Gặp gỡ ở Thái Lão
Nơi Đài Liệt sỹ Thái Lão (Thị trấn Thái Lão, huyện Hưng Nguyên) tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh ngày 12/9/1930 trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh dựng lên nghiêm trang bây giờ, xửa xưa gọi là dăm Nhà Hôn. Vì sao gọi thế không biết, nhưng vùng dăm thôn quê thường là đất u u minh minh những câu chuyện tâm linh trong dân gian. Đó bây giờ là chốn thiêng liêng, biểu tượng cho truyền thống đấu tranh cách mạng...
Trưa, nắng trở oi bức chói chang. Nhưng vẫn nhộn nhịp người chuẩn bị cho lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ ở đài liệt sỹ. Tôi hỏi anh áo xanh đang bắc thang treo tấm băng rôn thông tin về lễ cầu siêu: “- Anh người mô?”. Đáp: “Mình người Thái Lão. Nhà đối diện bên đường!”. “Chắc đã mấy đời nhỉ? Anh quệt mồ hôi, ngó tôi: “Chắc người mô đến? Ngày Pháp thả bom giết người biểu tình, đất đây đang là ruộng; mãi đầu chống Mỹ vẫn là ruộng. Bây giờ phát triển, được là dân Thị trấn Thái Lão này có lẽ cũng là nhờ các anh hùng liệt sỹ phù hộ đấy!”.
Thấy anh chẳng mặn chuyện, cứ thắc mắc cái câu “tri ân” vẻ rất nghiêm túc của anh, tôi lân la vào UBND huyện Hưng Nguyên gặp mấy anh, chị Phòng Văn hóa, khơi câu chuyện về đất và người Thái Lão từ làng, xã lên huyện lỵ bây giờ. Cồm cộp quyển “Địa chí văn hóa Hưng Nguyên” dày ngót 900 trang, đài liệt sỹ cũng chỉ nhắc đến trong khoảng gần 200 chữ, trong đó có đoạn: “Máu 217 liệt sỹ nhuốm đỏ cánh đồng xã Thái Lão sáng ngày 12/9/1930. Những người hy sinh, thân nhân còn nhận dạng được thì đem về quê mai táng. Số đông còn lại nằm trong mộ tập thể tại dăm Nhà Hôn. Nơi đây được Nhà nước xây dựng thành Nghĩa trang Liệt sỹ Thái Lão. Năm 1956, tỉnh Nghệ An xây dựng thành Di tích Đài Liệt sỹ Thái Lão”.
Toàn cảnh di tích Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Thái Lão. |
Tên gọi gì và quy mô nào, cũng khó tải hết được ý nghĩa của ngày đau thương hào hùng ấy. Tôi tìm vào nhà ông giáo già Trần Văn Diệu, sinh năm 1924, vốn gốc xã Nghĩa Liệt (Hưng Lam bây giờ), được coi là cư dân mới thị trấn. Tôi hình dung cụ già 90 tuổi tóc bạc da mồi ngồi trước mặt, để mường tượng về anh thanh niên Trần Văn Diệu được Việt Minh giao nhiệm vụ Tổng chỉ huy khởi nghĩa ở Hưng Nguyên năm 1945. Cụ giáo bảo: “Đúng đây xưa là ruộng. Con đường 19/9 bây giờ cũng không phải hình hài thẳng ra như thế này, mà đến cầu xã Hưng Thông, nó uốn ngược lên phía trung tâm thị trấn bây giờ. Nghĩa là, ngày ấy khi đoàn biểu tình của hàng vạn nông dân Hưng Nguyên theo Quốc lộ 46 xuôi xuống phủ lỵ đã được một quãng, Pháp mới hoảng sợ thả bom.
Khi tôi nghiên cứu viết lịch sử huyện Hưng Nguyên, có tiếp cận trần tình của một viên sỹ quan Pháp chỉ huy cuộc đàn áp đẫm máu ấy. Nó bảo, khi đoàn thế biểu tình như nước vỡ bờ, cho máy bay lượn sát rạt trên đầu vẫn không uy hiếp nổi, quan thầy chúng nó sợ nông dân Hưng Nguyên kéo xuống phá phủ lỵ Hưng Nguyên xong tràn xuống lấy nốt cả Thị xã Vinh, nên đã cho lệnh thả bom và điều lính lê dương lên dùng súng máy bắn chặn…”. Cụ giáo Diệu khi ấy còn nhỏ, nhưng thân sinh cụ là nhà cách mạng lão thành Trần Khiếu thì có chứng kiến vụ thảm sát ấy. Thế hệ cụ Khiếu chưa giành, giữ được thành quả đấu tranh, thì thế hệ cụ Diệu đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền thành công vang dội, có thể là nhờ sự ủng hộ của anh linh các anh hùng liệt sỹ tiền bối chăng? Chỉ day dứt, sử chép có tới 217 người hy sinh ở sự kiện ấy, nhưng trong bia tưởng niệm Đài liệt sỹ Thái Lão mới chỉ thấy biên tên tuổi 114 người?
Cụ giáo Diệu rành rẽ với tôi là, từ tiếng vang sự kiện 12/9 ấy, Nguyễn Ái Quốc mới báo cáo Quốc tế cộng sản để công nhận chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng là một tổ chức trong phong trào cộng sản quốc tế, và cũng từ đó, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai ở huyện Hưng Nguyên mới dâng cao hơn bao giờ hết, góp phần giành thắng lợi lớn trong Cách mạng Tháng Tám. Năm 1961, khi về thăm quê nhà lần thứ 2, Bác Hồ cũng đã dừng chân vào đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở Đài liệt sỹ Thái Lão.
Đã 84 năm. Máu anh hùng nhuộm đỏ ruộng bùn ngày ấy là trên những cánh đồng làng Ngọc Điền, Chi Nê, Yên Nậu, nay đã là những khối phố của Thị trấn Thái Lão. Nhưng ban đầu, từ năm 1956, khi có chủ trương lập huyện lỵ Hưng Nguyên, vùng làng Thái Xá trước thuộc Thái Lão, nay thuộc Hưng Đạo được chọn là, cách quy hoạch bây giờ hàng cây số. Sau vướng mắc gì đó, thị trấn phải giải thể để quy hoạch lại như bây giờ, lấy làng Chi Nê của xã Thái Lão làm trung tâm. Nghĩa là nơi chốn trung tâm phồn thị cuối cùng cũng chuyển dịch xuống phía dưới ôm ấp, xum vầy với di tích thiêng liêng dăm Nhà Hôn - Đài liệt sỹ Thái Lão.
Nhà giáo Thái Huy Bích - Chủ tịch Hội cựu giáo chức huyện, ngụ ở khối 4, Thái Lão, chưa xong bữa cơm trưa, không màng vẻ hối lỗi của tôi là đến quấy quả vào giờ này, say sưa nói về những kết quả đi thực địa và tra cứu thư tịch về một ngôi làng cổ của huyện Hưng Nguyên, đi đến kết luận, đất làng cổ Thái Xá của xã Thái Lão xưa (tức xóm 4b, Hưng Đạo nay) là ở vùng đồng Khuông Ràn còn lưu những dấu tích, giai thoại. Và đó có mộ cụ Hồ Thế Viêm - tổ 5, đời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (Sách “Nghệ An ký” của Tiến sỹ Bùi Dương lịch thì có viết: “Nhạc (Nguyễn Nhạc, anh Nguyễn Huệ) có nói tổ 4, đời của Nhạc ở đó”); sách “An Tĩnh cổ lục” của Le Breton, nguyên Đốc học Trường Quốc học Vinh có ghi: “Làng Đông Thai (tên chữ là Thái Xá) nằm phía Nam của núi Đại Hải. Đó là cái nôi của dòng họ Tây Sơn”. Thư tịch, sử sách là vấn đề lớn, tôi không dám mạo muội bàn, nhưng kể đúng thế thì huyện lỵ Hưng Nguyên nay hẳn có một âm vọng giá trị văn hóa, lịch sử không nhỏ, cần được khẳng định, khơi gợi phát huy, để cùng với địa chỉ cách mạng thiêng liêng Đài liệt sỹ Thái Lão làm nên niềm tự hào dày truyền thống yêu nước và cách mạng.
10 khối trung tâm Thị trấn Thái Lão nay thuộc không gian làng Chi Nê xưa. Những năm tháng hào hùng cao trào Xô Viết, làng Chi Nê được coi là trù phú nhất. Làng này vốn ở trên cánh đồng trũng, nên được các cụ sành nho học ngày trước đặt tên chữ là Chi Nê tức “bùn thơm”, đối diện qua một con sông tấp nập thuyền bè là làng Ngọc Điền, do có tràm cây giữ đồng lúa xanh rờn, cò trắng về trú đậu đẹp như tranh vẽ, nên các cụ đặt tên thế ý nói “viên ngọc giữ đồng”. Làng Ngọc Điền xa xưa có xưởng đóng thuyền, có thể là cả thuyền chiến, nên binh sỹ mấy triều đại phong kiến trước tuyển người mấy làng lân cận đều là thủy binh (theo ý kiến khảo cứu của nhà giáo Phan Huy Bích).
Làng Chi Nê còn có tên gọi Kẻ Nẩy, trước gồm 4 xóm Hồ, Tùng, Kỳ và Kẻ Ráo. Xóm Tùng có đền Nghè thờ “Bản thổ Tùng Sơn mãnh tướng hổ Bôn” là một vị thần họ hồ có công diệt hổ. Xóm Hồ có đền Cả, là một ngôi đền lớn thờ thành hoàng làng, còn lưu quy định lễ tế: “Ngoài Xuân tế và Thu tế, cứ 3 năm đại tế một lần, mỗi hộ phải làm một cỗ xôi, mỗi suất đinh phải đóng 5 tiền dùng để mua trâu, bò, lợn và các đồ lễ tế khác. Cả làng cúng xong, chia xôi và thịt sống theo suất đinh về nấu ăn với gia đình. Chỉ những chức sắc và người phục dịch mới được ăn uống tại đền…”. Sông xưa dáng làng cũ và những đính chùa không còn, nhưng tên làng, tên đất vẫn còn đấy, điểm thêm cho dày dặn dòng lịch sử, văn hóa đất Thái Lão hôm nay.
Thái Lão đất cổ trải mấy thời kỳ chuyển mình xây dựng và phát triển, giờ đã thực sự đổi mới diện mạo phố thị, với quy hoạch khối phố kiến thiết khang trang, giao thông mở ra lưu thông thuận lợi vươn về các vùng trong huyện; những công trình di tích đài Liệt sỹ quy mô và trang nghiêm, đền Ngọc Điền - di tích lịch sử cấp tỉnh đang trong quá trình tôn tạo, phục dựng cả về vốn văn hóa phi vật thể, cùng với giai thoại huyệt mộ, gốc gác tổ tiên vua Quang Trung trên núi Thái, đồng Khuông Ràn phía trên Hưng Đạo, đã tạo cho thị trấn vị thế “gạch nối” du lịch hành hương giữa hai trọng điểm du lịch của tỉnh nhà là Thành phố Vinh và Kim Liên - Nam Đàn. Đó cũng là những cố gắng, nỗ lực lớn của hôm nay để xứng với tiền nhân vậy!
Vậy là, tôi tự an ủi đã “giải” được một phần câu nói của anh áo xanh ở Đài liệt sỹ Thái Lão. Nguyên cớ của một cuộc chuyển dời một quy hoạch huyện lỵ đôi khi người trong thời, trong cuộc rõ, có thể chẳng liên quan mấy đến những dẫn giải thời gian, không gian lịch sử, văn hóa. Nhưng đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ trong cuộc tranh đấu giành độc lập tự do ngày 12/9/1930 ấy, trong suy nghĩ lớp hậu thế hôm nay, đều xuất phát từ sự tri ân và niềm tự hào, thì có gì lạ khi bắt đầu có những hướng vọng tâm linh thành kính...