Giá dầu thế giới sụt giảm mạnh sau quyết định của OPEC

29/11/2014 08:39

(Baonghean) - Thứ Năm, ngày 27/11, sau 2 ngày họp chính thức và 5 giờ thảo luận chung, 12 thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định không cắt giảm sản lượng dầu mỏ của mình. Các nước OPEC vẫn giữ sản lượng ở mức 30 triệu thùng mỗi ngày như cách đây 3 năm, khi mà giá dầu thô Brent còn ở mức 100 USD/thùng.

TIN LIÊN QUAN

Sau cuộc họp ngày 27/11, OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng dầu mỏ của mình. Ảnh: Nabil al-Jurani/AP.
Sau cuộc họp ngày 27/11, OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng dầu mỏ của mình. Ảnh: Nabil al-Jurani/AP.

Ngay lập tức, thị trường dầu mỏ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định này. Giá dầu trong ngày đã giảm xuống đến mức thấp chưa từng thấy kể từ giữa năm 2010: giá dầu thô Brent chỉ còn ở mức dưới 72 USD/thùng, còn giá dầu West Texas Intermediate (WTI) chỉ còn 67 USD/thùng tại thị trường New York. Giá dầu đã giảm 35% kể từ giữa tháng 6.

Quyết định trên không phải là một bất ngờ đối với nhiều nhà phân tích. Trước hội nghị thượng đỉnh, 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh bao gồm Ả Rập Saudi, Kuwait, UAE, Qatar, Bahrain và Oman đã đồng ý từ chối bất kỳ sự cắt giảm nào trong mức hạn ngạch đặt ra trước đó. Ali al-Naimi, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi tuyên bố ông sẽ không tham gia vào trò chơi cung - cầu để ổn định giá cả và cho rằng, “Thị trường dầu sẽ tự bình ổn”. Vì vậy, ông Ali al-Naimi hoan nghênh “các quyết định đúng đắn” được đưa ra sau cuộc họp. Tuy nhiên, nhiều thành viên OPEC trong đó có Venezuela và Iran lại muốn giảm sản lượng dầu xuống nhằm nâng giá dầu lên và tránh cho ngân sách bị thâm hụt lớn.

Cuộc họp diễn ra tại Vienne lần này là cuộc họp lớn nhất của các nước thành viên OPEC kể từ cuộc họp diễn ra tại Oran hồi tháng 12/2008. Được biết, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến cho giá dầu giảm mạnh từ mức 147 USD/thùng vào mùa Hè xuống còn 35 USD/thùng trong tháng 12.

Một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp tại Vienne, Ả Rập Saudi và Venezuela đã có một cuộc gặp với Nga và Mexico, nhưng các bên không đạt được kết quả gì. Ả Rập Saudi cảm thấy rất lo lắng trước sự gia tăng mạnh về sản lượng dầu của Mỹ trong 2 năm qua. Hôm thứ Tư, ông Ali al-Naimi phát biểu “Tại sao Ả Rập Saudo lại phải giảm sản lượng của mình? Hiện nay, Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn và liệu rằng họ cũng nên cắt giảm sản lượng của mình?”.

Theo ước tính của cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tình trạng giá dầu giảm sẽ kéo dài cho đến hết nửa đầu năm 2015 do cung nhiều hơn cầu. Về phía cung, việc Mỹ tăng lượng sản xuất dầu là điều không thể phủ nhận. Theo các số liệu thống kê, Mỹ đã sản xuất 9 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương với sản lượng dầu của Nga và Ả Rập Saudi. Về phía cầu, châu Âu và các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu của sự hồi phục kinh tế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng, không có sự dư thừa trên thị trường. Sẽ có khoảng từ 2 đến 4 triệu thùng dầu có thể không được sản xuất do sự “mong manh” của nền chính trị cũng như của nền kinh tế các nước xuất khẩu dầu lớn như Iraq, Libya, Venezuela và Nigeria. Vào khoảng tháng 2/2015, tại các quốc gia này sẽ tiến hành các cuộc bầu cử, điều này có thể dẫn đến việc gia tăng các vụ bạo lực gây ảnh hưởng đến việc sản xuất dầu mỏ.

Không chỉ khiến cho giá dầu trên thế giới giảm mạnh, quyết định của OPEC còn khiến cho giá cổ phiếu của các công ty dầu mỏ tại châu Âu tiếp tục rớt giá. Ngoài ra, giá dầu giảm cũng gây ảnh hưởng đến mệnh giá đồng tiền của các nước xuất khẩu dầu lớn như đồng Curon của Na Uy, mà đặc biệt là đồng Rúp của Nga.

Chu Thanh - Theo LeMonde 27/11

Mới nhất
x
Giá dầu thế giới sụt giảm mạnh sau quyết định của OPEC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO