Gần lại miền "xa ngái"
(Baonghean) - Nằm ở vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, bản Cố (xã Châu Thái, Quỳ Hợp) một thời được nhiều người gọi là “miền xa ngái”. Sở dĩ được gọi như thế là vì đường về bản quá đỗi gian nan, dòng Huồi Tiềm uốn mình chia cắt địa hình nên hễ trời mưa là bản biệt lập với bên ngoài. Gian nan việc xuống chợ, lên nương và cũng gian nan bội phần việc con em tới trường học chữ, cùng với đó là đói nghèo, bệnh tật… đeo đẳng mỗi nếp nhà. Không biết bao lần ngước lên dãy Pù Huống vời vợi, dân bản thầm ước mong có một con đường nối với bản vùng ngoài…
Nay thì mong ước đó đã trở thành hiện thực, nhờ dự án giao thông liên xã được khởi công vào đầu năm 2012. Với tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng, tuyến đường nối bản Cố với bên ngoài đã được trải nhựa phẳng lì, hệ thống cầu cống kiên cố đã nối khắp đôi bờ những suối khe một thời cách trở. Vươn theo cung đường mơ ước ấy, cuộc sống mới đang về cùng 56 hộ bà con dân tộc Thái quần tụ nơi đây. Trưởng bản Vi Đình Cẩn hồ hởi làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi dạo một vòng quanh bản. Cảm nhận nét yên bình đến lạ ở chốn này với những ngôi nhà sàn kề sát bên nhau, một môi trường sạch sẽ trong lành mà nhiều nơi khác không dễ gì có được. Bà con thường bảo nhau phải giữ gìn vệ sinh chung, giữ sạch sẽ từ nhà ra ngõ, nên mọi nhà đều tự giác dời chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, các gia đình đều đầu tư xây dựng 3 công trình vệ sinh tươm tất. Bản có 234 con trâu, bò (bình quân hơn 4 con/ hộ), nhưng mọi nẻo đường trong bản không có phân gia súc vương vãi. Những dãy bờ rào ven lối đi cũng được cắt tỉa công phu, nhiều nhà còn trồng hoa, chăm chút cây cảnh làm xinh thêm những nếp nhà sàn.
Thu hoạch lúa hè thu ở Bản Cố (Châu Thắng - Quỳ Hợp). |
Không còn nặng nề hủ tục, việc cưới, việc tang ở bản Cố đều thực hiện theo nếp sống mới. Dân bản lúc ốm đau đều được đưa đi khám ở cơ sở y tế, không còn tình trạng mời thầy mo về cúng “khài” như một thủa trước đây. Cùng với đó, phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo ở bản Cố cũng rất sôi động. Từ sáng kiến góp thóc cho nhau vay để xóa nhà tranh tre của hội nông dân mà đến nay nhiều gia đình trong bản đã không còn phải lo mưa tạt gió lùa, các gia đình như Vi Đình Kiệu, Vi Thanh Tùng, Hà Công Trường… đã làm được những căn nhà sàn vững chãi. Bà con cũng đã đổi công giúp nhau khai hoang, nâng tổng diện tích ruộng nước 2 vụ của bản lên gần 10 ha. Cả bản đã giúp nhau trồng được 144 ha keo lai, gần chục ha mét và các loại cây ăn quả...
Theo như Trưởng bản Vi Đình Cẩn, hầu hết các gia đình trong bản đều có diện tích rừng keo lai đã trồng. Những hộ tiên phong đưa cây keo lai về bản (vào những năm 2007) vừa thu hoạch keo lai lứa đầu với mức lãi 60 triệu đồng/ha. Toàn bộ diện tích keo lai đã trồng mang lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ trong những năm tới. Biết chắt chiu lấy ngắn nuôi dài, đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm, nhiều gia đình trong bản như Vi Văn Tâm, Vi Xuân Hành, Vi Văn Toàn... đã vươn lên khá giả. Bà con cũng đặc biệt quan tâm áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; mua sắm máy cắt cỏ, máy gặt, máy tuốt lúa... để nâng cao năng suất lao động. Về thăm bản Cố hôm nay, cảm nhận sự đổi thay thật nhiều; đường mới đã mở, nếp nghĩ, cách làm cũng đã khác xưa, tên gọi “miền xa ngái” gắn với những gian nan của bản năm nào giờ đang lùi dần vào quá vãng.
Cao Duy Thái