Gặp người tạc Tượng đài Bác Hồ trên quê hương Lenin

30/01/2017 08:10

(Baonghean) - Một ngày trung tuần tháng 11/2016, đoàn công tác tỉnh Nghệ An có mặt ở thành phố Ulyanovsk (Liên bang Nga). Cuối Thu, địa danh được ngợi ca là thành phố của rừng cây lãng mạn này đang vào mùa thay lá. Không vẻ nguy nga, ồn ã phố thị, Ulyanovsk khoác lên mình vẻ bình dị, tĩnh lặng cuốn hút rất riêng.

Tính cách người dân ở Ulyanovsk cũng rất đôn hậu. Ulyanovsk và Nghệ An có sự gắn bó sâu đậm với những ân tình lịch sử, hai địa phương là quê hương của hai con người vĩ đại: Vladimir Ilyich Lenin và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chuyến công tác ở Ulyanovsk, đoàn chúng tôi được làm việc với một người cộng sự, người bạn mới chân tình - nhà điêu khắc Oleg Klyuev. Tầm ngoài 40 tuổi, cao lớn và có chất giọng trầm ấm, Oleg Klyuev cho người đối diện cảm giác gần gũi, tin cậy. Oleg Klyuev là cái tên khá nổi tiếng trong giới điêu khắc ở xứ sở Bạch Dương, chuyên điêu khắc tượng V.I.Lenin và nhiều danh nhân lớn của nước Nga. Cũng vì vậy, vượt qua nhiều tên tuổi nghệ sỹ khác, Oleg Klyuev được lựa chọn là người đúc Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự kiến đặt tại khuôn viên Quảng trường mang tên Người ở TP. Ulyanovsk.

Tượng đài là nguyện vọng, tâm huyết thiết tha, thể hiện mối quan hệ kết nghĩa sắt son của hai địa phương Nghệ An và Ulyanovsk cũng như Hội người Việt Nam đoàn kết tại thành phố Ulyanovsk. Lễ khởi công xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện hồi tháng 6/2015, chuyến công tác lần này của đoàn Nghệ An ngoài việc bàn thảo thêm về các mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, còn có ý nghĩa hết sức quan trọng là kiểm tra, xem xét tính kỹ thuật, thẩm mỹ của phôi tượng trước khi vào khuôn đúc.

Lễ động thổ xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.Ulyanovsk. Ảnh Võ Hoài Nam
Lễ động thổ xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.Ulyanovsk. Ảnh Võ Hoài Nam

Nhà điêu khắc Oleg Klyuev rất chuyên nghiệp trong công việc. Trong căn phòng làm việc ngổn ngang những dụng cụ, bột đất, màu sơn, giá gỗ..., người đàn ông có nụ cười ấm áp, sôi nổi chia sẻ về cuộc sống dường như đã biến mất, còn lại một Oleg Klyuev rắn rỏi, thâm trầm, cẩn trọng khi phân tích, trình bày về ý tưởng thực hiện tượng đài và lắng nghe những góp ý, đề nghị của mọi người. Oleg Klyuev nói rằng, dù đã trực tiếp điêu khắc tượng của nhiều vĩ nhân, danh nhân dưới nhiều chất liệu, hình thức, kích cỡ nhưng với Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông vẫn không khỏi áp lực.

“Có thể nói đây là công trình đặc biệt nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Ở đây không chỉ có công việc thuần túy của một nhà điêu khắc, mà còn chứa đựng tình cảm trân trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam anh hùng” - nhà điêu khắc Oleg Klyuev chia sẻ.

Nhà điêu khắc Oleg Klyuev (bên phải) trao đổi với đoàn công táctỉnh Nghệ An. Ảnh: Khánh Trần
Nhà điêu khắc Oleg Klyuev (bên phải) trao đổi với đoàn công tác tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khánh Trần

Chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên trước khi nhận lời và ngay cả khi đã chính thức bắt tay vào việc, Oleg Klyuev không ngừng tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Người. Trong xưởng sáng tác của mình, ông treo kín các bức ảnh chụp Bác Hồ ở nhiều góc độ khác nhau; những thước phim về cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam được nhà điêu khắc của xứ sở Bạch Dương nghiền ngẫm, nghiên cứu.

Về phía tỉnh Nghệ An cũng đã chụp rất nhiều ảnh các mẫu tượng Bác Hồ để gửi cho Oleg Klyuev tham khảo thêm. Việc điêu khắc bức tượng vốn nhiều công đoạn phức tạp, vừa phải chân thực, toát lên được hồn cốt, thần thái giản dị, gần gũi mà vĩ đại của danh nhân, vừa phải đảm bảo được tính thẩm mỹ, nghệ thuật. Bên cạnh đó, với nhà điêu khắc Oleg Klyuev, việc đúc tượng Bác Hồ với những đặc điểm khác biệt giữa dáng dấp của một người Á Đông so với một người châu Âu cũng là thử thách lớn với đôi bàn tay nghệ sỹ của ông. Những người cộng sự chứng kiến quá trình lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của Oleg Klyuev đều phải thốt lên thán phục. Bao ngày dài, bao đêm trắng đã qua, với Oleg Klyuev, bức Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh không giản đơn chỉ là một tác phẩm điêu khắc thuần túy mà chứa đựng cả tấm chân tình, ngưỡng vọng dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Việt Nam thắm tình hữu nghị.

Sau gần một năm rưỡi với những tháng ngày trăn trở sáng tác, rất nhiều phần việc được tiến hành cẩn trọng và 4 đợt góp ý, chỉnh sửa, nhà điêu khắc Oleg Klyuev cơ bản hoàn thiện phôi tượng đài bằng thạch cao đảm bảo được yêu cầu cả về mỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.

“Công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa đặc biệt ở thành phố Ulyanovsk, thể hiện tình hữu nghị của hai quốc gia, hai dân tộc. Tâm niệm ấy luôn thôi thúc, soi sáng tôi trong quá trình sáng tác” - Oleg Klyuev trải lòng. Theo dự kiến, Tượng đài Hồ Chí Minh có chiều cao 5m, được đúc bằng đồng nguyên chất, đặt trên đài cao 3,45m, tọa lạc tại khuôn viên Quảng trường mang tên Người rộng hơn 2.000 m2 nằm cạnh Đại lộ Hồ Chí Minh ở quận Zasniazhsky, TP. Ulyanovsk. Công trình Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh tại TP. Ulyanovsk dự kiến khánh thành vào dịp Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 127 của Người (19/5/2017).

Thành phố Ulyanovsk bên dòng sông Volga êm đềm, thơ mộng. Ảnh: internet
Thành phố Ulyanovsk bên dòng sông Volga êm đềm, thơ mộng. Ảnh: internet

Tỉnh Nghệ An của Việt Nam và tỉnh Ulyanovsk của nước Nga cách nhau hàng vạn km, nhưng mối giao tình hữu nghị thể hiện trên nhiều lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội, tiêu biểu nhất là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga Vladimir Ilyich Lenin hiện hữu trong tâm thức, nhịp sống thường nhật của người dân hai tỉnh, hai đất nước. Nếu như tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một đại lộ mang tên Lenin thì tại TP. Ulyanovsk - trung tâm của tỉnh Ulyanovsk cũng có những dấu ấn Việt hết sức đặc sắc.

Và rồi đây, quảng trường, tượng đài mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên xứ sở Bạch Dương sẽ là biểu tượng, niềm tin cho những gì sắt son nhất, ấm áp nhất với không chỉ hàng ngàn người Việt Nam xa quê đang làm ăn, sinh sống ở Ulyanovsk nói riêng, nước Nga nói chung, mà còn với hàng triệu người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới có dịp qua đây.

Ulyanovsk là quê hương của Vladimir Ilyich Lenin. Ulyanovsk trước kia có tên gọi là Simbirsk, đến năm 1924 được đổi tên thành Ulyanovsk để tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại của nước Nga, người con của quê hương - Vladimir Ilyich Lenin (1870 - 1924), còn có tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov.

Trong mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô (cũ) cũng như Liên bang Nga ngày nay, Nghệ An và Ulyanovsk đã sớm có mối quan hệ gắn bó, được vun đắp qua nhiều thế hệ. “Đặc biệt, tính từ năm 2006 đến nay, mối quan hệ đó ngày càng phát triển lên tầm cao mới, Nghệ An và Ulyanovsk thường xuyên có những tiếp xúc, trao đổi các đoàn cấp cao; qua đó bàn thảo, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác không chỉ trên lĩnh vực văn hóa mà trên nhiều lĩnh vực khác nhau” - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nghệ An - ông Trần Khánh Thục cho biết.

Nhật Lệ - Khánh Trần


TIN LIÊN QUAN

Gặp người tạc Tượng đài Bác Hồ trên quê hương Lenin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO