Gắn khai thác với chế biến hải sản

10/06/2015 09:08

(Baonghean) - Mùa này về Quỳnh Dị và Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai), những nong cá hấp phơi trải dài ven đường về phía biển. Đó là cá cơm được thu gom để hấp sấy hoặc làm chượp chế biến nước mắm nâng giá trị cho nghề khai thác biển.

Từ khi có nghề phơi khô hấp sấy du nhập vào địa bàn đến nay, lượng cá cơm của ngư dân Phường Quỳnh Dị và xã Quỳnh Lập tiêu thụ ổn định, giá trị của nghề khai thác biển cũng nâng lên đáng kể. Xuất phát từ doanh nghiệp Phương Mai đưa nghề mới từ miền Nam về quê, nhân dân học hỏi mở rộng ngành nghề, đến nay trên địa bàn phường Quỳnh Dị có 7 cơ sở hấp cá khô xuất bán sang thị trường Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Cá cơm, cá nục được các cơ sở hấp chín đem phơi nắng, sấy khô, bảo quản trong kho lạnh bán quanh năm, lúc nào cũng có nguồn hàng cung cấp ra thị trường.

Ông Trần Văn Sơn, khối Phú Lợi 1, phường Quỳnh Dị cho hay, trước đây từng đi biển, mỗi chuyến biển về đều thu hoạch được nhiều cá nhưng rất khó tiêu thụ, giá thấp, tàu của ông thường xuyên phải đưa tất cả các loại cá ra Thanh Hóa bán, tốn thêm chi phí vận chuyển, thu nhập chẳng ăn thua. Ông quyết định làm dịch vụ thu gom, rồi làm chượp cá đưa vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Năm 2009, ông Sơn tiếp tục chuyển sang làm nghề hấp sấy cá cơm, cá nục, mỗi độ cá về, cơ sở của gia đình ông phải thuê thêm 20 lao động. Cá tươi ở đây được đưa vào lò hấp chín, đem phơi khô, đóng gói và bảo quản trong kho lạnh chờ tư thương thu mua. Ông Sơn chia sẻ: "Từ ngày có những cơ sở làm nghề hấp sấy, giá thu mua cá nguyên liệu cho ngư dân nâng lên khá cao, hiện nay 13.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. Cơ sở của chúng tôi mỗi năm thu mua chế biến hơn 200 tấn cá nguyên liệu, được thành phẩm 60 tấn cá khô, xuất bán với giá 40.000 đồng/kg cá khô, đem về tổng doanh thu 2,4 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là các cơ sở làm nghề đều thiếu mặt bằng sản xuất, hiện tại đang phải thuê đất của dân để phơi cá…".

Phơi cá cơm ở phường Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai).
Phơi cá cơm ở phường Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai).

Gia đình chị Trần Thị Hoài, khối Tân Đông, phường Quỳnh Dị cũng tham gia làm nghề hấp sấy cá từ năm 2012. Hai vợ chồng trẻ nhưng dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư cơ ngơi sản xuất khang trang, rộng rãi, giải quyết việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương. Chị Hoài cho biết, cơ sở chế biến của gia đình chị mỗi năm thu, mua chế biến hơn 150 tấn cá tươi, có bao nhiêu cá cơm của ngư dân khai thác về đều thu gom hết, không chỉ mua ở địa bàn Quỳnh Dị, còn thu mua cá của Quỳnh Lập, Quỳnh Tiến, Quỳnh Nghĩa và các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình... mới đủ nguồn nguyên liệu chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phường Quỳnh Dị có khối Phú Lợi 1 và Phú Lợi 2 chuyên làm nghề khai thác hải sản biển, với gần 90 phương tiện khai thác, sản lượng khai thác hàng năm từ 2.300 - 2.600 tấn, phục vụ cho nghề chế biến nước mắm và phơi khô hấp sấy. Nhờ phát triển mạnh nghề chế biến hải sản trên địa bàn phường đã nâng giá trị cho nghề khai thác biển địa phương, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập đồng đều cho các bộ phận lao động, cải thiện cuộc sông nhân dân. Ông Nguyễn Quang Đại, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Dị cho biết: Mỗi năm ngư dân Quỳnh Dị khai thác được khoảng 2.500 tấn cá cơm, khi chưa có lò hấp, chủ yếu chỉ để chế biến nước mắm, cá cơm dư thừa tiêu thụ không hết, phải bán đổ bán tháo với giá rẻ. Sau khi có các cơ sở chế biến hấp sấy đã nâng giá trị sản phẩm cá cơm; đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ trên địa bàn…

Cá tạp được bà con Cửa Lò chuẩn bị xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch - Bài X khẩu
Cá tạp được bà con Cửa Lò chuẩn bị xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch

Cùng với Quỳnh Dị, những năm gần đây, xã Quỳnh Lập cũng phát triển mạnh nghề chế biến cá hấp sấy. Đến nay, trên địa bàn có 5 cơ sở hấp sấy quy mô lớn, bình quân mỗi năm chế biến khoảng 3.000 tấn cá tươi. Toàn bộ sản lượng cá hấp sấy khô đều được bán cho thị trường Trung Quốc. Điều đáng mừng là thay vì ở nhà chờ chồng đi biển về bán cá, bây giờ nhiều chị em trong xã đã có việc làm thêm từ các cơ sở chế biến cá hấp sấy. Những người làm đủ ngày công có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, mức thấp cũng 3,5 triệu đồng/tháng. Nhờ phát triển đồng bộ từ khai thác đến chế biến đã thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển nhanh, toàn diện, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Người dân có điều kiện đầu tư đóng mới nhiều tàu cá công suất lớn vươn khơi bám biển dài ngày vừa đem về đất liền sản lượng cá gia tăng, vừa vươn khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ông Hoàng Ngọc Thủy, Phó phòng kinh tế Thị xã Hoàng Mai nhận định: Sự phát triển của nghề hấp sấy cá trên địa bàn đã góp phần làm đa dạng sản phẩm chế biến truyền thống của nghề biển, đáp ứng phong phú nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, nâng giá trị thu nhập cho ngư dân. Đặc biệt là vai trò bao tiêu sản phẩm cho nghề khai thác, nhất là những vụ cá được mùa, cá nục, cá cơm nườm nượp khắp bến cá không tiêu thụ được thì các cơ sở hấp sấy ra đời đã đảm nhiệm khâu tiêu thụ sản phẩm cho bà con làng biển, vừa đảm bảo thu nhập ổn định cho ngư dân vừa tăng lợi nhuận cho các cơ sở chế biến, vừa giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Năm 2014, riêng sản lượng cá chế biến phơi khô hấp sấy của Thị xã Hoàng Mai đạt hơn 2.000 tấn; ước 6 tháng đầu năm 2015 sản lượng chế biến hấp sấy đạt 1.312 tấn. Tất cả sản phẩm hấp sấy khô đều được tiêu thụ tốt, đem về nguồn thu khá lớn cho các cơ sở chế biến và nộp ngân sách cho địa phương.

Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Gắn khai thác với chế biến hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO