Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Phạm Thị Dung - Người cầm cờ đi đầu trong cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 của nhân dân Can Lộc

Nguồn Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh 19/10/2024 20:02

Chị Phạm Thị Dung đã đi khắp nơi trong tổng Phù Lưu để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng, xây dựng các cơ sở cách mạng, nhất là vận động chị em phụ nữ ở vùng Hạ Can Lộc, chuẩn bị tham gia đấu tranh cách mạng khi Đảng phát động. Chị Phạm Thị Dung đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tròn tuổi 20.

Chị Phạm Thị Dung (1910-1930), quê ở làng Kẻ Lũ (nay là xã Tân Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Là một người con gái thông minh và hiền lành, lại được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha và chú ruột là những người đã tham gia phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp ở quê nhà. Anh ruột là đảng viên Đảng Tân Việt và rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới thành lập. Sẵn có tinh thần yêu nước, được tiếp xúc với tầng lớp thanh niên tiến bộ lúc bấy giờ như anh Hồ Ngọc Tàng, Hồ Thân, Mai Hưu, Hồ Thuyết... sau này đều là những chiến sĩ kiên cường, những đảng viên ưu tú của Đảng Cộng sản, chị Phạm Thị Dung được giác ngộ cách mạng và có ý thức đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh tư liệu: Đồng Anh- BHT
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh tư liệu: Đồng Anh- BHT

Qua sự tận tình dìu dắt của các đồng chí, chị đã tham gia một số hoạt động cách mạng như đưa chuyển tài liệu, dẫn đường, quyên góp tiền bạc giúp đỡ các đồng chí trong công tác. Khi chi bộ Đảng ở Kẻ Lù được thành lập, chị đã sớm đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, tiên phong trong các hoạt động cách mạng.

Dựa vào công việc gia đình, chị Phạm Thị Dung đã đi khắp nơi trong tổng Phù Lưu để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng, xây dựng các cơ sở cách mạng, nhất là vận động chị em phụ nữ ở vùng Hạ Can Lộc, chuẩn bị tham gia đấu tranh cách mạng khi Đảng phát động. Vất vả, cực nhọc, đi đêm về hôm và chịu nhiều tiếng dèm pha của những kẻ xấu bụng, nhưng chị vẫn không nản, một lòng tin tưởng vào tương lai của phong trào cách mạng, tin vào sức mạnh quần chúng nhân dân. Khi thấy công tác có kết quả, phong trào đấu tranh đi lên, chị vô cùng phấn khởi. Việc chung là vậy, còn tình riêng của chị vẫn không quên. Chị đã hứa hôn với một đồng chí trong chi bộ, hẹn sau cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 sẽ tiến hành lễ cưới.

Để thiết thực kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1930, Huyện ủy Can Lộc quyết định tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn của nhân dân Hạ Can Lộc kéo về huyện lỵ đấu tranh. Công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo, khẩn trương. Như bao lần đấu tranh trước, chị Phạm Thị Dung được giao nhiệm vụ tổ chức vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình. Sốt mấy ngày liền không nghỉ, chị đi qua từng xóm, từng tổ, kiểm tra tỉ mỉ mọi công việc: người cầm cờ, người cầm băng khẩu hiệu, khẩu hiệu nội dung như thế nào, hô khẩu hiệu, người bắt nhịp, người gõ mõ, người đánh trống...

Chiều tối 7/11/1930, cuộc biểu tình bắt đầu, quần chúng nhân dân vùng Hạ Can Lộc từ 3 xã Ngọc Mỹ, Thanh Dương, Đỉnh Lữ, Đại Lữ, Yêm Điềm... đội ngũ chỉnh tề, băng cờ bay phần phật, tiếng trống mõ liên hồi, khẩu hiệu hô vang. Đoàn biểu tình khí thế rung trời chuyển đất, băng qua chợ Lù, vượt đường Truông Gió, tập trung tại chợ Đìng Sóc. Tại đây, chị Phạm Thị Dung, đảng viên Đảng Cộng sản, thay mặt ban lãnh đạo, đứng lên nói chuyện với quần chúng, nói rõ mục đích ý nghĩa của cuộc biểu tình tuần hành thị uy, kêu gọi nhân dân chống áp bức cường quyền, động viên khí thế quần chúng, tuyên bố kỷ luật đi đường, rồi hô vang một số khẩu hiệu. Đoàn biểu tình rất phấn khích reo vang tiến về huyện lỵ Can lộc. Chị Phạm Thị Dung cầm cờ đỏ đi đầu đoàn. Hơn 1.000 người rầm rập tiến lên như nước vỡ bờ, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:

- Đả đảo bọn đế quốc phong kiến giết người.
- Chống sưu cao thuế nặng.
- Ủng hộ Liên bang Xô viết công nông.

Khi đoàn biểu tình gần đến cầu Nghèn, bọn lính khố xanh trong đồn hốt hoảng nổ súng, một số người trúng đạn. Chị Dung vẫn bình tĩnh thét lên: “Hãy giữ vững hàng ngũ”. Ngọn cờ búa liềm trên tay chị vẫn bay phần phật trước gió, như vẫy gọi đoàn người tiếp tục tiến lên. Một viên đạn nổ, chị Dung ngã xuống tay vẫn còn cầm chắc cán cờ và miệng vẫn còn hô thêm: “Các chị em hãy bình tĩnh tiến lên”.

Chị Phạm Thị Dung đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tròn tuổi 20 chưa thực hiện được dự định lễ cưới của mình. Chị Phạm Thị Dung hy sinh là một tổn thất lớn cho Đảng bộ địa phương và phong trào đấu tranh của nhân dân Can Lộc. Nhưng tấm gương dũng cảm kiên cường của chị mãi mãi là nguồn động viên khích lệ quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân 15 năm sau đó, thực hiện được ước muốn cao cả và cháy bỏng của chị vào sự tất thắng của cách mạng.

Thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) hôm nay. Ảnh tư liệu BHT
Thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) hôm nay. Ảnh tư liệu BHT
Theo btxvnt.org.vn
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/pham-thi-dung-1910-1930
Copy Link
https://btxvnt.org.vn/chi-tiet-bai-viet/pham-thi-dung-1910-1930
Mới nhất
x
Phạm Thị Dung - Người cầm cờ đi đầu trong cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 của nhân dân Can Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO