Én cõng xuân về
(Baonghean) - Khi con én cõng nắng về thì mùa đông đi trốn, để lại những vạt nắng hồng tươi vương vương trên từng tán lá. Núi rừng được khoác thêm chiếc áo ấm, để cho những đám mây cứ thế mà hồng theo, như má người con gái đang tuổi yêu.
Đâu phải chỉ phố xá tấp nập, người ta mới mong xuân nhỉ? Những chàng trai trên chốt, nơi biên cương, giữa rừng xanh chập chùng núi đá, và sương rơi lạnh giá, cũng mong xuân nhường nào. Tuổi trẻ họ gửi gắm nơi đây, gắn bó nơi này, là cả tình yêu và lẽ sống. Cũng mơ về phố, nơi quê nhà có mẹ già, em nhỏ, có đôi mắt người yêu mà mỗi buổi thao trường nhung nhớ. Và mùa xuân này, không về được, đón Tết giữa rừng, nhớ người mình thương biết bao, người con gái đó cũng thao thức để nhận về những cánh thư, chắc chắn có hồn của chim én, đọc đi đọc lại, ấp vào lòng mà nhớ, rồi cũng hiểu được nhiệm vụ của người trai đang làm nhiệm vụ.
Chiều nay, có chàng thi sĩ mặc áo lính từ biên giới biên thư về. Có mùi của rừng, cây lá và nỗi nhớ nhà. Chàng là anh trai tôi, chưa xây dựng gia đình, và nơi quê còn một người con gái đang đợi. Mẹ kĩu kịt gánh hàng đi chợ để ngày mai sắm tết. Cha bổ củi để luộc bánh chưng, vội chạy vào đọc thư con. Cả nhà bùi ngùi, cha lắc đầu: “Thằng cả lại không về”, rồi cha mỉm cười, nói là nó có nhiệm vụ của nó. Chỉ tiếc chẳng thể nào gửi được cái tết quê nhà lên cho anh ấy.
“Và bỗng chiều nay như phép lạ, con thấy nguyên hình ảnh quê hương. Và bỗng chiều nay xao xuyến lạ, con én cõng chiều mê mải thiên di”. Cha đâu có biết nhiều chữ nghĩa, nhưng đọc mấy dòng thơ, cũng tấm tắc khen thằng cả làm thơ hay quá, chắc do tức cảnh sinh tình. Chị gái bảo ngày ở nhà cậu ấy đã có tâm hồn nghệ sĩ rồi, nhìn thấy hoa phong lan còn bật ra thơ. Tôi biết lá thư này có lẽ là lá thư cuối cùng của một năm, gửi gắm bao nỗi niềm người con xa nhà. Anh kể về da diết nhớ quê, cha mẹ, những đứa cháu, nhớ đồi ông Toách nho nhỏ giữa đồng, nhớ cả dưa hành mẹ muối, thịt đông cha nấu và canh măng do chị gái trổ tài. Tôi hiểu nỗi cô đơn của anh, về niềm vui nho nhỏ là đợi chờ nhận lại hồi âm.
Minh họa: Hồng Toại
Có phép màu nào không nhỉ? Giống như phép màu cho những thân cây trơ gầy ngơ ngác, bỗng chốc bật mầm bởi tiết xuân, để anh được đón tết ở nhà. Nhưng chắc chắn là không được rồi. Anh còn làm nhiệm vụ của anh, canh giữ đất trời khỏi sự xâm phạm. Con người phải có sự hy sinh, mỗi người một nhiệm vụ. Người này bảo vệ cho bình yên, niềm vui của người khác. Như vậy, đất nước mới xuân, con người mới xuân, và niềm vui nhân lên mãi. Phép màu là lòng ta. Trái tim ta hãy mở ra, bằng sự hy sinh chính đáng đó, là biết yêu cây rừng, yêu từng mảnh đất quê, và thắp lên sự hoà đồng, vui vẻ giữa những người lính xa nhà với nhau. Họ làm thơ, họ hát. Anh tôi cũng vậy, hát vang bài ca xuân, bài ca người lính, khúc quân hành.
Ngày xưa, có chàng lính nhớ nhà, nhớ người yêu, đề thơ lên hơn một ngàn con én giấy, để thả xuôi theo dòng nước, mơ hồ nghĩ rằng người thân của mình sẽ nhận được. Chẳng ai khẳng định người thân của chàng sẽ nhận được, có thể biết vậy, nhưng chàng vẫn làm cho vợi nhớ, vơi mong. Và mãi đến hai năm sau, chàng mới được về quê, thì người yêu đã đi lấy chồng. Anh chàng đó ngặt nghẹo sầu. Còn anh tôi, hy vọng không theo vết chân đó. Xuân đi rồi xuân lại về, đó là xuân của đất trời. Xuân của tuổi trẻ thì khác, phải không những con én? Vậy thì những chàng trai ơi, hãy dấn bước cùng xuân, hãy sống bằng tình yêu và con tim. Cuộc đời này cần có chúng ta, cần sự hy sinh, cống hiến, cần sức trẻ. Bởi vì, cống hiến là thiêng liêng, là trách nhiệm và điều đó có nghĩa biết nhường nào.
Này em yêu, chúng ta đang sống giữa thành phố hào hoa, có mai vàng, chồi biếc, đào tươi, nhiệm vụ của chúng ta là học tập, để ngày mai lập nghiệp. Ngày mai đất nước to rộng hơn, đẹp hợp, những toà nhà cao nối tiếp nhau. Chúng ta cần phải viết nên bài thơ của tuổi trẻ mình, sống cho cả những người không được về quê đón tết như chúng ta vì còn bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Ai đó vừa nắn nót vẽ lên trời con diều sáo tươi rực màu nắng, hát du dương một bài ca. Còn anh, sẽ tung lên trời niềm hoài vọng đau đáu, phải không anh trai? Nhưng anh yên tâm, chị ấy chung thủy một lòng, và mong anh về. Yên tâm anh nhé, con én sẽ nhắc với chị ấy rằng: “Nơi biên cương, anh rất nhớ chị, người con gái là cả mùa thơ của anh!”.
Nguyễn Văn Học (Báo Nhân dân Cuối tuần, 71 Hàng Trống - Hà Nội)