Đường Trần Trùng Quang: Phố giàu trầm tích

27/12/2014 10:51

(Baonghean) - Nghe tên đường, nhiều người bảo lạ, nhưng khi có dịp ngang qua, mới thực thấm thía hơi thở phố xá từ một con đường có lịch sử lâu năm ở vùng ven đô giàu khí chất của Thành phố Vinh. Ấy là đường Trần Trùng Quang…

Đường kéo dài từ ngã ba chợ Cọi - Lê Viết Thuật đến điểm giao cắt với đường Trần Khánh Dư, dễ phải dài hơn cây số. Nằm trên địa phận xã Hưng Lộc - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng. Đi trên đường, cảm được dấu ấn thời gian và dễ miên man những cung bậc cảm xúc xưa - nay. Thì chẳng phải Hưng Lộc vốn là đất cổ, trước, cả vùng Lộc Đa - Đức Thịnh dấy lên những phong trào khởi nghĩa, cách mạng uy danh một vùng. Nhìn sâu hơn vào cái hào khí ấy, phải kể đến những trang vàng lịch sử ghi danh vị vua nhà Trần - Trần Quý Khoáng, hay còn gọi là Trùng Quang Đế. Nét khang trang khoáng đạt của con đường mang tên vị vua yêu nước, trọng nghĩa khí, giàu tinh thần thượng võ phần nào gợi cho những người hiểu biết lịch sử cảm nhận phố sâu sắc. Sử viết, vua tôi Trùng Quang Đế có thừa lòng quyết tâm phục quốc nhưng lực bất tòng tâm, không thể chống lại quân đội nhà Minh dưới thời Minh Thành Tổ Chu Đệ hiếu chiến hơn các vua Nhân Tông, Tuyên Tông đời sau (thời khởi nghĩa Lam Sơn) và tướng Trương Phụ giỏi bậc nhất của nước Trung Hoa khi đó. Giống như Hậu Lý Nam Đế, Khúc Thừa Mỹ, cha con Hồ Quý Ly và Thượng hoàng Giản Định Đế, vua Trùng Quang bị sa vào tay giặc. Ông đã nhảy xuống sông Lam tự vẫn. Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam chọn cái chết oanh liệt khi chống ngoại xâm thất bại. Cái chết của ông để người Minh thấy rằng dù chiếm được nước Đại Ngu, vẫn không thể nào khuất phục được người Việt. Hiện tại, lăng mộ và đền thờ vua Trần Quý Khoáng vẫn còn trên địa bàn Hưng Lộc, cách đường Trần Trùng Quang một quãng ngắn. Đường có những khúc rẽ ấn tượng. Phía đầu đường đổ từ đường Lê Viết Thuật vào, tất bật và nghiêm trang lối làm việc công sở với những công chức mẫn cán ở trụ sở UBND - HĐND, trạm y tế, ríu rít tiếng trẻ ngay cạnh bên là trường mầm non, THCS; đi tới một quãng nữa, người phố chợt lắng đọng với dấu ấn của đài tưởng niệm liệt sỹ, tưởng như, đất này và con người nơi đây không bao giờ nguôi quên sự tri ân các bậc tiền nhân, tri ân những tháng ngày rầm rập đoàn quân, đỏ đuốc căm thù, giành lấy cho thế hệ hôm nay bầu trời hòa bình xanh ngắt…

Một quãng đường Trần Trùng Quang.
Một quãng đường Trần Trùng Quang.

Nghe bảo, đường đã có từ trăm năm. Còn tính mấy chục năm lại nay là dấu ấn về những đổi thay, nâng cấp diện mạo cho xứng tầm với sự phát triển đô thị chung và nhu cầu giao thông, giao thương của nhân dân. Trước là lối đi thập thõm phủ đầy cỏ xanh, rậm rạp tre pheo và hai bên đường ngợp bờ vùng, bờ thửa manh mún. Nay, cảnh tình ấy vẫn còn lưu lại phảng phất qua những hàng tre dẫu đã lùi sâu vào ngõ của nhà dân, những rặng mạn hảo và cây bụi mọc dại, còn thì nét khang trang phố mới đã ùa lấn cả rồi. Vượt qua quãng công sở, trường học, vun vút nhà dân mặt đường, là những tất bật ồn ã của xe tải, xe ben… chở hàng hóa vào khu công nghiệp nhỏ Hưng Lộc. Khu công nghiệp hình thành dễ chục năm nay, mang theo cả những sôi động kinh tế vào mảnh đất trầm lặng này. Nhiều con em nông dân các đội sản xuất nằm dọc theo tuyến đường Trần Trùng Quang đã trở thành công nhân cho các cơ sở, công ty trong khu công nghiệp, phần nào giải quyết được gánh nặng việc làm và thu nhập cho một bộ phận thanh, thiếu niên, trong hoàn cảnh đất sản xuất ngày càng thu hẹp lại. Và lẽ khác, khu công nghiệp nhỏ ấy, dẫu không tránh được những ồn ào về vấn đề môi trường, cảnh quan, thì dưới góc độ nào đó, cũng là dấu ấn trên tuyến đường này, vùng đất này, làm dậy lên khởi sắc của vùng ven đô thời hội nhập.

Quãng cuối đường Trần Trùng Quang là thênh thang khí trời thôn dã, như một minh chứng không thể xóa nhòa đối với quá khứ ruộng đồng gắn chặt sinh cơ của bao người dân nơi đây. Giờ, dẫu đời sống có phần khá giả, nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa, thì những người ở lại vẫn không rời bỏ nghiệp lúa nước. Mênh mang dọc hai bên đường dễ có đến 20 ha ruộng nước của bà con nhân dân đội 4 và đội 8. Đội nay là đơn vị cấp cơ sở, cùng với những xóm, những làng ở địa phương khác, xuất phát từ lịch sử các đội sản xuất nông nghiệp năm nao. Người dân nơi đây cho biết, đất Hưng Lộc này vốn đất cát pha, địa hình thang dốc. Vùng đồng mênh mông này nhiều năm về trước, người dân canh tác như làm ruộng bậc thang. Mùa hạn, khô nẻ chân chim vì cái khô rạc gió Lào và địa hình không giữ nước. Qua nhiều lần cải tạo, san ủi, nối dài cống nông giang, giờ thì bà con đã có phần yên tâm canh tác, dẫu cũng chỉ làm lúa được một vụ đông xuân. Còn vụ hè thu, làm năm được, năm mất, vì sự thất thường đe dọa của những đợt lũ tiểu mãn từ phía sông Lam… Thế mới biết, đất lành vẫn thử thách lòng nhẫn nại của con người.

Đi trên phố, cũng thầm khen cho nhãn quan nghệ thuật của nhiều nhiếp ảnh gia, khi nhìn ra vẻ lãng mạn ở chốn đất cổ này. Vút qua bãi bờ đồng ruộng, là ngun ngút xanh những hàng phượng vĩ, âu yếm tựa cành vào nhau, lao xao những đợt sóng li ti vương đầy theo gió. Ngày càng nhiều đôi uyên ương chọn đây làm địa điểm chụp ảnh cưới, nhiều bạn trẻ đến “làm” pô ảnh kỷ niệm dã ngoại. Khi ta nhìn phố phường bằng đôi mắt dịu dàng đến thế, thì sự đẹp đẽ, thân thương có phần nhân lên gấp bội. Đường Trần Trùng Quang - quãng phố nhiều thân phận và gợi nhớ, “kéo” người ở phố lại gần trong cảm nhận bằng những điều giản dị như thế.

Bài, ảnh: Phước Anh

Vua Trần Trùng Quang là vua thứ hai của triều Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, tên huý là Trần Quý Khoáng hay Trần Quý Khoách. Ông sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội. Thời gian ở ngôi của Trùng Quang Đế là thời kỳ chống sự đô hộ của nhà Minh sau khi nước Đại Ngu của nhà Hồ bị xâm chiếm. Năm Quý Tỵ (1413) khi quân Trương Phụ đến Nghệ An, cha con quan Thái Phó nhà Hậu Trần là Phan Quý Hữu và Phan Quý Liên xin ra hàng, tiết lộ tất cả nội tình và nơi ẩn nấp của Vua Trần. Bởi vậy, Trương Phụ quyết định tiến vào Hóa Châu mặc Mộc Thạnh can ngăn.

Tháng Chín năm ấy, quân Trương Phụ vào đến Thuận Hóa. Quân Trần do Đặng Dung chỉ huy đã vào được thuyền của Trương Phụ toan bắt sống hắn. Nhưng do không biết mặt, nên Trương Phụ kịp nhảy xuống sông, lấy thuyền con chạy thoát. Sau đó biết quân Trần rất ít, Trương Phụ huy động lực lượng lớn tiến đánh. Đặng Dung không chống nổi phải bỏ chạy. Từ sau trận thua ấy, Vua Trùng Quang cùng các tướng Trần phải ẩn nấp trong rừng và đều bị bắt giải về Trung Quốc. Giữa đường Vua Trùng Quang Trần Quý Khoáng và tướng Đặng Dung nhảy xuống biển tự tử. Nhà Hậu Trần tồn tại được 7 năm.

Mới nhất

x
Đường Trần Trùng Quang: Phố giàu trầm tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO