Giá điện tăng - Giải pháp của doanh nghiệp
Đầu năm 2011, hàng loạt yếu tố khó khăn "ào" đến cùng một lúc, các doanh nghiệp sản xuất rơi vào tình thế lao đao...
Khống chế hạn mức sử dụng điện?
Gần mười ngày nay, ông Nguyễn Trung Sơn- Trưởng phòng hành chính Công ty CP sản xuất & thương mại Hưng Phát tại Khu công nghiệp nhỏ Nghi Phú như ngồi trên đống lửa. Có ít nhất 3 đối tác nước ngoài từ Đài Loan, Trung Quốc, Đức đã gửi thông báo về đợt điều chỉnh tăng giá thành nhập khẩu tôn và nhựa nguyên liệu phục vụ sản xuất cửa cuốn, cửa nhựa Austdoor của công ty. Thêm vào đó, thị trường trong nước tỷ giá USD tăng 9,3%, giá điện tăng 15,28%, giá xăng tăng thêm 2.900 đồng/lít... khiến doanh nghiệp đau đầu, đứng ngồi không yên.
Thêm vào đó, hợp đồng bán điện cho Công ty Hưng Phát trong tháng 3 là: 53 kwh/ngày trên thực tế sử dụng 100 kw/ngày. Với hạn mức cho phép sử dụng điện quá ít như vậy chỉ phục vụ sản xuất được nửa ngày, thời gian còn lại công nhân phải nghỉ. Từ hôm ra Tết đến nay, công ty mới sản xuất 2/3 công suất máy. Không có điện- đồng nghĩa với nghỉ, công nhân thất nghiệp. Thiếu điện sản xuất, không đảm bảo tiến độ xuất hàng, kết quả là không những bị phạt do không thực hiện đúng hợp đồng, mà còn bị mất khách hàng, làm ăn thua lỗ.
Thiếu điện phục vụ sản xuất khiến doanh nghiệp lao đao -Ảnh: Q. L |
Chủ nhiệm HTX Quyết Thành (Khu CN nhỏ Nghi Phú) - bà Hồ Thị Tân chia sẻ: Nhà máy nghiền bột đá trắng của chúng tôi cần 2.000 kwh/ngày để vận hành máy móc sản xuất, nay Công ty điện lực Nghệ An chỉ cho hạn mức sử dụng điện 1.068 kwh/ngày. Như vậy chỉ đủ sản xuất trong nửa ngày làm việc, nửa ngày còn lại công nhân phải nghỉ việc.
Cái đặc thù của nghề này là lao động nặng nhọc, tiếng ồn và bụi, nên rất khó thuê được lao động ở Vinh, chủ yếu công nhân phải tuyển từ các huyện khác trong tỉnh. Khi họ đến làm việc, chỉ sản xuất nửa ngày, chúng tôi cũng phải trả lương cả ngày. Ngoài ra, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ mất đối tác làm ăn do sản xuất không kịp tiến độ phục vụ khách hàng.
Ông Lê Xuân Đạt, Giám đốc Nhà máy Granite Trung Đô (Thuộc Công ty CP Trung Đô), đóng tại KCN Bắc Vinh, cho biết: Là đơn vị sản xuất liên tục với 2 dây chuyền hoạt động 24/24h, khi giá điện chưa tăng thì bình quân hàng tháng nhà máy đã chi trả 1,2 tỷ đồng tiền điện, khi giá điện tăng lên thì mỗi tháng nhà máy phải trả thêm khoảng 200 triệu đồng.
Nhưng đó chưa phải là điều duy nhất, bởi các đơn vị cung cấp nguyên liệu cũng đã rục rịch tăng giá, trong khi đó, công ty lại chưa thể tăng giá sản phẩm, bởi ngoài các đơn hàng đã ký kết từ trước (không kèm theo điều khoản tăng giá khi giá điện tăng), thì việc cần phải xây dựng được một thị trường làm ăn lâu dài không cho phép công ty tăng giá ngay. Chính vì thế mà công ty đã phải chấp nhận chịu lỗ.
Đâu là giải pháp?
Hầu hết các đơn vị sản xuất mà chúng tôi tiếp xúc đều không khỏi băn khoăn với bài toán điện tăng giá và phải tính toán làm sao cho việc sản xuất ít bị ảnh hưởng nhưng đồng thời cũng có lãi để trả lương công nhân. Bà Lưu Thị Thu, Trưởng phòng Hành chính công ty TNHH Golden Star, cho biết: Công ty luôn xem việc tiết kiệm năng lượng là điều quan trọng hàng đầu trong chiến lược sản xuất kinh doanh.
Việc đầu tư thay thế các thiết bị sản xuất cũ bằng những thiết bị mới tiết kiệm năng lượng hơn là việc công ty đã làm. Năm ngoái, khi giá điện tăng, công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nâng cấp máy móc, thiết bị để tiết kiệm điện. Năm nay điện lại tăng, công ty chỉ mới thực hiện tiết kiệm tối đa đối với các thiết bị điện ngoài dây chuyền sản xuất; đồng thời xây dựng lộ trình tăng giá sản phẩm một cách từ từ, nhằm hạn chế thấp nhất những khó khăn cho người chăn nuôi.
Để giải bài toán thiếu điện, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch sản xuất theo ca kíp, hạn chế tối đa sử dụng điện giờ cao điểm, tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm để giảm chi phí tiền điện. Tuy nhiên, đó chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, có số lượng nhân công ít, còn đối với các doanh nghiệp có nhiều công nhân, đã được chia ra 3 ca sản xuất trong ngày, và sử dụng hệ thống máy móc đã cố định được mức tiêu thụ điện, thì việc tiết kiệm điện là rất khó.
Cũng theo ông Lê Xuân Đạt, hiện nay quy trình sản xuất của nhà máy đã được khép kín với 3 ca sản xuất liên tục, việc nâng cấp thiết bị cũng đã được tính đến, nhưng cũng chỉ mới thực hiện ở việc thay thế các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện, còn nâng cấp máy móc sản xuất chưa thể thực hiện được trong một sớm một chiều.
Vì thế, cách tiết kiệm tốt nhất mà hiện nay nhà máy đang thực hiện đó chính là tổ chức thực hiện tiết kiệm điện trong toàn thể cán bộ, công nhân viên trong toàn nhà máy. Ngay khi giá điện chính thức tăng, nhà máy đã có thông báo cắt giảm tối đa điện năng phục vụ quảng cáo, biển hiệu, trang trí, chiếu sáng nơi công cộng; tiết kiệm 50% điện chiếu sáng bảo vệ; đưa tiêu chí tiết kiệm điện vào tiêu chuẩn xét phân loại hàng tháng cho các cá nhân và các phòng, ban, phân xưởng trong nhà máy...
Dù có sắp xếp, tiết kiệm điện thế nào thì với việc tăng giá điện như hiện nay, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tính toán đưa vào cơ cấu giá thành để tăng giá sản phẩm.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp điện tăng giá không đáng lo bằng việc mất điện, bởi vì nếu tăng giá điện thì doanh nghiệp có thể tự cân đối thu, chi để điều chỉnh sản xuất, nhưng mất điện thì sản xuất sẽ bị đình trệ, người lao động không có việc làm.
Do vậy, để hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được ổn định, đòi hỏi ngành Điện cần có giải pháp cắt giảm điện hợp lý đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, nếu ngành Điện cắt điện đột xuất mà không có lý do chính đáng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường một cách sòng phẳng để bảo đảm quyền lợi người sử dụng. Đòi hỏi này của doanh nghiệp là chính đáng, nhưng liệu ngành Điện có đáp ứng được hay không, khi theo thông báo của Bộ Công Thương, năm 2011, cả nước sẽ thiếu khoảng 3 tỉ kWh điện, thiếu gấp 3 lần so với năm 2010?
Quỳnh Lan - Đặng Cường