Gạo Việt Nam được thị trường châu Âu đón nhận

Nguyễn Hạnh 21/11/2023 16:35

Trong 2 năm vừa qua không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo. Gạo Việt Nam đã được thị trường châu Âu đón nhận.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức mới đây tại Cà Mau.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đến nay, Việt Nam có hơn 16 năm tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) và có 16 hiệp định đã được ký kết chính thức. Trong đó, nhiều hiệp định thương mại được coi là hiệp định thương mại thế hệ mới.

Sau khi các hiệp định này được ký kết đã thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên. Nhiều năm qua, giá trị xuất khẩu của Việt Nam luôn đạt cột mốc khá cao, đặc biệt trong 2 năm vừa qua giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD và năm 2023 dự kiến đạt trên 54 tỷ USD.

Đặc biệt, tháng 8/2020, Hiệp định EVFTA đã thúc đẩy xuất khẩu nông sản 2 chiều giữa Việt Nam và các nước trong khối EU đã tăng lên.

xkgao320231120143204.jpg
Gạo Việt Nam được bán ở siêu thị Pháp. Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời

Trong đó, những ngành hàng lớn như: thủy sản, gạo, trái cây và một số mặt hàng thực phẩm… cũng được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Ngược lại, Việt Nam cũng đã nhập một số mặt hàng có nguồn gốc từ động, thực vật từ thị trường EU.

Hiện nay, đối với thị trường EU, Việt Nam có những cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường này. Đối với thị trường EU, trong 10 tháng đầu năm 2023, các thành viên EU có đến 103 thông báo, dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật phục vụ cho việc kiểm soát nông sản, thực phẩm khi nhập khẩu sang thị trường EU. Theo ông Ngô Xuân Nam, EU là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều loại nông lâm thủy sản Việt Nam thời gian tới nhờ quy mô thị trường hơn 500 triệu dân và nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm ngày càng tăng cùng với cam kết cắt giảm hầu hết thuế quan trong lộ trình ngắn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường khó tính nhất với những quy định về kiểm dịch động thực vật rất cao và kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt với hàng nông lâm thủy sản.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Minh chứng là ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã có nhiều thông báo liên quan đến các quy tắc đối với các cơ sở nuôi trồng và vận chuyển động vật thủy sản.

Quy định về yêu cầu sức khỏe động vật đối với các hoạt động di chuyển đối với động vật trên cạn và trứng ấp; quy tắc giám sát, chương trình loại trừ và tình trạng sạch bệnh đối với một số bệnh đã được liệt kê và bệnh mới nổi.

Ngoài các quy định của chính quyền, thị trường EU còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của các hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải tuân theo như tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm.

Theo Congthuong.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Gạo Việt Nam được thị trường châu Âu đón nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO