Giá dầu thế giới giảm và những tác động đến kinh tế toàn cầu

06/11/2014 10:42

(Baonghean.vn) - Giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới những ngày gần đây tiếp tục giảm xuống mức thấp chưa từng có kể từ năm 2012. Nguyên nhân do đâu khiến giá dầu giảm như vậy và việc mất giá của loại “vàng đen” này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu?

Số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết đến cuối ngày 3/11, giá dầu thô giao tháng 12 giảm 1,98 USD, xuống còn 78,56 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất của loại nhiên liệu này kể từ giữa năm 2012. Giá dầu Brent cũng giảm 1,38 USD, xuống còn 84,28 USD. Như vậy, riêng trong tháng 10 vừa qua, giá dầu thô đã giảm tổng cộng 12%, mức giảm nhiều nhất trong vòng một tháng kể từ tháng 5/2012. Kể từ đầu năm tới nay, giá dầu đã giảm tổng cộng 20%. Có nhiều yếu tố tác động khiến giá “vàng đen” lao dốc. Đầu tiên là các yếu tố xuất phát từ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Giá đô la Mỹ trong tuần qua liên tục tăng giá, thậm chí đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua so với đồng Yên của Nhật Bản và cao nhất trong vòng hai năm qua so với đồng ơ-rô. Trước đây, đồng đô la mất giá thì giá dầu tăng lên, nay đồng đô la lên giá thì giá dầu giảm xuống. Lịch sử năng lượng toàn cầu cũng đã ghi nhận, cứ mỗi lần đồng đô la tăng giá, thì giá dầu thô lại giảm.

Ngoài ra, thông báo của Trung Quốc về công suất hoạt động các nhà máy của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua do đơn đặt hàng giảm và lãi suất tăng cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu giảm. Các nhà đầu tư lo ngại kinh tế Trung Quốc đang mất đà, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay khó đạt 7,5% như mục tiêu đề ra.

Một yếu tố nữa là lực cầu có chiều hướng giảm nhưng nguồn cung lại tăng do các quốc gia xuất khẩu dầu không ổn định như Lybia, Iraq, Nam Sudan và Nigeria thì nay lại gây ngạc nhiên với việc duy trì được sản lượng dầu ngay cả khi tình hình trong nước bất ổn hay dư cung dầu tại thời điểm nhu cầu thấp. Tại Iraq, bất chấp tình hình bất ổn do phải đối phó với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), xuất khẩu dầu từ khu vực phía Nam trong tháng 10 này sắp chạm ngưỡng kỷ lục, với 2,55 triệu thùng/ngày (mức kỷ lục là 2,58 triệu thùng/ngày). Hay quốc gia Bắc Phi Libya luôn chìm trong bất ổn, nhất là từ khi diễn ra cuộc lật đổ nhà độc tài Muhammad Gaddafi, cũng đã phục hồi khai thác dầu đạt mức 900.000 thùng/ngày vào cuối tháng 9 và được dự báo sẽ đạt 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Ngoài ra, các nước Nigieria, Angola cũng đẩy mạnh lượng khai thác dầu của mình.

Một nguyên nhân khác khiến giá dầu giảm đó là việc Ả-rập Xê-út quyết định giảm giá dầu bán cho Mỹ, động thái được cho là nhằm cạnh tranh với dầu đá phiến của nền kinh tế số một thế giới. Đây là tín hiệu cho thấy Ả-rập Xê-út -nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới quan tâm đến việc duy trì thị phần hơn là cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu. Tuy nhiên cũng có nhận định cho rằng Mỹ và Ả-rập Xê-út đã có thỏa thuận “ngầm” trong việc làm giảm giá dầu nhằm gây áp lực lên nền kinh tế đối thủ là Nga và Iran hay cả Venezuela trong bối cảnh kinh tế các nước này phụ thuộc lớn vào xuất khẩu năng lượng. Không thể nói chắc các toan tính của mỗi bên nhưng rõ ràng, kinh tế Nga có thể bị ảnh hưởng khi giá dầu thế giới giảm sâu. Với việc mỗi thùng dầu giảm 1 USD, tức ngân sách Nga sẽ mất đi 2 tỷ USD. Các quan chức Bộ Tài chính Nga ước tính việc giá dầu hạ sẽ làm giảm 2% tăng trưởng GDP của nước này.

Việc giá dầu giảm cũng sẽ ảnh hưởng tới Venezuela. Trên thực tế, nước này cần duy trì giá dầu ở mức 110 USD/thùng để trang trải các khoản chi ngân sách, cân bằng giá cả các mặt hàng nhập khẩu, qua đó, giúp bình ổn tình hình xã hội. Nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, Venezuela có thể phải tính tới giải pháp bán vàng dự trữ hoặc đề xuất các điều khoản hấp dẫn hơn trong việc đổi dầu mỏ lấy khoản vay từ các đối tác quốc tế, nhất là từ Trung Quốc. Ở một góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, việc giá dầu giảm sẽ khiến các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu lo lắng nhưng ngược lại sẽ là yếu tố có lợi cho nền kinh tế thế giới, là yếu tố để thúc đẩy sự tăng trưởng cho các nền kinh tế, từ đó tạo sự cân bằng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, nhiên liệu rẻ kích thích sản xuất vì khi giá dầu thay đổi 10% sẽ khiến GDP toàn cầu biến động khoảng 0,2%.

Như vậy có thể thấy giá dầu tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài những yếu tố kỹ thuật như cung – cầu tăng giảm thì giá dầu cũng là một con bài kinh tế quan trọng giữa các nước lớn để “mặc cả” lẫn nhau vì các mục đích chính trị, nhất là trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều điểm nóng như hiện nay. Vì thế cũng rất khó để đưa ra các dự báo dài hạn về giá dầu vốn không chỉ là là loại nhiên liệu cần thiết của thế giới mà còn được xem là một mặt hàng chiến lược trong cuộc chiến địa chính trị toàn cầu.

Huyền Chi

Giá dầu thế giới giảm và những tác động đến kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO