Gia đình thứ hai của học trò cá biệt

17/11/2014 23:17

Trong sự nghiệp “trồng người”, có không ít giáo viên luôn dang rộng vòng tay đón nhận, cảm hóa những học trò cá biệt (HTCB), giúp các em có cơ hội phát triển và nhiều em trong số này đã trở thành “con ngoan, trò giỏi”…

TIN LIÊN QUAN

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, chủ nhiệm lớp 12A5, Trường THPT Phước Long, vẫn chưa quên được khoảng thời gian khi vừa chuyển công tác từ Trường THPT Trần Khai Nguyên về Trường THPT Phước Long.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy (người ngồi giữa) cùng đồng nghiệp và học trò của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy (người ngồi giữa) cùng đồng nghiệp và học trò của mình.

Thời điểm ấy, Nguyễn Tuấn Ng là một học sinh ngổ ngáo, nghịch ngợm, sẵn sàng đốp chát lại thầy cô bằng những lời lẽ khó nghe nhất. Rồi Ng nghỉ học một tuần không xin phép. Liên lạc với gia đình không được, trong lớp không học sinh nào biết nhà Ng, rồi đột nhiên Ng đi học trở lại với giấy chứng nhận bị bệnh và có đầy đủ chữ ký của phụ huynh. Rồi Ng lại nghỉ học. Lần này, cô Hà qua tìm hiểu đã lần ra địa chỉ nhà em Ng, biết được Ng không trung thực, cô đã phân tích cho Ng hiểu được cảm giác về một niềm tin bị đổ vỡ, về sự thất vọng khi tình thương đặt không đúng chỗ. Ng im lặng... Sau đó, cô tâm sự với Ng nhiều hơn, giúp em mọi điều kiện để em đến lớp. Ng đi học đều hơn, năm đó, lớp cô Hà thi đỗ tốt nghiệp 100%, trong đó em Ng đạt loại khá.

Ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), tỷ lệ HTCB khá cao, cho nên cô Nguyễn Thị Hương (giáo viên văn, trợ lý thanh niên Trung tâm GDTX Phú Nhuận) hằng ngày thường xuyên tiếp xúc với HTCB. Mới đây, cô đã phải giải quyết tình huống hai HTCB ẩu đả.

Câu chuyện chỉ vì hai bạn nói chuyện không “lọt tai” nhau. Tranh thủ 45 phút trống tiết, cô Hương tranh thủ gọi hai cậu học trò này vào văn phòng Đoàn hỏi han tình hình học tập và mối quan hệ giữa hai em, phân tích cho cả hai học sinh về cái đúng, cái sai của họ và hai em đã nhận ra lỗi của mình. Sau sự cố trên, hai học sinh này đã có sự chuyển biến rõ rệt, các em còn tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức về Đoàn để tiếp tục bồi dưỡng kết nạp. Một trong hai học sinh này đã chủ động tham gia Hội thi Kể chuyện về Bác Hồ, đăng ký tham gia Hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam…

Qua tìm hiểu các thầy, cô có nhiều kinh nghiệm giáo dục HTCB, chúng tôi nhận thấy mỗi người có một cách tiếp cận học trò của mình khác nhau, cách khuyên răn khác nhau, nhưng đều có điểm chung là cái tâm, là tình yêu thương đối với học trò của mình.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Hà cho biết, phương pháp của cô với HTCB gói gọn trong chữ “tâm”. Với cô, nếu không thật sự yêu thương học sinh, người dạy học sẽ chẳng thành công. Thông thường, nhiều người, không ngoại trừ giáo viên, có ấn tượng không tốt, thậm chí là ác cảm với những học sinh này, điều này đã khiến những HTCB hết sức mặc cảm. Vì thế, ngoài việc đối xử nhẹ nhàng, mềm mỏng, thậm chí là những lời khen ngợi đúng lúc, cô Hà còn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em để từ đó có thể tìm ra phương pháp giáo dục thích hợp.

Hơn 10 năm làm công tác chủ nhiệm tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy tâm sự : “Ngoài chương trình học căn bản theo chương trình khung thì chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các HTCB làm bài tập thêm ở nhà. Các em luôn mặc cảm cho nên cần phải có biện pháp mềm dẻo. Khi học sinh sai phạm, mình xử lý đúng mực bằng tất cả tình thương và sự bao dung. Tất nhiên, cũng phải bỏ công tìm hiểu và “đồng hành” với từng hoàn cảnh của các em”.

Trong một trường học cũng như ở xã hội, có người này người kia, không thể hoàn hảo hết được. Vẫn còn nhiều trường hợp các HTCB sa ngã, ăn chơi, bỏ bê việc học hành. “Không thể vì thành tích của nhà trường mà đóng sập cánh cửa tương lai đối với các em, như vậy là chưa làm tròn trách nhiệm của người thầy”, cô giáo Nguyễn Thị Hương cho biết thêm như vậy.

Cứ như thế, những thầy giáo, cô giáo vẫn đang tiếp tục hành trình của mình, dang tay đón nhận học trò với tình yêu thương bao la. Họ dẫn đường, chỉ lối, đưa các em ra khỏi những khó khăn để các em tiếp tục có cơ hội trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân có ích cho xã hội.

Theo nhandan.org.vn

Mới nhất
x
Gia đình thứ hai của học trò cá biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO