Gặp người lính đặc công rừng Sác
(Baonghean) - Ngày xưa, mỗi lần nghe tiếng đặc công rừng Sác, bọn Mỹ - Ngụy phải kinh hồn bạt vía bởi sự tinh nhuệ và dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu. Trong hàng ngàn chiến sỹ của Trung đoàn Đặc công rừng Sác có không ít người đến từ quê hương Nghệ An. Dịp này, chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Viết Dũng - người con của quê hương Nghệ An từng có mặt trong đội quân đặc công rừng Sác và được nghe ông kể những câu chuyện thời chiến đấu...
Ông Nguyễn Viết Dũng và những kỷ vật thời chiến đấu. |
Chúng tôi tìm về xóm 8, xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) tìm gặp ông Nguyễn Viết Dũng vào một ngày cuối tháng 4, cả nước đang cùng hướng đến dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ở tuổi 63, ông Dũng vẫn còn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, đôi chân và đôi tay vẫn còn rắn chắc. Có lẽ, những năm tháng tôi luyện ở chiến trường đã giúp ông có được nguồn sức lực dồi dào, sự dẻo dai ấy. Bên ấm chè xanh, người chiến sỹ đặc công rừng Sác năm xưa kể lại những kỷ niệm thời chiến đấu. Mở đầu câu chuyện, ông Dũng bộc bạch: “Thế hệ chúng tôi, hầu hết đàn ông đều cầm súng đánh giặc, đối mặt với bao hiểm nguy, gian khó. Nhưng đã làm lính đặc công, sự gian khó, hiểm nguy càng tăng lên bội phần, ranh giới giữa sự sống và cái chết luôn chỉ cách nhau gang tấc. Vì thế, được trở về với gia đình, quê hương thực ra là một may mắn”.
Nguyễn Viết Dũng sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Xuân, vùng quê nằm ở hạ nguồn sông Lam, nơi có chiếc cầu Yên Xuân nổi tiếng trong lịch sử. Năm 1970, cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, chàng thanh niên 19 tuổi ấy tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ với khát vọng đem sức mình góp phần chiến thắng quân xâm lược, đem lại hòa bình cho quê hương. Vào quân ngũ, Nguyễn Viết Dũng được biên chế vào đơn vị đặc công nước, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Một năm trời huấn luyện ở Hải Phòng. Đã hơn 40 năm trôi qua, ông Dũng vẫn chưa thể quên những đêm Đông giá rét cùng đồng đội luyện tập vượt sông. Cái lạnh thấm qua làn da, thớ thịt rồi vào tận xương tủy. Có lúc, nằm giữa bãi sình lầy cả ngày trời, mặc cho muỗi và các loài côn trùng thi nhau cắn vào da thịt. Những lúc như thế, bản lĩnh của người lính đặc công được tôi luyện thêm dạn dày, tất cả mọi người đều bày tỏ quyết tâm sẵn sàng chịu đựng gian khổ, sẵn sàng hy sinh để làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc. Huấn luyện xong, Nguyễn Viết Dũng được điều chuyển về Trung đoàn Đặc công rừng Sác. Lúc này, ông cùng đoàn quân băng rừng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vượt qua bao gian khổ dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù. Đó là chưa kể những trận sốt rét rừng hành hạ và quật ngã không ít đồng đội trên đường hành quân. Đơn vị của ông Dũng hoạt động ở vùng Đông Nam bộ với nhiệm vụ tham gia đánh các tàu và kho của địch trong cảng nhằm mục tiêu không để kẻ địch vận chuyển vũ khí, khí tài, xăng dầu và các loại nhu yếu phẩm đến các chiến trường để gây tổn thất cho quân ta. Và tại đây, người lính đặc công đến từ quê hương Nghệ An đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, nhiều lần đối mặt với hiểm nguy và cùng đồng đội đánh chìm 4 tàu vận tải của địch. Đồng thời, tham gia chống càn ở khu vực Đồng Nai và đánh chìm 2 tàu chiến của địch trên sông Thị Vải.
Ông Dũng vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên xung trận, vừa hồi hộp, vừa có chút lo âu giữa cảnh trời nước mênh mông, mưa như quất vào mặt, nhưng vượt lên tất cả vẫn là tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Lần ấy, đồng chí Đại đội trưởng Phạm Ngọc Bảy và người đồng hương Phùng Bá Điền được lệnh phải đánh thắng bằng mọi giá, phải vượt sông vào cảng Rạch Dừa (Vũng Tàu) để đánh chìm tàu địch. Ông cùng hai đồng đội nhận nhiệm vụ trinh sát, nắm rõ quy luật hoạt động, sau đó tìm cách tiếp cận tàu vận tải của địch. Chớp thời cơ địch sơ hở, 3 người đẩy khối mìn hơn 100kg áp sát mạn tàu, chỗ gần khoang máy, hẹn giờ nổ và rút lui an toàn theo mỗi người một hướng. Tại nơi trú ẩn, ông Dũng hồi hộp chờ đợi... Rồi một tiếng nổ lớn làm vang động cả một vùng sông nước, sau đó là một loạt những tiếng nổ nhỏ hơn.
Lửa trùm cả mặt sông, cột khói bốc cao nghi ngút và lan ra các làng mạc. Tiếng còi báo động hú vang, ca nô, tàu và máy bay của địch lũ lượt kéo đến nhưng đã muộn, có thể nói lúc này là vô phương cứu chữa. Nhiệm vụ cấp trên giao đã hoàn thành, chiến sỹ Nguyễn Viết Dũng sung sướng đến trào nước mắt. Lúc này, ông nhớ đến đồng đội đã hy sinh, rồi nhớ về quê hương, nơi bố mẹ mình đang tất bật với ruộng đồng, nơi những đứa em hàng ngày ra đồng mót từng củ khoai, bông lúa. Trở về cứ, 3 chiến sỹ gặp lại nhau, cùng nắm chặt tay nhau và nở nụ cười chiến thắng. Ngay sau đó, nước mắt lại tuôn rơi và bật lên những tiếng khóc nghẹn ngào khi nhớ tới các đồng đội đã ngã xuống: “Các anh ơi! Chúng tôi đã trả thù cho các anh rồi đó!”.
Người lính đặc công rừng Sác năm xưa cho biết, với lính đặc công, nhất là đặc công nước phải thực sự có ý chí sắt đá, vì phải luôn hoạt động trong môi trường hết sức nguy hiểm. Trong nhiều tình huống, ranh giới sống còn chỉ mỏng manh như sợi tóc. Để tiềm nhập vào cạnh tàu và kho bãi của địch ở các cảng, chiến sỹ đặc công rừng Sác phải lặn dưới mặt nước, miệng ngậm chiếc ống nhỏ để hít thở không khí. Ở những vị trí trọng yếu như kho hàng, bến cảng, địch thường xuyên canh phòng cẩn mật, chia thành nhiều lớp để canh gác. Đó là chưa kể hệ thống hàng rào thép gai, chó béc-giê. Để đề phòng đặc công ta tiềm nhập, bọn lính gác của địch thường xuyên ném thủ pháo xuống nước. Nhiều chiến sỹ của ta đã hy sinh vì trúng mảnh tạc đạn khi tiềm nhập. Vì thế, để hạn chế rủi ro và hy sinh, muốn chắc thắng phải thực hiện tốt việc trinh sát, nắm vững tình hình và quy luật hoạt động của kẻ địch. Các chiến sỹ đặc công phải dầm mình dưới nước cả ngày trời, ngậm ống thở hoặc ngụy trang dưới lớp cây lục bình để che mắt địch. Việc quan trọng nhất là phải nắm rõ lịch ăn, nghỉ của địch và tìm thời điểm sơ hở. Đồng thời, nắm rõ khoảng cách thời gian địch ném thủ pháo để khi địch vừa ném xong, các chiến sỹ lập tức tiếp cận mục tiêu, cài đặt mìn và hẹn giờ rồi rút lui an toàn, đảm bảo địch ném đợt tiếp theo sẽ không gây thương tích. Đó là chưa kể những lần thọc sâu vào vùng địch hậu, phải ém mình vào gốc cây, bụi rậm để không bị phát hiện bởi những kẻ tai mắt địch, để chó bec-giê không thể đánh hơi.
Có lúc, phải nằm giữa bãi sình hay giữa cánh rừng ngập mặn mấy ngày đêm để trinh sát tình hình địch. Những lúc như thế, mối lo lớn nhất không phải là họng súng hay thủ pháo của địch mà là những hàm răng sắc nhọn, hung dữ của lũ cá sấu. Vì bãi sình và rừng ngập mặn ở vùng Đông Nam bộ lúc bấy giờ cá sấu nhiều vô kể. Chính ông Nguyễn Viết Dũng đã từng chứng kiến cảnh đồng đội bị cá sấu vồ bị thương, máu chảy lênh láng rồi đọng thành từng vũng. Khi tiếp cận mục tiêu, mức độ rủi ro thường rất lớn, chỉ cần một sơ suất nhỏ hay bị địch phát hiện và ném thủ pháo xuống sông, cơ hội rút lui an toàn là rất hiếm. Nếu hy sinh, thân xác thường không được toàn vẹn, thường bị nước cuốn trôi mất tích hoặc làm mồi cho cá sấu. Nhưng đã là lính đặc công rừng Sác, ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, ai cũng không quản ngại hy sinh. Bởi lẽ, họ chiến đấu để trả thù cho đồng đội, trả thù cho những người thân yêu và ruột thịt đã ngã xuống vì bom đạn Mỹ - Ngụy.
Chiến sỹ đặc công nước trong đặc khu rừng Sác. Ảnh tư liệu |
Địa bàn hoạt động của các chiến sỹ đặc công rừng Sác thường là trong vùng địch khống chế nên sự che chở, cưu mang của đồng bào, nhân dân luôn có ý nghĩa sống còn. Ông Nguyễn Viết Dũng đã từng được du kích địa phương và bà con chia sẻ chuối xanh, măng rừng và củ nâu khi lương thực đã hết sạch. Trong một trận đánh, do nước sông chảy mạnh, ông và đồng đội bị dạt ra cửa biển. Tại đây, ông đã bám vào một chiếc thuyền đánh cá, được chủ thuyền cho nằm sát nơi đáy thuyền, bên cạnh mấy thúng cá, phủ tấm dù lên để che kín và chở về cứ. Và ông Dũng không thể nào quên kỷ niệm với vợ chồng bà Ba và ông Năm Kiệm. Cả hai vợ chồng đều tham gia hoạt động cách mạng, họ chiến đấu trọng đội quân du kích địa phương. Lúc bụng chửa vượt mặt, bà Ba vẫn theo chồng ra cứ. Rồi bà sinh hạ một cậu bé ngay giữa cánh rừng quân ta đang trú ẩn. Cậu bé ấy được vợ chồng ông Năm Kiệm đặt tên là Dũng để bày tỏ sự ngưỡng mộ với một người lính đặc công rừng Sác. Bởi lẽ, ông Nguyễn Viết Dũng lúc bấy giờ là tổ trưởng phụ trách tác chiến ở vùng này.
Ông Dũng tâm sự: “Với tôi, thời gian chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ là những năm tháng huy hoàng nhất và đáng tự hào nhất trong cuộc đời”. Cũng là điều dễ hiểu, thời chiến, người lính đặc công này từng được tặng thưởng Huân chương Chiến công (hạng Ba), 5 Bằng khen các loại, Huy chương Chiến sỹ đánh giao thông và là Chiến sỹ thi đua cấp trung đoàn. Và năm 1972, sau một lần thọc sâu vào vùng địch hậu, trinh sát và đánh cháy kho xăng địch, người chiến sỹ 21 tuổi ấy được kết nạp Đảng ngay giữa chiến trường. Và càng tự hào hơn, đến thời điểm hiện nay, Trung đoàn Đặc công rừng Sác của ông đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bản thân ông Dũng và người đồng chí, đồng đội và đồng hương Phùng Bá Điền đang được đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng.
Năm 1974, sau một trận tham gia chống Càn, Nguyễn Viết Dũng bị thương và được chuyển ra Bắc an dưỡng. Thời điểm 30/4/1975, hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông và các đồng chí thương binh cùng ôm lấy nhau reo hò sung sướng. Rồi nước mắt chợt tuôn rơi, giờ phút ấy ông nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại nơi chiến địa, không được chứng kiến ngày vui thống nhất hai miền.
Trở về cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Viết Dũng lại tích cực đóng góp tâm sức để xây dựng quê hương. Ông từng là đội trưởng đội sản xuất, nhiều năm làm bí thư chi bộ, hiện tại là chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Xuân. Trong chiến đấu là một chiến sỹ gan dạ, trong làm ăn sản xuất, ông Dũng được đánh giá là người nhiệt tình, năng động, dám nghĩ dám làm. Dưới sự điều hành của ông, HTX đang làm ăn ngày càng hiệu quả với việc phát triển các loại hình dịch vụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Năm trước, có dịp vào gặp mặt cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Đặc công rừng Sác và thăm lại chiến trường xưa, ông Dũng thực sự ngỡ ngàng trước bao đổi thay của vùng đất này. Những bãi sình, khúc sông, cánh rừng từng diễn ra những trận đánh ác liệt nay trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Tại đây, ông được gặp lại bà Ba (vợ ông Năm Kiệm) đã hơn 90 tuổi, vẫn kể vanh vách chuyện của mấy chục năm về trước. Và cậu bé Dũng cất tiếng khóc chào đời giữa cứ điểm chiến đấu nay đã là người đàn ông 41 tuổi. Dạo bước giữa Nghĩa trang rừng Sác, ông lại bùi ngùi nhớ về những đồng chí, đồng đội năm xưa đang yên nghỉ. Những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ và hy sinh lại hiện về mồn một như thước phim quay chậm...
Công Kiên