Gạo xuất khẩu, cà phê tăng giá mạnh; thép giảm giá lần thứ 15
(Baonghean.vn) - Cà phê tăng giá từ 1.200 - 1.300 đồng/kg, gạo xuất khẩu tăng 20 USD/tấn sau một tuần, trong khi giá thép giảm lần thứ 15 kể từ đầu năm đến nay... là những thông tin thị trường nổi bật trong ngày 23/7.
Thép giảm giá lần thứ 15
Ngày 22/7, thép thanh vằn D10 CB300 của các thương hiệu thép nội địa đồng loạt giảm từ 100-110 đồng/kg. Đây đã là phiên giảm giá thứ 15 liên tiếp của thị trường thép trong nước. Trước tình trạng giá thép giảm sâu nhưng vẫn tiêu thụ ế ẩm, doanh nghiệp thép trong nước đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.
Hiệp hội Thép Việt Na VSA đánh giá, diễn biến thị trường thép từ nay đến cuối năm vẫn khó có thể khởi sắc trở lại. Ngành thép vẫn kỳ vọng đẩy mạnh tiêu thụ nhờ đầu tư công và thị trường bất động sản ấm lên. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này dự báo vẫn chưa có biến chuyển trong năm nay.
Sau 15 phiên giảm, giá thép hôm nay cụ thể như sau: Thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.840 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng từ mức giá 14.090 đồng/kg xuống còn 13.990 đồng/kg.
Thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng, có giá 14.340 đồng/kg.
Cà phê tăng giá mạnh
Giá cà phê ngày 23/7/2023, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên trở lại đà tăng từ 1.200 - 1.300 đồng/kg, cao nhất ở mức 66.900 đồng/kg.
Theo chuyên gia, giá cà phê Việt Nam trở lại đà tăng mạnh trước nỗi lo thiếu hụt nguồn cung Robusta trên thị trường thế giới.
Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022.
Bên cạnh hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam.
Tình trạng xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp vẫn luôn là bài toán Việt Nam cần giải quyết vì sự phát triển lâu dài của ngành cà phê. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần đầu tư cho khâu sản xuất, nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê đã qua chế biến với giá trị cao, đồng thời chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.
Hiện nay các doanh nghiệp cà phê Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu mỗi năm 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê. EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 45% tổng lượng cà phê xuất khẩu.
Giá gạo xuất khẩu tăng 20 USD/tấn/tuần
Trong tuần qua, giá lúa gạo trong nước điều chỉnh tăng. Giao dịch gạo nội địa sôi động. Giá lúa hầu hết ghi nhận xu hướng tăng so với tuần trước.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu chững lại sau phiên điều chỉnh tăng. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 533 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 513 USD/tấn.
Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh 20 USD/tấn – mức tăng mạnh nhất từ đầu năm.
Nguồn cung lương thực trên toàn cầu đang sụt giảm mạnh, trong khi diện tích và sản lượng lúa gạo của Việt Nam tương đối ổn định sẽ là cơ hội để duy trì xuất khẩu gạo bền vững. Vì vậy, nông dân nên giữ ổn định vùng trồng lúa, ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực còn phục vụ cho việc xuất khẩu.