Đường Trần Hưng Đạo - Nhịp đập phố cũ
(Baonghean) - Đã mấy đợt “sóng” dựng xây đô thị, mở rộng làn đường, đẩy nhà dân sâu dần vào vườn cũ; thì vẫn còn đấy những lô xô ngói nâu mặt phố của một trong những khu dân cư đông đúc bậc nhất TP.Vinh thời mới tái thiết cuối thập niên 1970 thế kỷ trước. Nét phố ấy, tạo nên ấn tượng cho đường Trần Hưng Đạo…
Quang cảnh đường Trần Hưng Đạo. |
Đường Trần Hưng Đạo từng là một trong những tuyến đường quy hoạch sớm, dài nhất của thành phố với hơn ba cây số kéo dài từ hồ cá Cửa Nam đến tận Nhà máy toa xe lửa Vinh, thuộc xã Hưng Đông. Quãng năm 1985, đường mới được phân khúc ra 2 tuyến nữa là Trường Chinh và Lệ Ninh. Bây giờ, đường Trần Hưng Đạo “chốt” độ dài một cây số, từ ngã tư hồ cá Cửa Nam đến đoạn giao nhau với đường Phan Chu Trinh.
Tôi không biết điều gì đã kìm nén để hai bên mặt phố Trần Hưng Đạo chưa có cái hồ hởi kiến trúc tân thời hoành tráng thường thấy của bốn phía phố Vinh. Có thể, là do cốt cách của vùng Tây Bắc trấn Yên Trường được tạo lập từ triều hậu Lê, thực sự thăng hoa lên từ triều nhà Nguyễn. Trừ bên mặt Đông phố là cư dân mới cách mạng, còn mặt Tây, nhiều nhà đã có hàng chục đời cư ngụ. Trở lại năm 1884, khi chính quyền nhà Nguyễn cho dời trấn sở Yên Trường từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây thành Nghệ An thoạt đầu bằng đất, thì hẳn đã mở con đường này để một phần tuyển mộ phu phen con em dân cày Vĩnh Yên lấy đất ruộng vào xây đắp. Phía tường thành này thông ra ngoài đã có Cửa Hữu lại thêm một Cổng Chốt, cái thành di tích quốc gia, cái làm nên địa danh trong cách gọi của dân Vinh cho tới bây giờ. Gần thành lũy quân quan, xóm mạc nhà cửa của dân đen không được xây cất lớn nhưng đã chen chúc vách sát vách, bán mua sớm nhộn nhịp và phần nào cư dân cũng sớm nhiễm lối sống kẻ chợ và thanh nhàn của tầng lớp trên. Ấy nên, nếp ấy lưu truyền, bám rễ chắc và bền lâu trong sinh hoạt cộng đồng, tạo nên mộ cốt cách riêng mang tính văn hóa bản địa khó biến đổi vậy!
Cũng là thời kỳ thành cổ Vinh được xây cất, Vĩnh Yên phía Đông Vĩnh (sau này tách ra một phần thuộc phường Đội Cung bám mặt đường Trần Hưng Đạo) có một lớp dân cư không là nha lại, không địa chủ phú nông, mà từ giao lưu với người trong thành, buôn bán nhỏ mà trở thành tầng lớp cấp tiến hơn manh nha cho giới tiểu tư sản Vinh sau này. Thăng trầm lịch sử, đấu tố thành phần khiến cho người thì bỏ xứ ra đi, người thì nhẫn nhục quay về đời gánh thuê làm mướn; ngoài hiền lành ngu ngơ, trong ẩn ức trút phẫn chí vào lời răn dạy con cháu “mũ ni che tai” biết phận kẻ dưới “tay làm hàm nhai”; riết rồi trở thành một nỗi mặc cảm khó nhận biết. Nếp ấy, rơi rớt lại ở một phần cư dân phố ở sự ít hấp thụ cung cách làm ăn, trào lưu sinh hoạt ngoài trung tâm phố lớn. Họ chăm chỉ lao động nặng nhọc, sống khép kín nhưng cục tính, dễ hành xử tiêu cực khi gặp chuyện bực mình… Và cho đến bây giờ, đặc tính ấy có thể khiến cho phố xá một phần chậm đổi dạng đô thị mới chăng(?!)
Tôi trò chuyện với một kiến trúc sư, một nhà báo và một nhà nhiếp ảnh sống ở phố này. Kiến trúc sư chỉ dẫn cho tôi xem, lùi vào sau lớp lúp xúp nhà cũ ngoài mặt phố là những ngôi nhà dân cao tầng mới xây, ngượng ngùng phô kiến trúc Tây, Tàu đủ cả, nhưng thưa thớt lạc lõng làm sao ấy! Nhiếp ảnh gia thì bức xúc chuyện đến cư ngụ ở đây từ năm 1982, cất ngôi nhà đúc bám mặt phố, sau vướng quy hoạch mở rộng đường gì đó nên đã 32 năm vẫn không vôi ve, sắt thép chờ cốt bê tông ban đầu to bằng ngón chân cái, nay đã rỉ mòn như cọng đũa. Còn nhà báo vốn sinh ra và lớn lên ở phố; cụ nhà có bằng đíp-lôm Tây học, sau làm công chức Cách mạng nhưng vẫn lưu nếp trà thơmngắm non bộ, cây cảnh, nhà đói ăn vẫn áo trắng cổ cồn cà vạt, mũ phớt, hút thuốc lá thơm… Con cái đứa đi xa thì thôi, những đứa ở lại đều xây dựng gia đình, ra riêng cũng ở ngay trong một vườn ấy. Nhưng “cay” là nhà cụ vốn đất mặt phố rộng rãi, vì coi khinh cảnh bon chen, nên lùi dần mãi vào lối 3, giờ con cháu đâm thiệt! Nêm chen trong cộng đồng khối dân cư đông đúc mà nhà dân hầu như không có khuôn viên vườn phía mặt Tây phố ấy, lác đác vài anh ngụ cư, nghề chính thợ xây, đạp xích lô nhưng cứ hồn nhiên lập điện thờ tu thân tại gia, hay làm thơ in ra sách hẳn hoi... cũng làm nhộn lên một chút nếp sống cũ cần lao trong khối xóm.
Mặt phố của đường Trần Hưng Đạo không có biến chuyển lớn. Đường này từ thời chiến tranh, bao cấp đã có ý nghĩa giao thương khá quan trọng vì là đầu mối của cửa ngõ Tây Nam thành phố dẫn vào bến xe Vinh và ga Vinh. Cho đến quy hoạch giao thông đô thị thành phố lần thứ 2 sau này, đường thiết kế mở rộng ra 32 mét cả vỉa hè chạy suốt tuyến Trường Chinh, Lệ Ninh. Nhưng riêng đoạn Trần Hưng Đạo vẫn lấn cấn chuyện giải phóng mặt bằng, nên thành quãng “nút chai” lưu cữu vẻ phố cũ như thế. Phố mươi năm trước ngoài các hàng cơ khí nhỏ, sửa chữa xe máy, thì chủ yếu về hàng ăn với mấy món bún chả nướng, cháo lươn, bánh mướt, sau có thêm quán cà phê, bia cỏ… Nhưng nếu mở ra quy mô một chút, thì hầu như không ai giữ được thương hiệu lâu bền; cứ rộ lên hút khách một chập rồi bỏ. Có lẽ cũng bởi cái lối nghĩ có phần “bảo thủ”, cũ kỹ. Bây giờ mặt Đông phố còn lại hàng cháo lươn gia truyền phía hồ Cửa Nam và hàng bánh mướt đêm cạnh lối vào Cửa Hữu của một bà cựu chiến binh già là còn nhộn khách. Còn lại hàng thịt chó, bia hơi, cháo lòng… gần như thay đổi biển hiệu và đôi khi thay cả chủ theo mùa, chủ yếu phục vụ cho cư dân lao động và cánh viên chức nghỉ hưu ở phố. Các hàng cơ khí, sửa chữa xe cộ vẫn chủ yếu là những hàng cũ, khách cũ. Dịch vụ tân tiến khác như văn phòng, shop thời trang làm đẹp, công nghệ thông tin… mở ra không nhiều và nếu có thì chỉ là quy mô nhỏ, nên phố không có được cái hào nhoáng thường thấy theo nhịp phát triển mới của đô thị loại 1, nhưng lại gợi sự tin cậy, tiện dụng cho khách có nhu cầu khi đến đây. Gần đây, phố dày dần lên các hàng bán khung tranh gương kiểng mừng thọ và hàng hoa tươi, trướng phúng hiếu hỷ, dấu hiệu có thể phố sẽ trở thành phố “chuyên doanh” các mặt hàng này.
Tôi cũng đã thử làm một khách vãng lai đêm trăng ở phố này để cảm nhận được rõ hơn nhịp đập phố cũ. “Rêu phong, lá đổ, nhà xô ngói/Vẫn ánh trăng lên bóng đổ tròn” (Về phố cũ - thơ Đỗ Thị Bích Thủy). Về đêm, đường Trần Hưng Đạo dường như đền trả cho ngày sự chịu đựng lầm lụi, nóng bức và chật chội bằng sự thanh vắng đến lạ; gần như chỉ còn lại ánh trăng chảy tràn lên những tán bàng thân thuộc, loang xuống phố xá vội giấc ngủ sâu trong thấp thoáng những mái ngói thâm nâu mặt phố. Ngay cả ánh đèn trong hàng bánh mướt đêm của bà cựu chiến binh già loang loáng bóng khách, thoạt trông cũng cứ mường tượng như ánh đèn mấy trăm năm trước nơi điếm canh Cổng Chốt kiểm người vào ra thành cổ Vinh!...
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định); là cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột. Năm sinh của ông các tài liệu ghi khác nhau: năm 1228; 1230; 1232. Trong 3 lần quân Nguyên - Mông tấn công Đại Việt, Trần Hưng Đạo đều được vua Trần cử làm tướng trận. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, được phong tước Hưng Đạo Vương. Trần Hưng Đạo từng soạn các sách như “Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” để dạy các tỳ tướng, viết “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng khơi dậy tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm cho tướng sĩ. Sau kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 3 thành công, Trần Hưng Đạo về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5/9/1300). Nhân dân đương thời lập đền thờ ông gọi là Đền Kiếp Bạc; hậu thế phong ông là thánh. Thế giới đánh giá ông là một trong 10 vị tướng trận xuất sắc nhất mọi thời đại. Tên của Trần Hưng đạo được đặt cho nhiều con đường ở các đô thị trên cả nước. |
Đình Sâm