Giá mía thấp nông dân ngại đầu tư, chăm sóc

26/06/2013 14:16

(Baonghean) - Giá mía thấp thua năm ngoái trong khi đầu tư chi phí cho cây mía tăng cao khiến cho nhiều người trồng mía ở Con Cuông, Anh Sơn không muốn đầu tư cho mía …

Được biết trong sản xuất mía “chữ đường” rất quan trọng, là thước đo và quyết định đến giá trị thu mua; chữ đường tăng thì giá mía càng tăng. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng mía vẫn chưa quan tâm đến chữ đường, bởi nhiều ruộng mía chữ đường tăng nhưng tính ra vẫn lỗ bởi giá mía thấp.

Lâu nay thôn 2/9 xã Châu Khê - Con Cuông được đánh giá là địa phương thâm canh mía tốt bậc nhất vùng nguyên liệu mía của Công ty CP mía đường Sông Lam. Tuy nhiên mấy năm lại nay, người trồng mía không còn mặn mà đầu tư cho mía. Chúng tôi về thôn 2/9, để ý kỹ thì thấy hầu hết các ruộng mía thân cây khẳng khiu.

Bà Phan Thị Lý ở thôn 2/9 cho biết: Nhà tôi làm 8 sào mía nhưng do năm nay giá đường thấp, kéo theo giá mía rẻ nên vụ mía vừa qua tính ra thua lỗ. Cụ thể là đạt 8 sào/30 tấn mía, chữ đường chỉ đạt 8 CCS nên giá chỉ đạt thấp 800.000 đồng/tấn mía. Theo như bà Lý thì để đầu tư 1 sào mía cần đến hơn 60 kg đạm urê, trên 150 kg phân NPK, nhưng bà chỉ đầu tư 20 kg đạm urê và trên 60 kg phân NPK/sào. Năm nay đầu tư phân bón kém hơn các vụ trước và nắng hạn kéo dài nên vụ tới năng suất mía sẽ đạt thấp.

Anh Nguyễn Văn Thìn đang vun gốc mía, tâm sự: “3 sào mía theo quy định đến thời điểm này phải bón 3 đợt phân và 2 đợt đạm nhưng chúng tôi cũng chỉ bón phân NPK “nhỏ giọt” được tổng cộng 2 lần, khoảng 40 kg phân NPK/sào, và bón 1 đợt đạm 15kg, còn lại tăng cường thêm phân chuồng. Dẫu biết đầu tư đúng quy trình mía sẽ cho năng suất cao, nhưng vẫn sợ giá mía thấp, có đầu tư vẫn bị lỗ”.



Vợ chồng chị Lữ Thị Hợi ở bản Bọong, xã Lạng Khê (Con Cuông) chăm sóc mía.

Chị Lữ Thị Hợi ở bản Bọong xã Lạng Khê - Con Cuông cho hay: Vụ mía vừa qua gia đình làm 2 sào đạt 7 tấn mía, chữ đường đạt 9,2 CCS, nhà máy thu mua giá 860.000 đồng/tấn. Mía đến thời điểm này đã 5 tháng tuổi, thông thường thì phải đánh lá vun luống 3 lần để luống mía thông thoáng, cây mía sinh trưởng nhanh, giảm sâu bệnh, nhưng hầu hết bà con ở đây chỉ đánh lá lên luống 1 lần, hình thức này là giảm chi phí đầu tư, bởi mỗi lần lên luống là một lần bón phân. Riêng với chị Hợi cả vụ mía này chị không bón thúc đạm mà để số đạm đó đầu tư cho 3 sào lúa.

Ông Nguyễn Thanh Bình-Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết thêm: Châu Khê có 94 ha mía, lâu nay xã xác định cây mía là cây chủ lực, do giá mía xuống thấp nên hiện nay nhiều bà con chưa dám đầu tư cho cây mía. Xã có kiến nghị là để cây mía ổn định thì cần có những chính sách hơn nữa. Đặc biệt là nhà máy đường cần đầu tư xây dựng đường giao thông nguyên liệu để bà con thuận lợi cho thu hoạch mía và đầu tư chăm sóc. Khâu tiêu thụ cần phải đảm bảo khung giá có lãi cho người trồng mía.

Ở Anh Sơn, vụ mía này người dân đầu tư rất “nhỏ giọt”. Anh Hồ Nhượng ở xã Thành Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Riêng gia đình tôi trồng 7 sào mía nhưng vụ này cũng chưa được nhà máy cho vay tiền để mua phân bón. Giá mía vụ trước giảm, vốn đầu tư eo hẹp nên gia đình tôi không dám mạnh tay đầu tư chăm sóc”. Được biết, xã Thành Sơn có trên 120 ha mía, vụ này nhiều người dân vẫn chưa được nhà máy đường đầu tư cho vay để bà con mua phân bón chăm sóc mía. So với lúa và các cây trồng khác thì cây mía là cây sinh trưởng dài, cả năm mới cho thu hoạch, trong khi thu nhập chưa ổn định nên nông dân rất mong chờ sự đầu tư từ phía nhà máy đường.

Ông Lê Đình Vinh - Phó phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông nói thêm: Toàn huyện Con Cuông có trên 300 ha mía tập trung ở các xã Châu Khê, Lạng Khê, Chi Khê... Lâu nay Công ty CP mía đường Sông Lam mới chỉ hỗ trợ phân vi sinh do nhà máy sản xuất, trong khi nhiều hộ dân đang cần được đầu tư vốn vay để đầu tư sản xuất như mua thêm phân bón, tiền cày đất, tiền mua thuốc BVTV... Chưa kể là vùng mía Con Cuông cần Nhà máy đầu tư đường giao thông nguyên liệu.

Ông Trần Đình Đức - Giám đốc Công ty CP mía đường Sông Lam cho biết: Đến thời điểm này vùng nguyên liệu của công ty có trên 1.700 ha mía, vụ ép năm 2012-2013 do giá đường xuống thấp nên công ty gặp nhiều khó khăn. Vụ mía năm 2013-2014, công ty đã nỗ lực cho vùng nguyên liệu vay trên 11 tỷ đồng thời hạn 1 năm với lãi suất dưới 10%/năm, hỗ trợ không hoàn lại 200 tấn phân bón cho người trồng mía. Tuy nhiên chưa thể đầu tư rộng khắp được.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã yêu cầu tất cả các nhà máy đường trên toàn quốc phải mua mía theo chữ đường. Vì vậy, nếu nâng cao chất lượng mía thì người trồng mía mới có lợi nhuận. Các nhà máy đường cần hỗ trợ tích cực cho người trồng mía, như vốn vay ưu đãi, bao tiêu ổn định và đưa ra mức giá ổn định trong 3 năm liên tiếp đồng thời là đầu tư KHKT, đưa các loại giống mới vào khảo nghiệm... để người dân có điều kiện, yên tâm đầu tư, chăm sóc mía để nâng năng suất lên.


Vương Trần

Mới nhất

x
Giá mía thấp nông dân ngại đầu tư, chăm sóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO