Gắn tem hợp quy: Thị trường vẫn đang thả nổi
Thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em và thiết bị điện- điện tử, từ ngày 15-9-2010, tất cả đồ chơi trẻ em cùng 6 loại thiết bị điện (dụng cụ đun nước nóng tức thời, dụng cụ đun và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc, ấm đun nước, nồi cơm điện, quạt điện) được sản xuất, nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải được gắn tem hợp quy (CR). Nhưng sau gần 6 tháng thực hiện, trên thị trường Thành phố Vinh vẫn còn nhiều mặt hàng chưa được gắn tem.
Thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em và thiết bị điện- điện tử, từ ngày 15-9-2010, tất cả đồ chơi trẻ em cùng 6 loại thiết bị điện (dụng cụ đun nước nóng tức thời, dụng cụ đun và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc, ấm đun nước, nồi cơm điện, quạt điện) được sản xuất, nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải được gắn tem hợp quy (CR). Nhưng sau gần 6 tháng thực hiện, trên thị trường Thành phố Vinh vẫn còn nhiều mặt hàng chưa được gắn tem.
So với thời điểm trước ngày 15/9/2010, khi quy định gắn tem hợp quy cho hàng điện, điện tử và đồ chơi trẻ em có hiệu lực thì hiện nay, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện những mặt hàng có gắn tem CR, tuy nhiên, số lượng này chỉ rất ít. Tại TP. Vinh các loại đồ chơi từ xe điện đụng, ô tô điều khiển, rô bốt, máy bay, siêu nhân... đều không nhãn mác, không tem CR đang được bày bán công khai.
Thậm chí, người bán còn đứng bắn đĩa bay đồ chơi lên trời cho những người qua đường xem. Và ngay cả trong nhiều cửa hàng đồ chơi, siêu thị, nhà sách hay các chợ trên địa bàn thành phố, việc dán tem CR vẫn còn lạ lẫm, chưa đi vào cuộc sống. Dạo quanh chợ Vinh, chợ Ga.. đồ chơi trẻ em đa phần là hàng nhập lậu từ nước ngoài, giá dao động từ 30.000- 200.000đồng/sản phẩm và hoàn toàn không có tem chứng nhận chất lượng.
Chị Lê Hoa, một tiểu thương kinh doanh hàng đồ chơi trẻ em lâu năm tại chợ Vinh cho biết: "Lâu nay chúng tôi cũng có nghe về việc phải dán tem CR qua thông báo của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, qua tờ rơi hướng dẫn; chúng tôi cũng đã hỏi nhà phân phối và họ có đưa tem CR, nhưng thú thực cũng chưa biết dán như thế nào để phù hợp với tiêu chuẩn của từng loại sản phẩm". Không chỉ người kinh doanh, người tiêu dùng cũng bỏ qua quy định này; họ thường chỉ chú ý đến mẫu mã, giá cả... thậm chí tem dán là thật hay giả thì khách hàng cũng đâu có phân biệt được.
Đối với 6 mặt hàng điện-điện tử thuộc diện phải dán tem chứng nhận hợp quy CR, bên cạnh những mặt hàng đã dán tem vẫn còn nhiều sản phẩm các đơn vị kinh doanh "phớt lờ", hoặc có dán thì tem phô tô, tem lem mực khó đọc ra chữ, phổ biến nhất là ở các mặt hàng máy sấy tóc, bình đun nước và ấm đun nước siêu tốc...
Tại một cửa hàng điện máy trên đường Quang Trung (TP. Vinh), khi được hỏi sao có nhiều sản phẩm không có tem CR, anh chủ cửa hàng bao biện: "Chúng tôi đã gửi mẫu hàng hoá và đang chờ chứng nhận hợp chuẩn của cơ quan chức năng. Nói thật, tuy là hàng không dán tem quy chuẩn, nhưng từ trước đến nay chưa thấy khách nào đến cửa hàng phàn nàn về chất lượng cả".
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Phạm Ngọc Quang, Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An cho biết: Qua 2 đợt kiểm tra (đợt I sau ngày ban hành quy định và đợt II trước Tết Nguyên đán) cho thấy, tại các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, hàng điện, điện tử có đến hơn 80% mặt hàng chưa được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn tem CR. Phần đông, các chủ cửa hàng kinh doanh chưa nắm rõ về điều kiện để các mặt hàng được dán tem và cách thức dán tem.
Theo quy định của Bộ KH&CN, 6 loại mặt hàng điện- điện tử và các loại đồ chơi trẻ em (sau ngày 15/9/2010) không có tem CR sẽ không được lưu thông trên thị trường. Và tem CR do doanh nghiệp được chứng nhận hợp quy tự gắn lên sản phẩm của mình, đồng thời chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra dấu hợp quy trên sản phẩm.
Sau đó kiểm tra hồ sơ liên quan đến việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; sản phẩm hàng hoá được gắn tem CR mà không chứng minh được đã chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thì cũng bị coi là vi phạm pháp luật. Song, bên cạnh quyết định này, Chính phủ không đưa ra chế tài xử lý hay quy định về xử phạt hành chính đối với các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn nên Chi cục chỉ biết kiểm tra, nhắc nhở chứ không thể tịch thu hàng hoá. Bên cạnh đó, có rất nhiều mặt hàng nhập theo đường tiểu ngạch, nhãn hàng hoá và hồ sơ chất lượng không rõ ràng nên cũng khó trong việc chứng nhận và gắn dấu hợp quy. Đây là một khó khăn lớn trong quá trình kiểm tra kiểm soát đối với những mặt hàng nói trên...
Đến thời điểm này, Chi cục vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thống kê và dán tem CR. Với mặt hàng có đủ bằng chứng chứng nhận hàng hoá đủ tiêu chuẩn chất lượng, Chi cục sẽ hướng dẫn đơn vị thực hiện gắn tem; còn với mặt hàng không có bằng chứng chứng minh hàng hoá đạt chất lựơng, Chi cục sẽ chuyển hồ sơ tới tổ chức chứng nhận để kiểm tra và cấp tem nếu sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn.
Trước tình trạng đồ chơi trẻ em, hàng điện tử kém chất lượng tràn lan, có thể thấy việc thống nhất sử dụng một loại dấu CR là hết sức cần thiết đối với người tiêu dùng và thuận lợi cho việc quản lý những mặt hàng trên. Đã đến lúc người tiêu dùng cần quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm, nhằm bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của mình.
Việc khách hàng từ chối những sản phẩm không có tem CR, chỉ mua những sản phẩm đạt chất lượng, có nhãn mác đúng quy định thì nhà sản xuất, người kinh doanh sẽ phải có trách nhiệm trước sản phẩm của mình xuất ra. Có như vậy, thị trường hàng hoá mới trở nên minh bạch, giảm thiểu hàng giả, hàng kém chất lượng...
Ngọc Anh