Gặp người khơi nguồn “Tiếng hát từ Làng Sen”

14/05/2010 13:42

(Baonghean) - Giữa những ngày tháng Năm lịch sử, khi Lễ hội Làng Sen toàn quốc bắt đầu trẩy hội. Tôi cùng đồng nghiệp tìm về làng Phong Hồ, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc để gặp ông Nguyễn Hữu Thuông - người khơi nguồn “Tiếng hát từ Làng Sen” năm nào.

Làng Phong Hồ, một sáng hè nóng bỏng, ngõ vào nhà ông sâu hun hút với rất nhiều con ngách xẻ dọc, vắt ngang. Đón chúng tôi trong cái bắt tay nồng ấm. Khác với những gì tôi tưởng tượng về một vị lãnh đạo, ông Thuông có một gương mặt phúc hậu, nho nhã, dáng người nhỏ nhắn, thanh tao, cử chỉ nhân hòa, thân mật. Ông Nguyễn Hữu Thuông thực sự xúc động khi nghe chúng tôi đề cập đến ý định của thế hệ con cháu chúng tôi muốn hiểu được “vạn sự khởi đầu nan” của Lễ hội làng Sen được bắt đầu như thế nào?. Vì sao, đất nước trong những năm của thập niên 80 vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả thế mà những thế hệ như ông đã có những ý tưởng rất nhân văn và đậm sâu văn hoá đến vậy ?..


Ông Nguyễn Hữu Thuông. Ảnh: Hồ Hà

Mới đó mà đã gần 30 năm trôi qua, đời người như phút chốc.
Ông Thuông bắt đầu kể: gia đình ông làm ruộng, bố ông là cán bộ tiền khởi nghĩa 1930 - 1931. Thuở ấu thơ, mỗi lần lí lắc theo bố, ông rất thích được nghe lỏm những câu chuyện đàm đạo về việc nước, việc dân của những cán bộ hoạt động cách mạng. Uớc mơ trở thành bộ đội để được trực tiếp đi đánh trận ươm mầm trong con người ông từ những năm tháng ấy, nảy nở lớn dần theo năm tháng.

Năm lên 9 tuổi, Phụ thân ông gọi ông lại và nói:" Phải học thôi, có kiến thức mới giúp được đất nước con ạ". Thế là ông được đi học sơ học, tiểu học tại trường Quốc học Vinh. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, Quốc học Vinh biến thành trại lính Nhật.

Bỏ dở chuyện học, ông tham gia ngay vào cách mạng, làm thư ký ban cứu tế xã hội Việt Minh, đêm tham gia rải truyền đơn, ngày đi quyên tiền gạo giúp người nghèo. Rồi tham gia cướp chính quyền ở xã, làm thư ký Ủy ban Lâm thời của xã; Thường vụ Đoàn Thanh niên cứu quốc. Năm 1947, nhờ có chút kiến thức nên ông tham gia dạy học ở quê, trường tiểu học Quốc lập Nghi Lộc 3. Năm 1949, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, lúc đó Nguyễn Hữu Thuông vừa tròn 20 tuổi.

Năm 1950, ông vào bộ đội, được cử đi học lớp hoa tiêu máy bay tại trường không quân và sau đó trở thành lính pháo thủ cao xạ trong chiến dịch Hòa Bình. Tốt nghiệp, ông được điều về Tỉnh đội Thái Nguyên làm thư ký riêng cho Tướng Chu Văn Tấn. Năm 1957, ông chuyển về Liên khu 4. Năm 1958, ông về Ty Văn hóa công tác. Năm 1967, Trường Văn hóa Nghệ thuật thành lập, cấp trên lại điều ông về làm Hiệu trưởng. Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh sát nhập, ông lại được điều về làm Giám đốc Nhà Văn hóa Nghệ Tĩnh.

Ông Thuông nhớ lại: Hồi đó, cả bộ máy Nhà Văn Hóa chỉ có 11 người nhưng có tới 3 chức năng hoạt động: Hướng dẫn nghề nghiệp phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng cho 24 trung tâm văn hóa huyện, thành thị; xây dựng hệ thống cơ sở từ tỉnh, xuống huyện, xã và các cơ quan đơn vị xí nghiệp; Tổ chức các hoạt động phục vụ (chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, phục vụ lễ hội, thông tin triển lãm...). Trong đó, Hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm là hoạt động trọng tâm.


Đoàn TP.HCM trong Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen lần thứ nhất.


Hồi đó, ông Thuông nghĩ: Nếu hội diễn năm nào cũng tổ chức giống năm nào thì sẽ đơn điệu, tẻ nhạt. Vì vậy, phải sáng tạo ra chủ đề mới cho mỗi lần hội diễn để lôi cuốn diễn viên lẫn người xem. Suốt thời gian sau đó, nhiều đêm trắng trằn trọc với ý tưởng về một hội diễn chủ đề về Bác Hồ được ra đời ? Nhưng chẳng lẽ chỉ có những ca khúc chính trị và năm nào cũng như thế thì khô khan quá? Không lẽ, khởi nguồn từ mảnh đất của các điệu ví, câu dặm nổi tiếng cả vùng, chỉ dừng lại là "Liên hoan tiếng hát làng Sen" thôi ư ?. Như vậy thì nó vẫn chưa đạt tới được ý tưởng nhân bản là tổ chức được liên hoan hát về Bác Hồ, ca ngợi công lao trời biển Bác Hồ ! Và tiếng hát làng Sen không phải chỉ riêng của Nghệ Tĩnh mà phải cho cả nước. Có như vậy mới thể hiện hết nội hàm lớn lao kia được. Ông đem trăn trở này tâm sự với đồng nghiệp. Thế rồi, ý tưởng một loại hình sân khấu không chuyên hát về Bác Hồ với tên gọi đầy đủ "Tiếng hát từ Làng Sen" ra đời, được tổ chức công diễn vào dịp 19/5 trên quê hương Bác Hồ kính yêu.

Ông Thuông vẫn nhớ như in, năm đó là năm 1981, lúc bấy giờ ông Thuông đem ý tưởng liên hoan bài hát về Bác Hồ đã chín muồi tâm sự với ông Phùng Xuân Bính, Giám đốc Nhà Văn hóa Trung ương. (Ông Bính là đồng chí cùng đơn vị một thời). Sau khi nghe xong, ông Bính đồng ý ngay. Sau đó cả hai người lên trình bày với Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu (Bộ trưởng Bộ Văn hóa), Bộ trưởng nghe xong đồng ý liền. Nhưng rồi từ lúc đó đến khi mọi cái hoàn toàn xong thủ tục thì đúng là một cuộc trường chinh vất vả. Ông Thuông tâm sự: Sau khi mở cuộc họp cán bộ công nhân viên Nhà văn hóa, mời một số văn nghệ sỹ như họa sỹ Đào Phương, nhạc sỹ Lê Hàm tham gia, ông sang trình bày với đồng chí Trần Quang Đạt (Chủ tịch tỉnh), trực tiếp gặp đồng chí Trương Kiện (Bí thư Tỉnh ủy).

Hôm đó, vừa vào cổng Tỉnh ủy thì thấy xe con chở bí thư tỉnh ủy đi ra: "Ông Thuông đi mô đó ? - "Tui sang gặp anh, anh lên xe rồi thì xin anh hẹn lúc khác !" - "dài không, nếu ngắn cứ nói !"- Anh mà quyết chỉ một câu là xong". Ông Thuông nhanh chóng trình bày ngắn gọn ý tưởng tổ chức Liên hoan hát về Bác Hồ, lấy tên: “Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen” (LHTHTLS) tỉnh hàng năm, đã được Bộ đồng ý tổ chức Toàn quốc 5 năm một lần! Nghe xong, ông Kiện cười: "Mình ủng hộ 100%, anh Đạt ký chưa?"- " Anh Đạt ký rồi, giờ anh ký tắt để tui về thảo lại, hôm sau đưa sang anh ký chính thức". Ông Kiện kê cặp và đặt tờ giấy lên mui ô tô rồi ký rẹc. Hôm sau, ông Thuông đích thân mang văn bản có chữ ký của bí thư và chủ tịch tỉnh ra trình Bộ Văn hóa, được bộ trưởng đồng tình. Ông Thuông thở phào nhẹ nhõm, trở về soạn thảo giấy mời gửi những tỉnh gắn với cuộc đời hoạt động của Bác gồm: Nghệ An, nơi chôn rau cắt rốn; Huế nơi Bác học; Phan thiết, nơi Bác dạy học; Thành phố HCM, nơi Bác đi tìm đường cứu nước; Cao Bằng, nơi Bác trở về; Thái Nguyên, nơi Bác đóng Thủ đô kháng chiến; Tuyên Quang, nơi Bác mở Hội nghị Tân Trào; Hà Nội, nơi Bác làm việc đến cuối đời.... 14 tỉnh thành sau khi nhận được giấy mời đồng lòng hưởng ứng!. Thế nhưng, giữa lúc 14 tỉnh, thành đang công phu dốc lòng hoàn thiện chương trình về Làng Sen tham gia hội diễn, bỗng nhận được công văn của Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Khánh ký gửi thẳng xuống 14 tỉnh thành... "Đồng ý LHTHTLS của Nghệ Tĩnh, nhưng đề nghị hoãn đến năm sau vì năm nay Nghệ Tĩnh đang đói kém mất mùa...". Tin đó đến khiến ông Thuông hụt hẫng vô cùng. Thế nhưng ông vẫn nhất quyết, phải tìm mọi cách, phải làm cho kỳ được. Ông mang sáng kiến “chữa cháy” trình với giám đốc Sở Văn hóa Trần Nhật Tiến: "Ta thu hẹp quy mô, cứ làm để tạo đà cho tương lai". Ông Tiến gật đầu tán thành. Rồi cả bí thư và chủ tịch tỉnh đều động viên "cứ quy mô nhỏ, mà làm!" Ông ra Hà Nội gặp ông Bính và cả hai lại trực tiếp ra Bộ Văn hóa rồi sang Văn phòng Trung ương Đảng. Ông Bính quyết định, nhà văn hoá Trung ương sẽ cử vào một đoàn; lại bàn với ông Trương Bao - Giám đốc Nhà Văn hoá Hà Nội "cứ nói là không nhận được công điện, đã cho đoàn vào tham gia"; rồi lại điện thoại cho Nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng, Phó Giám đốc Sở văn hoá TP HCM. Cuối cùng có 6 đoàn nghệ thuật quần chúng đã có mặt tham gia LHTHTLS lần thứ nhất. Thoắt cái, mới đó mà đã gần 30 năm. Liên hoan “Tiếng hát từ Làng Sen” giờ đã phát triển thành “Lễ hội Làng Sen” (LHLS).


Lễ hội làng Sen... Ảnh: Hồ Hà


Từ lúc khởi nguồn đến nay, LHLS đều tiến hành trên quê Bác. Nhiều sáng tác mới về chủ đề Bác Hồ dựa theo nền dân ca phát triển thành dân nhạc, dân vũ đậm đà bản sắc vùng miền. Và cho đến hôm nay, nhiều sáng tác, nhiều bài hát không biết những tác giả là ai nhưng được thể hiện rất thành công qua chất giọng của các diễn viên tự nguyện. Riêng xứ Nghệ, cùng với các đoàn cấp huyện, cấp xã, còn có cả những đoàn đặc biệt. Thể hiện tấm lòng thành kính với Bác, nhân dân xứ nghệ đã có nhiều “đoàn gia đình”, “đoàn làng xóm” cử người đến đăng ký được thi tài hát về Bác Hồ. Từ những em bé mẫu giáo đến những người suốt đời tảo tần nơi đồng quê chiêm trũng vẫn tự tin lên sân khấu hát về Người.

Tôi hỏi ông: vì sao ngày đó ông lại có được một ý tưởng văn hóa tuyệt vời đến thế? Ông cười lớn, thoải mái: Dân họ quý tôi nên họ thường gọi là "Thuông Làng Sen", chứ để có được LHLS hôm nay, công lao thuộc về cả tập thể - Những người nghệ sỹ chuyên và không chuyên.

Con người ấy giờ đã bước sang tuổi 82, nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông bảo, không ai tránh được tuổi già, không thể nào trốn chạy nó, nhưng ông vẫn còn nhiều công việc phía trước phải hoàn thành. Thế nên nghỉ hưu rồi ông vẫn bận rộn tham gia Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi. Đặc biệt là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ở Nghi Xuân.

Tiễn tôi ra cổng, ông bảo nhất định sẽ mời tôi ghé thăm Câu lạc bộ thơ xã Nghi Xuân do ông làm chủ nhiệm: "trăm nghe không bằng một thấy". Thế đấy, với Nguyễn Hữu Thuông, khi được làm việc là được cống hiến, được sáng tạo bằng tất cả nhiệt huyết của mình ...

Hồ Hà

Mới nhất
x
Gặp người khơi nguồn “Tiếng hát từ Làng Sen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO