"Đường ra" cho nông sản giá trị cao

14/08/2015 07:42

(Baonghean) - Giá nông sản, đặc biệt là các nông sản có giá trị như cà phê, cao su, đường… đang xuống giá là một thách thức đối với các nhà sản xuất trong nước nói chung và ở Nghệ An nói riêng. Sự bấp bênh trong thị trường xuất khẩu, vùng nguyên liệu năng suất thấp, bên cạnh đó là việc hàng hóa không đủ lớn về số lượng, kém cạnh tranh về chất lượng là nguyên nhân khiến các nhà máy đang gặp khó.

Nỗi lo rớt giá

Công ty TNHH một thành viên cà phê cao su Thái Hòa có 2.600 ha cao su và 200 ha cà phê. Nếu những năm 2010, 2011, mỗi tấn sản phẩm cao su có mức giá lên tới 90 - 100 triệu đồng thì ở thời điểm hiện tại chỉ còn 30 triệu đồng. Thời điểm năm 2011, công ty thu mua mủ cao su với mức giá 23.000 đồng/kg thì bây giờ chỉ còn ở mức 6.400 đồng/kg. Tương tự, giá 1 kg cà phê tươi từ 8.000 đồng giảm chỉ còn 3.000 đồng. Những năm ”thịnh”, 1 ha cao su cho lãi ròng tới 150 triệu đồng, còn bây giờ, chỉ những diện tích thâm canh mới đạt mức 30 triệu đồng/ha/năm, còn cà phê đạt 50 triệu đồng/ha.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Trần Đức Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty kiêm giám đốc Nông trường Tây Hiếu 1, là do khâu tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Nếu trước đây, sản phẩm chủ yếu xuất đi Mỹ thì vài năm nay, do diện tích cây trồng chuẩn bị đến giai đoạn thoái hóa, cần thanh lý trồng lại nên chủ yếu chỉ xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch”. Chính thị trường không ổn định và sản phẩm kém cạnh tranh nên mất dần vị thế trên thương trường.

Thu hoạch  mủ cao su  ở Nông trường Tây Hiếu 2 -  Nghĩa Đàn. Ảnh: H.V
Thu hoạch mủ cao su ở Nông trường Tây Hiếu 2 - Nghĩa Đàn. Ảnh: H.V

Đối với mía đường cũng vậy, hiện nay giá đường đang xuống thấp, giá bán buôn 12.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất là 15.000 đồng/kg. Trong những năm qua, tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, giá cả các loại các loại vật tư hàng hóa đầu vào sản xuất tăng cao, trong đó thị trường đường xuống thấp, tiêu thụ khó khăn đã dẫn đến gia mía thấp, nên nông dân không mặn mà với cây mía nữa. Bên cạnh đó sâu bệnh đang đe dọa các loại cây này. Hiệp hội Mía đường lý giải có nhiều nguyên nhân khiến giá đường Việt Nam cao hơn các nước, nhưng chủ yếu là ở khâu nguyên liệu. Ở Thái Lan, giá mía đưa vào chế biến chỉ 30 - 35 USD/tấn. Tiền mía trong giá thành chế biến đường chỉ ở mức 300 - 350 USD/tấn (tương đương 6.000 - 7.000 đồng/kg đường), trong khi ở Việt Nam tiền mía chiếm 8.000 - 10.000 đồng/kg đường, chênh lệch 2.000 - 4.000 đồng/kg đường, chênh lệch này thuộc yếu tố nông nghiệp, cả cơ chế, chính sách mà chưa thể một sớm một chiều tự khắc phục.

Nỗ lực của doanh nghiệp

Ông Trần Đức Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty MTV cà phê cao su Thái Hòa chia sẻ: Thời gian tới, để đứng vững được, chúng tôi chủ trương tiếp tục đưa vào quy hoạch trồng các giống cà phê có năng suất cao, ứng dụng sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đổi mới công nghệ chế biến để đáp ứng yêu cầu chất lượng xuất khẩu, và thị hiếu của thị trường; liên doanh, hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín trong, ngoài nước để xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến cà phê bột, tăng giá trị sản phẩm nông sản. Đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tích cực tham gia các hội chợ triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; phát huy thị trường truyền thống, tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường mới.

Đối với Nhà máy mía đường Sông Con (Tân Kỳ), có giải pháp tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng diện tích trồng nguyên liệu và đầu tư đổi mới công nghệ, đảm bảo cạnh tranh. Hiện Công ty đã góp vốn thành lập Công ty TNHH 2TV đối với Tổng đội TNXP 4 - Sông Con với tổng vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của Công ty mía đường Sông Con là 14,2 tỷ đồng, chiếm 71% vốn điều lệ, số còn lại là phần vốn Nhà nước của Tổng đội TNXP 4. Thời gian tới công ty còn có kế hoạch liên kết với công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Ngãi để đầu tư vốn, tăng năng lực cho công ty này. Hai bên hiện đã có văn bản nhất trí góp vốn. Bên cạnh đó, Công ty còn tiến hành xây dựng các trại giống mía để nhân giống mía mới cung cấp cho vùng nguyên liệu thay thế toàn bộ giống cũ đã thoái hóa. Công ty đã nhân được 14 loại giống và tiến hành đánh giá lựa chọn các loại giống thích hợp để nhân rộng trên địa bàn. Việc đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh cũng được công ty tính đến như chuẩn bị cho việc xây dựng trung tâm thương mại tại TP Vinh. Đồng thời, công ty đang có kế hoạch đầu tư mở rộng công suất nhà máy chế biến đường từ 3.300 tấn mía ngày lên 5.000 tấn mía/ngày để ép kịp tiến độ.

Chế biến cao su ở Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con. Ảnh: châu Lan
Chế biến cao su ở Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con. Ảnh: châu Lan

Còn với Công ty TNHH MTV Xuân Thành, việc ứng dụng KHCN được công ty đặc biệt chú trọng. Bên cạnh 142 ha mía, 491 ha cao su, đơn vị đưa nhiều giống cam, quýt có chất lượng đã được công ty phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam để khảo nghiệm,chuyển giao, từ đó sản xuất đại trà với quy mô lớn. Đến nay Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành hiện có 142 ha mía, 491 ha cao su, 725 ha cam, trong đó, 100 ha cam V2 chín vào dịp Tết, 50 ha cam BH chín sớm, 60 ha cam Xã Đoài, hơn 60 ha Quýt PQ và đang thử nghiệm các giống bưởi hồng Quang Tiến, Quýt đỏ Hà Giang... Việc đưa các giống cam, quýt chín rải đều các vụ trong năm làm tăng giá trị rõ rệt của hàng hóa, bên cạnh đó đầu tư nhà lưới chống côn trùng cũng là giải pháp bảo vệ sâu bọ phá hại đối với vườn giống sạch bệnh. Nhờ đó, công ty và người sản xuất có lãi cao. Cam Xã Đoài bán giá 40.000 đồng/ kg, Quýt PQ 25.000 đồng/kg, thị trường đang khá rộng mở. Nhưng khi tổ chức JICA của Nhật đến khảo sát đã cảnh báo: Tại sao giá cam của Nghệ An cao, trong khi cam ở Nhật sản xuất rất sạch và cũng chất lượng nhưng tính ra tiền Việt Nam chỉ tương đương 20.000 đồng/kg.

“Đường ra”

Để tăng giá trị nông sản của Việt Nam nói chung và của Nghệ An nói riêng trong bối cảnh hội nhập, không có giải pháp nào khác là cần thâm canh tốt hơn cho vùng nguyên liệu để tăng năng suất, sản lượng và giá trị sử dụng đất. Người trồng mía chỉ có thể có lãi khi năng suất mía đạt từ 80 tấn/ ha trở lên, người trồng chè cũng vậy, cần đầu tư thâm canh ứng dụng các biện pháp KHKT tiên tiến để tăng năng suất chè lên từ 13 - 15 tấn/ha, đồng thời phải là chè sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Còn người trồng cam, cần tính toán lại nhu cầu thị trường tránh ồ ạt mở rộng diện tích như hiện nay khi chỉ dẫn địa lý cam Vinh không tới cùng đó, tránh tình trạng cam Vinh giả. Với cà phê chất lượng cần đẩy mạnh thâm canh bằng giống tốt, bởi thị trường đang hấp dẫn trong khi diện tích bị giảm (hiện chỉ còn 200 ha). Đối với xuất khẩu, hướng đến là phải chế biến tinh để tăng giá trị sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu như cao su, chè, cà phê… của Nghệ An đều đang chủ yếu là xuất thô sang các thị trường dễ tính, giá rẻ, lợi nhuận không cao. Hiện giá chè thô của Nghệ An xuất đi các nước chưa tới 15.000 đồng/kg (loại chè trà), doanh nghiệp muốn xuất khẩu tốt, trước hết phải đảm bảo chất lượng sản phẩm vượt trội. Bên cạnh đó, các nhà máy cần “3 cùng” với người sản xuất, bám sát vùng nguyên liệu và có giải pháp chăm lo cho vùng nguyên liệu - yếu tố sống còn của các nhà máy. Hướng đến mục tiêu nhà nông góp cổ phần vào các nhà máy để gắn kết, chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, cùng phát triển.

Phú Hương - Châu Lan

Mới nhất

x
"Đường ra" cho nông sản giá trị cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO