2013 15:01

(Baonghean) - Khi tên phố là tên đất, thì phố đã nói lên cái hồn phố riêng rồi. Sôi động đổi thay từng ngày nơi mặt phố, nhưng vẫn lưu luyến nơi đầu con ngõ nhỏ. Một quãng phố thưa người tạo cho ta chút không gian của làng giữa phố, mà khi nhắc tên lên là hiển hiện trong tâm trí một hào khí lịch sử đấu tranh cách mạng. Ít có con phố nào ở TP. Vinh đưa người ta đến với nhiều cung bậc cảm xúc như phố Phong Định Cảng...

Một quãng phố mới của đường Phong Định Cảng
Một quãng phố mới của đường Phong Định Cảng

TIN LIÊN QUAN

Tên đất Phong Định là tên ghép của làng Phong Toàn và làng Trung Định của phường Hưng Dũng chăng? Dù sao thì vùng ven đô thị Vinh xưa là Yên Dũng Thượng, Yên Dũng Hạ của đất Hưng Dũng đều trong địa danh làng Đỏ cách mạng cả; Cảng Bến Thủy từ thương cảng trấn Nghệ An thời phong kiến đến một bến cảng anh hùng chống Mỹ, thì đất ấy và sự sống luôn lan tỏa một giá trị văn hóa - lịch sử trong lòng người Vinh.

Sử viết: “Mở đầu phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 của hàng ngàn công nông Vinh – Bến Thủy. Xã Yên Dũng Thượng huy động trên 1.200 người, sáng ngày 1/5 hợp nhất với các đoàn nông dân các xã vùng hạ Nghi Lộc lên vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế...”. Bước chân rầm rập của đoàn người tranh đấu ấy, từng cuộn lên bụi đỏ của một lối đi loi thoi giữa đất ruộng hoang là đường Phong Định Cảng nay. Thời chống Mỹ, đường lẫn giữa những trận địa pháo cao xạ và lỗ chỗ hố bom...

Đất thiêng không cần lưu cữu những hình thế thuở sục sôi in son vào lịch sử. Người mọi thời đã, đang gắn bó với đất thiêng chỉ cần hướng thiện là có thể dung dưỡng những tâm thế bình an. Chiêm nghiệm ấy là từ một công dân có phần đặc biệt của phố Phong Định Cảng, nhà thơ Dương Huy. Ông tần ngần đứng trên ban công nhìn cây phượng vĩ ngày đông trụi lá, kể cho tôi nghe về ngày ông và một số hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An về đây dựng lán “lần giở” từng thước đất, di dời hài cốt của người chết đói trong trận đói thế kỷ Ất Dậu 1945, để dựng nhà làm nơi “an cư” mà “lạc” cái nghiệp đầy ưu thời của những tâm hồn nhạy cảm thời thế. Tôi đã bất ngờ vì nơi đường rộng rãi, nhộn nhịp phố nay, chỉ hơn mươi năm trước đang là ruộng hoang, là bãi tha ma hoang vu.

Và cứ nghĩ, phố Phong Định Cảng bây giờ của khu dân cư văn nghệ sỹ Nghệ An với những tên tuổi Thạch Quỳ, Dương Huy, Hoàng Trung, Hải Thọ, Quốc Anh... đã có cái dập dìu tài tử. Một thoáng mặt Đông phố mà cứ sáng sáng ông nhà thơ ấy, ông họa sỹ ấy lắng cái nhạy cảm say sưa nhìn trẻ nhỏ đồng phục thơ ngây, ríu rít đến trường, liệu có hóa giải đi được cái nhọc nhằn thời cuộc không? Lại nhớ bài thơ “Gạch vụn Thành Vinh” của nhà thơ Thạch Quỳ ông viết khi chưa về làm cư dân của phố: “Có thành phố nào như thành phố này không/Chưa thấy nhà cao đã chói lọi sắc hồng/Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn?...”. Phố đang mải miết hôm nay chắc vẫn còn một sắc hồng ấy trong tâm hồn, cảm xúc nhà thơ?

Di tích nhà thờ đồng chí Lê Viết Thuật trên đường Phong Định Cảng.
Di tích nhà thờ đồng chí Lê Viết Thuật trên đường Phong Định Cảng.

Ngót 3 km, đường Phong Định Cảng được coi là một phố dài của Vinh. Nhưng đi trên con đường đó, ta không có cái mải miết vội vã, bởi nhờ những cung bậc cảm xúc phố mới, phố cũ. Quãng đầu phố bắt vào đường Nguyễn Du (trùng Quốc lộ 1A), là nét phố mới với những vi-la hiện đại mọc lên cùng các biển hiệu dịch vụ thời thượng thường thấy ở các đô thị trẻ. Vẻ mơ hồ khiêm nhường của nhà thờ Lê Viết Thuật – Bí thư Xứ ủy Trung kỳ giai đoạn 1931-1932, người con lịch sử của đất Yên Dũng Hạ - khu phố Đệ thập của đô thị Vinh xưa.

Tiếp đó từ ngã tư cắt đường Nguyễn Văn Trỗi, là quãng phố có cái nhẩn nha của phong phú mọi dịch vụ nhỏ phía mặt Tây; bên mặt Đông là bờ tường rêu phong, khung cảnh cũ của Nhà máy cọc sợi Vinh (nay thuộc Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan), Nhà máy Nhựa – Bao bì (Công ty hợp tác kinh tế QK4)... Thi thoảng lại bắt gặp những khóm tre đậm chất làng quê chưa kịp theo nhịp xây dựng của phố mới, điểm xuyết cho phố một không gian riêng. Mặt Tây phố cũng quãng ấy là khu tập thể thời bao cấp nay vẫn chen chúc người lao động ở, chiều chiều khói bếp than váng vất mái ngói thâm nâu quyện mùi thịt nướng, chuyện rôm rả quanh các chiếu rượu, trà trên vuông sân gạch nhỏ khiến phố thân thương đến không ngờ. Cắt ngang trục Phan Đang Lưu – Nguyễn Viết Xuân là quãng phố rõ dần nhịp gấp gáp hiện đại, những thử nghiệm phố đích thực của Vinh với nhiều dịch vụ mới mẻ...

Phong Định Cảng cuốn hút còn nhờ những nhà hàng ẩm thực món quê rải đều suốt dọc phố và mỗi món chỉ duy nhất một nhà hàng trong phố làm. Đó là những nhà hàng thịt nghé, dê, gà, lẩu cua, món nhậu côn trùng... Còn lại hàng ăn sáng, cà phê cũng đều nho nhỏ, xinh xắn nhưng vẫn “sống bền” mà không phải ở phố nào ở Vinh cũng có. Phố Phong Định Cảng của Vinh sẽ có nét sinh hoạt đậm nét Việt như ở Hà Nội, Sài Gòn có lẽ là thế!

Sống ở phố, gắn bó với phố đã lâu, nhưng mỗi lần chạy xe chầm chậm trên phố, tôi đều thả hồn mình trong những cung bậc cảm xúc…

Năm 1963, khi Thị xã Vinh có quyết định thành lập thành phố, thì đường Phong Định – Cảng nằm trên địa bàn xã Hưng Thủy (gồm các phường Hưng Dũng, Trường Thi và Bến Thủy nay). Quá trình tìm hiểu để viết về con đường này, có nhiều cứ liệu cho rằng do đường nối từ vùng đất Phong Định của Yên Dũng Thượng xuống vùng bến cảng cửa biển sông Lam thuộc Yên Dũng Hạ (vùng thuộc 2 phường Bến thủy và Trường Thi nay), nên người ta gọi là đường (từ) Phong Định (đi xuống) cảng Bến Thủy. Sau này, khi chính thức có quyết định gắn tên đường, văn bản hành chính ghi là “đường Phong Định – Cảng”. Tuy nhiên, do thói quen gọi tắt tên đường nên văn bản hành chính cũng như biển gắn tên đường mới đã bỏ cái gạch nối (-) đi, thành “đường Phong Định Cảng”. Do đó, rất nhiều người hiểu nhầm đây là tên của một danh nhân.

Bài, ảnh: Đình Sâm

Mới nhất
x
Đường Phong Định Cảng và những cung bậc cảm xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO