Ghi nhận từ Liên hoan Dân ca ví, giặm Xứ Nghệ, Cụm 2
(Baonghean.vn) -Trong 2 ngày 30 - 31/5, Liên hoan Dân ca ví, giặm Xứ Nghệ, Cụm 2 đã diễn ra sôi nổi, hào hứng tại huyện Tân Kỳ. Liên hoan có sự tham gia của 4 đơn vị là thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, huyện Anh Sơn và huyện Tân Kỳ. Liên hoan được đánh giá là thành công trên nhiều mặt, nhất là ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Trước ngày diễn ra liên hoan, trên mỗi tuyến đường của huyện Tân Kỳ đã rợp sắc màu của băng rôn, pa nô về Liên hoan; Đài truyền thanh các xã liên tục phát những chương trình hát dân ca cũng như giới thiệu về liên hoan lần này.
Mặc dù trời liên tục đổ mưa, lại vào thời vụ thu hoạch mùa màng nhưng khán giả đến rất đông, chật kín cả hội trường trung tâm văn hóa huyện.
Tiết mục của Câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Thạch Sơn ( Anh Sơn).
Đã có tới 9 CLB, 157 nghệ nhân và diễn viên của 4 huyện thị đến với Liên hoan. Ông Nguyễn Ngọc Hợi, 77 tuổi, Chủ nhiệm CLB Dân ca Ví-Giặm xã Nghĩa Hội là nghệ nhân lớn tuổi nhất ở liên hoan. Năm 1999, sau khi rời bục giảng về nghỉ hưu, ông cùng với một số đảng viên cao tuổi sinh hoạt trong chi bộ đề nghị thành lập câu lạc bộ Dân ca Ví-Giặm và đã được chấp thuận. Câu lạc bộ ra đời đã thu hút trên 30 người tham gia đủ mọi lứa tuổi. Từ đó đến nay, CLB thường xuyên sinh hoạt, tập văn nghệ, tham gia các hoạt động văn hóa ở xã và huyện. CLB về liên hoan lần này có 43 người, diễn viên nhỏ tuổi nhất là cháu Nguyễn Thị Ngọc mới 8 tuổi. Hiện nay, tài sản lớn nhất của CLB là 73 bài hát, màn diễn xướng đã được các thành viên sưu tầm, tập luyện.
Cũng như nhiều CLB khác, các CLB của huyện Tân Kỳ như Thị Trấn, Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn đã trình diễn các tiết mục đặc sắc ca ngợi những sự đổi mới và trưởng thành nhiều mặt của mảnh đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Anh Nguyễn Tiến Dũng - Chủ nhiệm CLB Dân ca Ví-Giặm Thị trấn Tân Kỳ (đơn vị đạt giải nhất liên hoan) chia sẻ: Những làn điệu dân ca ví giặm Xứ Nghệ vẫn luôn được người dân chúng tôi gìn giữ, bảo tồn và phát huy. CLB chúng tôi với 20 thành viên đã chuẩn bị chu đáo cho liên hoan nay; những làn điệu lăm, nhuôn, suối, khắp, tập tềnh tập tang, đu đu điềng điềng làm giàu đẹp cho mảnh đất này và cả vùng Phủ Quỳ nói chung.
Ở Liên hoan lần này, các CLB đã xây dựng được chương trình nghệ thuật của riêng mình, bám sát quy chế, thể lệ, nội dung liên hoan, tuân thủ nghiêm túc tỷ lệ giữa cũ và mới; dàn dựng một cách công phu với các hình thức diễn xướng phù hợp với không gian, thời gian; Nghệ nhân biểu diễn có cảm xúc, thu hút người xem. Ở đây đã xuất hiện nhiều gương mặt mới, giọng hát ngọt ngào đằm thắm như Thu Thủy, Đình Chiến (CLB Kỳ Sơn – Tân Kỳ); Thanh Hương (CLB Đông Hiếu), Thu Thủy (CLB thị trấn Tân Kỳ), Thanh Hoa (CLB Nghĩa Đồng) v.v.. Có nhiều diễn viên nhỏ tuổi có triển vọng hát dân ca.
Theo NSƯT Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nghệ An, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan, thì vẫn còn một số tồn tại mà các CLB cần rút kinh nghiệm cho liên hoan lần sau và liên hoan cấp tỉnh sắp tới, đó là: Nghệ thuật hát giao duyền cần sự tinh tế trong cử chỉ, lời hát, bày tỏ tình cảm của mỗi bên, nhưng trong một số tiết mục yếu tố này chưa được chú ý đến; Số lượng phục hồi hình thức không gian diễn xướng cổ chưa được nhiều, số tác giả viết lời cho dân ca còn quá ít do vậy nhiều CLB biểu diễn trùng lặp khá nhiều ở một số tác phẩm phổ biến như “Thập ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm”, “Bần hát ghẹo”; Các CLB đã có ý thức sử dụng nhạc cụ dân tộc nhưng nhiều khi nhịp phách, giai điệu không phù hợp với người hát; Trang phục chưa tốt, sử dụng màu nâu là chủ đạo nhưng quá sẫm tạo gam màu tối trên sân khấu, hoa văn họa tiết mang dáng dấp đặc trưng vùng Nam Bộ, trình diễn chưa có nhiều sáng tạo…
Chắc chắn rằng những âm hưởng của cuộc liên hoan này sẽ lan tỏa và tác động tích cực thúc đẩy và mở rộng hơn nữa phong trào hát dân ca xứ Nghệ ở vùng này, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân./.
Thành Chung