Gas tăng giá và nỗi lo tiêu dùng
(Baonghean) - Các công ty kinh doanh gas vừa đồng loạt tăng giá bán lẻ khoảng 6.500 đồng/kg, tương đương mức tăng từ 78.000- 79.000 đồng/bình 12 kg kể từ ngày 1/12/2013. Với mức tăng này, hiện giá gas lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, đạt mức trung bình 485.000- 493.000 đồng/bình 12kg tùy từng hãng... Đây sẽ là khoản chi tiêu không nhỏ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Thị trường gas trong năm 2013 được đánh giá khá bình lặng nếu không có sự tăng giá đột biến lần này. Trong khoảng 5 tháng đầu năm, giá gas bán lẻ liên tiếp giảm. Những tháng sau đó, giá gas có sự tăng, giảm đan xen nhau ở các tháng, nhưng biên độ không đáng kể. Đến tháng 9, giá gas tăng 12.000 đồng/bình, tháng 11 tăng hơn với mức tăng 18.000đồng/bình, nâng giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng trung bình 405.000- 415.000 đồng/bình 12kg. Và đợt tăng giá đầu tháng 12 này với mức tăng gần 80.000 đồng/bình 12kg (tăng 19%) đã gây bất ngờ đối với người tiêu dùng. Theo lý giải của các công ty kinh doanh, gas trong nước tăng giá đột biến do giá gas thế giới nhập khẩu trong tháng 12 tăng 267,5 USD/tấn, lên mức 1.162,5 USD/tấn...
Nguyên nhân khiến gas tăng giá cao trong thời gian vừa qua là do trong nước không đủ đáp ứng với nhu cầu ngày càng nhiều của người dân, nên các hãng lớn vẫn phải nhập khẩu gas. Khi giá gas thế giới tăng thì giá gas trong nước cũng bị đẩy giá lên theo, mặc dù gas là mặt hàng thuộc diện phải đăng ký giá với các cơ quan nhà nước nhưng lại không bị quản chặt như mặt hàng xăng. Ngoài ra, lợi nhuận của mặt hàng này khá cao, thường nằm ở mức 30% nên mặc dù các hãng vẫn có lượng hàng dự trữ nhưng khi thấy giá gas thế giới có sự điều chỉnh liền đồng loạt tăng giá để có thể hưởng mức lợi nhuận cao hơn nữa.
Hãng Gas DAIHAI PETROL phân phối ga cho các đại lý ở Thành phố Vinh. |
Chị Nguyễn Thị Nhung, ở khối Trung Tiến - phường Hưng Dũng chia sẻ: "Vẫn biết gas tăng giá như hiện nay sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu hàng ngày, nhưng không thể dùng than hay củi đun nấu thay thế được. Chúng tôi không chỉ lo về giá mà còn có nỗi lo lớn hơn là nấu gas liệu có đảm chất lượng khi giá bán ngày một tăng cao. Bởi khách hàng hầu như thiếu thông tin về cách nhận biết bình gas thế nào là đảm bảo an toàn, chỉ biết khi hết gas gọi điện cho cửa hàng kinh doanh sẽ có nhân viên đưa đến tận nhà lắp đặt, phó mặc cho cửa hàng lựa chọn bình gas mà ít khi kiểm tra tình trạng bình, các thiết bị bảo vệ cũng như tem niêm phong, tem chống hàng giả".
Cũng trong tâm trạng lo lắng, Chị Nguyễn Thị Mây, chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống ở Ga Vinh cho hay: "Mỗi tháng cửa hàng tiêu thụ bình quân từ 5 - 7 bình gas loại 12kg, nay giá gas tăng đến "chóng mặt" buộc nhà hàng phải có phương án chuyển sang sử dụng bếp than tổ ong. Tính ra nấu than rẻ hơn nhiều so với gas, nhưng có cái khó là không thể làm đồ ăn nhanh được, mà tăng giá phần ăn để dùng gas rất dễ mất khách. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng có phương án cho giá gas đừng "phi mã", chỉ nên giữ giá ở mức 350.000 đồng bình/12kg là vừa"...
Những đối tượng chịu tác động lớn nhất của sự biến động về giá gas là những người thu nhập thấp, sinh viên, người lao động xa nhà phải tự nấu ăn hay đi ăn cơm hàng. Tại một cửa hàng bán đồ gia dụng phía ngoài cổng chợ Hưng Dũng, em Nguyễn Minh Châu - sinh viên Trường Đại học Y Nghệ An cẩn thận đọc đi đọc lại những thông số của một chiếc chảo điện mà vẫn cân nhắc chưa ngã giá. Không giấu vẻ ưu tư, Châu cho biết: "Nấu ăn bằng gas thì tiết kiệm thời gian và sạch sẽ, nhưng giá gas liên tục tăng giá thế này sinh viên chúng em không kham nổi. Ở dãy trọ chủ nhà không cho dùng bếp than nên nhiều bạn đã chuyển sang nấu bằng điện, nhưng em đang phân vân vì giá điện cũng cao nên không biết có rẻ hơn so với dùng gas hay không".
Mức tăng này không chỉ gây sốc cho người tiêu dùng mà chính giới kinh doanh gas cũng không khỏi bất ngờ dù trước đó đã có thông tin giá sẽ tăng mạnh. Theo ông Hoàng Văn Chương - chủ đại lý kinh doanh gas Thăng Long trên đường Nguyễn Sỹ Sách - TP Vinh: Mặc dù trước đó đã nghe thông tin từ các nhà cung cấp giá gas sẽ điều chỉnh tăng, nhưng khi nhận được bảng giá mới, ngay cả chúng tôi cũng giật mình. Giá gas biến động đã gây khó khăn cho việc kinh doanh của chúng tôi. Nhiều khách hàng mỗi khi gọi gas đều hỏi giá và liên tục thắc mắc, trong khi nghịch lý "tăng cao, giảm chậm" là vấn đề khó giải thích. Mấy ngày đầu tiên của đợt giá mới chưa phản ánh được hết sức tiêu thụ. Tuy nhiên, ở đợt tăng hơn 60.000 đồng/bình năm 2012 lượng khách giao dịch đã giảm đến 30%, đợt này giá tăng cao hơn, lượng hàng bán ra chắc chắn sẽ giảm mạnh so với tháng trước".
Khảo sát sau ngày 1/12 ở một số đại lý của các hãng gas Petrolimex, Dai Hai Petrol, Thăng Long, Hascom, Đại Việt... tại thành phố Vinh cho thấy, giá tăng không đồng đều, hiện mức giá các hãng có chênh lệch đáng kể. Một nhân viên bán hàng cho đại lý Dai Hai Petrol trên đường Nguyễn Phong Sắc (TP Vinh) cho hay: "Giá gas bán lẻ từ 1/12 niêm yết 485.000đồng/bình 12kg nhưng cửa hàng có cơ chế hỗ trợ khách hàng 20.000 đồng nên giá chỉ còn 465.000 đồng/bình". Còn tại một cửa đại lý gas trên đường Lê Viết Thuật giá bán là 455.000đồng/bình với lý do "đây là giá cạnh tranh, chúng tôi chấp nhận lãi ít bớt phần chiết khấu cho khách hàng nên chỉ tăng 50.000đồng/bình"... Còn đa phần các cửa hàng đều duy trì mức giá khoảng 485.000 đồng/bình 12kg. Sự chênh lệch giá giữa các đại lý kinh doanh đang khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng, nguồn gốc các hãng gas, trong khi cửa hàng nhỏ lẻ mọc lên như nấm trên địa bàn thành Vinh như hiện nay.
Như vậy việc gas tăng giá đột biến có thể phát sinh thêm nhiều vấn đề, nạn sang chiết gas lậu, gas giả sẽ càng có nhiều cơ hội để phát triển và việc buôn bán hàng kém trọng lượng cũng như thiếu an toàn là điều rất dễ xảy ra. Để giảm bớt gánh nặng và nỗi lo của người tiêu dùng trong cuộc "bão giá" về nhiên liệu này, cần sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan liên quan.
Ngọc Anh